Marco Minnemann – tay trống đã góp mặt trong hơn 100 album với rất nhiều nghệ sĩ và ban nhạc mang những màu sắc khác nhau. Từ chất funk-crossover của Freaky Fukin Weirdoz cho tới thứ technical death metal dữ dội và phức tạp của Necrophagist, từ The Mute Gods tinh tế cho tới Joe Satriani đầy cảm xúc! Vậy quan điểm của anh thế nào khi nói đến chuyện “chơi nhạc”, đặc biệt là chơi cùng với 2 người chiến hữu thiên tài Guthrie Govan và Bryan Beller dưới màu áo The Aristocrats nhỉ?

Thông thường anh đi tìm cảm hứng sáng tác thế nào? Âm nhạc “tìm” thấy anh bằng cách nào? Có phài lúc chơi nhạc cụ không? Hay là ngân nga một giai điệu nào đó thôi?
Marco Minnemann: Tôi đi theo cái “vibe” trong tâm trí. Đôi lúc rất ngẫu nhiên như khi đang du lịch và cảm thấy bùng nổ cảm hứng từ một suy nghĩ hay đứng trước một cảnh quan nào đó chẳng hạn. Có những ngày tôi lại thức dậy với nguyên 1 bài nhạc mới trong đầu – mà tôi đã “mơ thấy”. Nhưng cũng có khi là bắt được gì đó rất hay ho khi jam trên một… cây guitar.
Tôi không quá đặt nặng việc viết hẳn ra một câu riff hay giai điệu rồi xây dựng mọi thứ quanh chúng, mà thường theo đuổi một “vibe” nào đó, kể ra một câu chuyện ngẫu hứng một cách nghiêm túc. Như bài ‘OC/DC‘ thì tôi hạ thấp tông tất cả nhạc cụ một cách chủ đích, nhưng bài ‘Douche‘ thì thuần túy là vui vẻ thậm chí pha phần chua chát. Có những bài thì vô cùng cụ thể như ‘When I was Gone’ lại mang thông điệp… chính trị về một gã chạy quanh khắp nơi bảo rằng hắn là Jesus tái sinh và… có người tin theo thật.

Nhạc của các anh (The Aristocrats) thường có cấu trúc phức tạp hơn những gì đang phổ thống đại chúng. Vậy một khúc nhạc nhịp 4/4 có còn làm các anh hứng thú nữa không, hay các anh sáng tác theo chiều hướng thử thách bản thân và vui vẻ trên sân khấu?
Marco Minnemann: Cá nhân tôi thấy bài ‘Obvious’ và ‘Sunshine’ là 2 ví dụ khá gần với ‘Nhạc Pop’ đó chứ. 4/4 không có gì là xấu, tôi không tiếp cận âm nhạc với tham muốn khoe khoang những điều càng phức tạp càng tốt, hay “khè” ai bằng kĩ thuật cả. Đó không phải là thứ tôi ham thích! Nhưng các nhịp phách khác ngoài 4/4 có tồn tại, chúng cũng có cái hay của riêng mình và tôi nghĩ chúng xứng đáng/nên được sử dụng nhiều hơn, vì vậy tôi dùng chúng làm chất liệu sáng tác cho mình!

Sáng tác nhạc với anh có phải luôn là “Phát minh” ra những điều mới không?
Chà, cái đẹp của việc sáng tác là những điều bất ngờ, những thứ không ai đoán được, theo tôi là như vậy. Tôi biết có nhiều nghệ sĩ chơi nhạc nghe giống tất cả mọi thứ trừ… chính bản thân họ, tôi không thích việc ấy. Con người mê việc so sánh lắm, và rất bực khi tôi đưa cho họ một khúc nhạc mà họ chẳng thể tìm một cái hộp nào để bỏ vào và “dán nhãn” thể loại cho nó cả. Quá trình sáng tác với tôi không phải để ‘phát minh’ ra gì mới, nhưng tôi muốn giải tỏa cảm xúc cho mọi người theo nhiều kiểu khác nhau, bằng nhiều cung bậc cảm xúc. Có khi là tiếng khóc đớn lòng, lúc lại là những tràng cười ha hả. Tôi đặc biệt dành tình cảm cho những nghệ sĩ với tư duy sáng tác rộng mở và khả năng sáng tạo ra những tác phẩm giàu cảm xúc, dù vui hay buồn, cuộc sống này đa dạng mà.

Anh thấy “chơi nhạc” kiểu Mỹ khác gì với kiểu chơi mà anh lớn lên cùng ở quê nhà Đức?
Tôi nghĩ chơi nhạc ở Châu Âu phụ thuộc vào đội hình nghệ sĩ/ban nhạc nhiều hơn ở Mỹ, ở Mỹ thấy chuyện có nhạc sĩ chơi session rất phổ biến, cũng như những ban nhạc thay đổi thành viên liên tục. Những ban nhạc ở Anh/Châu Âu giống như một gia đình hơn, ít nhất là trước mắt khán giả. Những người hâm mộ phần nào ‘cảm’ được mối liên kết ấy, và cảm thấy sự hâm mộ của mình ngày càng bền chặt khi thấy mình cũng theo cách nào đó là một phần của gia đình ấy. Vậy nên có rất nhiều ban nhạc chỉ chơi một đội hình rất ít thay đổi, và biến đội hình ấy thành thương hiệu.

Ở Mỹ anh em chọn người chơi nhạc cùng theo cách rất thực dụng: Kỹ thuật của ông thế nào? Ông chơi được session vào tour nào? Ông thích nghi với việc đánh “vá” nhanh không? Điều ấy bằng cách nào đó đã khiến văn hóa Jazz ở Mỹ trở nên rất mạnh mẽ, đặc biệt ở mảng ứng tấu. Nhưng điểm chung tôi thấy là dù ở đâu đi nữa thì… những nghệ sĩ chơi solo sẽ luôn tự do nhất *cười*.

Anh thấy việc ở trong một supergroup thú vị chứ?
Tôi nghĩ điều này nghe sẽ hơi kì nhưng… The Aristocrats trong mắt tôi khác với một supergroup. Chúng tôi là 3 người có tư tưởng chơi nhạc “ăn khớp” nhau tới lạ kì, và tình cờ trước khi chơi cùng nhau thì đã chơi cùng rất nhiều nghệ sĩ khác thôi. Đây không phải supergroup kiểu ‘Govan/Beller/Minnemann’, chúng tôi là The Aristocrats, một ban nhạc đích thực, không phải 3 người riêng lẻ chỉ gặp mặt để làm vài dự án nhất định. Mong rằng trên sân khấu chúng tôi có thể khiến các khán thính giả cảm thấy đang đứng trước một ban nhạc thực thụ!

Marco Minnemann sẽ cùng Bryan Beller và Guthrie Govan trình diễn tại Hà Nội vào tháng 3 tới đây, trong khuôn khổ The Defrost Tour 2023.
Đêm nhạc tại Hà Nội sẽ diễn ra ở Phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, vào ngày 3/3/2023. Mọi chi tiết cũng như cách thức đặt vé bạn có thể quét QR trong poster dưới hoặc truy cập vào ĐÂY.
