Bryan Beller – bassist, nhà soạn nhạc và bậc thầy hàng đầu của giới bass! Ngoài việc những album của ông đều vào hàng thượng thừa tốn biết bao giấy mực ngợi khen của giới phê bình – như View, hay Thanks In Advance (được Chris Jisi từ Bass Player Magazine lập tức đánh giá là album của năm) – Bryan còn là “chiến hữu” đáng tin cậy mà các virtuoso luôn tìm tới khi cần một người đảm bảo có thể tạo ra phần dải trầm tinh tế, giàu nhạc tính mà vẫn đầy nội lực. Bryan Beller dường như chưa từng “ngán” dòng nhạc nào, và luôn mở lòng đón nhận những dự án hợp tác mới!

Những đồng đội của Bryan Beller ư? Chà, chúng tôi biết bắt đầu từ đâu nhỉ? Từ “thiên tài lập dị” Frank Zappa đã cùng Bryan chơi nhạc 15 năm, 11 album và vô số tour diễn, cho tới được Steve Vai tín nhiệm không chỉ ở các live show mà còn giao toàn bộ phần bass của Sound Theories kết hợp cùng Metropol Orchestra, Where The Wild Things Are và nhiều dự án khác cho Bryan đảm nhiệm. Từ nhạc đồng quê với Kyle Wyley, cho tới “người ngoài hành tinh” Joe Satriani. Thế giới thực là chưa đủ, Bryan Beller còn tiến vào cả… hoạt hình dưới cương vị 1 thánh viên của Dethklok (ban nhạc là nhân vật chính của chuỗi phim “Adult Swim” Metalocalypse), thậm chí cùng họ ra mắt album The Dethalbum II và đi 3 tour diễn xuyên nước Mỹ. Kể thêm nữa chắc hết cả ngày mất. Hiện tại ư, dự án chính của Bryan Beller là The Aristocrats với 2 virtuoso Guthrie Govan và Marco Minnemann.

Vậy tay bass thượng hạng, bậc thầy trên sân khấu các clinic master class (được tài trợ bởi Mike Lull Custom Guitars, SWR Amplification và D’addario Strings), biên tập viên cho Bass Player Magazine và cựu phó chủ tịch của SWR Sound Corporation – Bryan Beller có quan điểm thế nào về âm nhạc nói chung và việc “chơi” nhạc nói riêng? Hãy cùng Whammy News tìm hiểu qua những câu hỏi phỏng vấn nhé!

Với khối lượng tác phẩm đồ sộ với các nghệ sĩ khác nhau, cũng như tính chất “trầm lắng” của nhạc cụ thường gắn với việc “đặt cái tôi xuống” để tạo nên một tổng thể hài hòa, nhiều người gọi anh là “Bassist của mọi nhà”! Đâu là bí quyết của anh để duy trì và phát triển một sự nghiệp đầy màu sắc với đủ các thể loại âm nhạc như vậy?
Bryan Beller: Thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ trở thành bassist kiểu “Bass Player Magazine”. Tôi luôn có hứng thú trong việc đóng góp sự hỗ trợ tốt nhất mà bản thân có thể cho thứ âm nhạc mà tôi và mọi người chơi, thay vì cố gắng tỏa sáng một cách đơn độc, có lẽ đó cũng là lí do mà tôi chọn chơi bass từ đầu. Năm ấy tôi 22 tuổi, mới tốt nghiệp Berklee và chỉ còn vài ngày nữa theo dự tính là sẽ chuyển tới New York để chơi cùng một ban nhạc Blues với những sáng tác riêng, nhưng tôi lại nhận được cuộc gọi của Dweezil Zappa và điều cuối cùng tôi nhớ là 3 tuần sau đó tôi đang cùng gã chơi nhạc “kì quái” ở Los Angeles. Dẫu thứ âm nhạc ấy kì lạ, tôi vẫn vô tư và tin rằng chỉ cần mình làm tốt việc của mình thì tất cả bằng một cách nào đó sẽ hài hòa trong việc truyền tải một ý tưởng nhất định, dù có kì cục thế nào.

Chúng tôi thấy anh từng đi nhiều “House Tours” với Kira Small? Cảm giác chơi trên sân khấu hàng ngàn người cùng Dethklok hoặc Steve Vai có khác nhiều với việc chơi nhạc trong… phòng khách với anh không?
Bryan Beller: Thú thực là 2 việc mang 2 cảm giác RẤT khác, nhưng đều mang lại cho tôi sự thích thú và thoải mái. Kira chơi nhạc Soul/R&B, chúng tôi chơi kiểu duo trong những sân khấu rất nhỏ, house concert, quán cafe và cả những venue tí hon. Vì chúng tôi là duo, nên đôi khi tôi vươn ra ngoài phạm vi thông thường của mình, lúc thì tôi giả tiếng percussion, khi thì lại “múa” 1 đoạn solo kiểu guitar trên bass. Tôi hỗ trợ cô ấy theo 1 cách rất… khác vị trí của tôi trong Dethklok, nhưng tôi luôn tìm cách phù hợp và hiệu quả nhất để bổ trợ cho âm nhạc của nghệ sĩ mình chơi cùng. Nếu chỉ là tà tà chơi vài nốt bass lặp lại đơn giản, cũng được, nếu thêm nhiều chất liệu khác như với Kira và Dethklok, cũng hay. Tất cả cốt làm sao cho âm nhạc được trọn vẹn.

Còn về chuyện… sân khấu nhỏ sân khấu to thì… tôi YÊU việc chơi trước mặt hàng ngàn metalhead đang gào thét, đúng nghĩa là một trải nghiệm kiểu “giấc mơ thành hiện thực” luôn đó. Nhưng cảm giác chơi cho 30 người nghe trong một căn phòng tí hon cũng rất kì diệu. Những khán phòng nhỏ mang lại sợi dây kết nối chặt chẽ giữa nghệ sĩ và người nghe mà những sân khấu lớn dường như quá xa cách để có thể đạt được. Ồ, sự thật thú vị đó là những buổi biểu diễn của Kira có khán giả rất đa dạng. Nhiều người là fan Kira, nhưng cũng có fan của Dethklok, fan của tôi khi tôi chơi cùng Steve Vai hay Mike Keneally, thậm chí là fan những dự án cá nhân của tôi, họ không tin được có một ngày chui vào quán cafe nhỏ xíu và được xem tôi chơi chỉ cách họ 2 mét. Cá nhân tôi thích cả 2 kiểu biểu diễn, và tự thấy mình cân bằng khá tốt đó chứ!

Anh đã nghĩ ra kĩ thuật Flicking tốc độ cao của mình trong như thế nào vậy?
Bryan Beller: Khi tôi còn tuổi teen, tôi rất muốn chơi được album Master Of Puppets của Metallica, đặc biệt là bài “Damage, Inc“. Bài đó tempo đã cao rồi, và bass còn đánh gấp đôi guitar, rõ ràng không có cách nào để tôi chơi nó bằng ngón tay theo kiểu truyền thống ở trình độ lúc đó được. Nhưng vì lí do nào đó, thay vì tập chơi bằng pick, tôi cương ngón trỏ và giữa lên để “giả” làm một chiếc pick và bắt đầu vẩy vẩy chém vào dây E. Lúc đầu gượng gạo lắm, nhưng dần dà tôi cũng quen và… “master” nó lúc nào không hay. Tôi bắt đầu chơi kiểu đó năm 16 tuổi, tính ra là mất thêm… 20 năm sau đó mới có dịp dùng khi chơi cùng Dethklok.
Nhân tiện nói về Dethklok, anh đã gặp họ như thế nào?
Bryan Beller: Chà, một câu chuyện dài nhưng tôi sẽ cố giữ nó ngắn gọn. Brendon Small, tác giả của Dethklok và Metalocalypse đã biết Mike Keneally từ trước khi tôi biết anh ấy. Brendon còn đi xem chúng tôi chơi ở The Baked Potato, Los Angeles cơ. Anh ấy hâm mộ âm nhạc của chúng tôi. Sau đó Brendon và Mike trở thành bạn trên MySpace, rồi Mike giới thiệu anh ấy cho tôi trong lúc Metalocalypse vẫn trong quá trình phát triển. Brendon cố giải thích cho tôi về một bộ phim hoạt hình hài hước lấy chủ đề một ban nhạc Death Metal chơi thì rất dữ nhưng thường ngày cũng chảnh chọe, hờn dỗi kiểu “celeb” chẳng kém gì ai.

Sau đó thì “Bùm”, ban nhạc “giả” ấy lại bùng nổ và nổi tiếng khắp nước Mỹ, và Brendon bị ép phải tìm ra 1 cách khiến họ có thể… đi tour ngoài đời thực. Vậy nên Brendon đã gọi cho tôi! Tôi vui phát cuồng luôn vì tôi yêu nhạc metal lắm nhưng chưa có cơ hội chơi trong một ban nhạc metal nghiêm túc bao giờ. Đặc biệt là có cả Gene Hoglan sau bộ trống và Mike Keneally chơi guitar nữa, một trải nghiệm tuyệt vời! Đó là một trong những dự án vui nhất tôi từng được chơi!

Thế câu chuyện về quá trình sáng tác cho những dự án cá nhân của anh thì sao?
Bryan Beller: Đó là một quá trình dài đằng đẵng và đau khổ! Đùa thôi *cười*! Tôi là tuýp người mà sẽ demo tất cả mọi thứ cho tất cả mọi bài hát! Tôi sẽ viết trống máy, tự mày mò tone đàn guitar phù hợp, chơi phần keyboard (lúc nhỏ tôi từng chơi piano nên may quá cái này đỡ phải nhờ vả hoặc chấm nốt MIDI) rồi chơi bass. Tôi rất chú trọng chi tiết, nên tổng phổ cũng như phần “nền” luôn phải “đánh vật”.

Đôi khi tôi bắt đầu sáng tác giai điệu, cũng có lúc bắt đầu từ một câu trống hoặc bass chủ đạo, khi thì lại sáng tác dựa trên một vòng hòa âm thú vị tình cơ mày mò ra được. Nhưng bao giờ tôi cũng đặt tính giai điệu lên hàng đầu, phải có một giai điệu với tính thông điệp đủ mạnh! Tôi rất hâm mộ John Scofield, kĩ thuật và tone đàn đều thượng hạng nhưng đôi khi anh ấy viết ra mấy quả giai điệu nghe muốn dỗi lắm.

Tôi nghĩ dù chơi nhạc Pop hay Fusion cũng có điểm chung là mọi người đều nhớ về giai điệu đầu tiên. Đó chính là cốt lõi của bản nhạc! Đó chính là thứ tôi muốn viết! Một bản nhạc đáng nhớ, với giai điệu “dính” lấy bạn cả ngày. Thú thực chỉ cần giai điệu đủ ấn tượng và đúng nghệ sĩ cho đúng nhạc cụ thôi thì quá trình thu âm trở nên dễ thở hơn rất nhiều.
Một điều nữa đó là tôi… cố đặt tên cho mỗi bản nhạc trước. Tôi chủ yếu viết nhạc instrumental mà, nên tôi chỉ có 1 cơ hội duy nhất để giao tiếp với người nghe bằng câu chữ, mở đường cho ý tưởng mà tôi muốn truyền tải qua mỗi bản nhạc ngay từ cái tên. Vậy nên khi có cái tên rồi, tôi bắt đầu xây dựng và chỉnh sửa bản nhạc để truyền tải tốt nhất thông điệp được “rút gọn” trong tên tác phẩm.

Thế với The Aristocrats? Ban nhạc có lượng fan khá bền vững, nếu không muốn nói là sùng bái các anh, dù chất liệu âm nhạc cả 3 chọn để theo đuổi phức tạp và có phần mang tính tế nghiệm. Anh nghĩ rằng có giới hạn nào phải đặt ra để “chiều fan” không?
Bryan Beller: Tôi nghĩ rằng The Aristocrats may mắn hơn rất nhiều ban nhạc và nghệ sĩ Pop ngoài kia *cười*. Điều hay ho của việc đánh vào thị trường “ngách” này và theo đuổi một dòng nhạc không phổ biến lắm có lẽ là… khi bạn có một người fan thực sự, khá chắc họ sẽ nghe bạn cả đời. Chúng tôi rất xúc động và trân quý những tình cảm từ người hâm mộ. Cá nhân tôi thì luôn có cảm giác chúng tôi mang trên mình “thương hiệu” The Aristocrats, người hâm mộ luôn tò mò và thích thú khi chúng tôi thử nghiệm một chất liệu mới, chứ không hâm mộ chúng tôi về một chất liệu cụ thể nào cả, nên chúng tôi không có giới hạn nào về mặt sáng tạo. Như người ta nói đó, “Đó là Feature, không phải Bug”.

Tôi nhớ rằng The Aristocrats làm album rất công bằng, mỗi người viết 3 bài rồi góp lại thành đĩa chung! Anh nghĩ rằng tư duy viết nhạc của 3 người khác nhau nhiều không? Điều gì làm nên một bài “của” Bryan, cũng như “của” Guthrie và Marco?
Bryan Beller: Khá ngạc nhiên nhé: Marco Minnemann lại viết nhạc phong phú hơn tôi và Guthrie! Não bộ của anh ấy hoạt động nhanh và sáng tạo tới không ngờ, vậy nên vấn đề ở đây không phải là Marco viết ra gì, mà chúng tôi ngồi đó lựa xem có gì hợp với The Aristocrats giữa 1 núi chất liệu được anh ấy sáng tạo và thu âm liên tục.

Guthrie và tôi lại chỉnh chu và cầu toàn hơn trong quá trình viết nhạc, nên khá tốn thời gian để thực sự xác định được cách diễn tả những ý tưởng chúng tôi muốn truyền tải qua âm nhạc. Điều rất buồn cười đó là “nhạc Guthrie” lại được anh ấy viết với phần bass vô cùng phức tạp, trong khi “nhạc Bryan” của tôi lại có phần guitar cực khó để đánh đố Govan. Quan điểm của Guthrie Govan khi sáng tác cho The Aristocrats có phần hơi “extreme”, anh ấy muốn tam tấu của chúng tôi nghe dày và phức tạp nhất có thể, vậy nên phần bass sẽ có nhiều đoạn harmonic cũng như những giai điệu đan xen mà không phải người viết nhạc nào cũng sử dụng được.
Tôi thì tự thấy mình là người có tư duy sáng tác đơn giản, trực quan, truyền thống. Tôi viết nhạc khá rõ ràng verse/chorus và “Tinh thần Mỹ” lắm.

Vậy với những nghệ sĩ ngoài kia đang theo đuổi thể loại instrumental theo chiều hướng phức tạp giống The Aristocrats, anh có lời khuyên nào dành cho họ chứ?
Bryan Beller: Chơi những gì bạn yêu thích! Chơi những gì bạn nghe mỗi ngày! Đó là cách chân thực nhất, và tôi nghĩ rằng chính thứ nhạc bạn nghe nhiều nhất sẽ phảng phất hình bóng trong âm nhạc của bạn, trong quá trình sáng tác của bạn và đặc biệt là trong “thương hiệu” của ban nhạc bạn. Đừng cố trở thành thứ mà rõ ràng mình không phải. Nếu bạn thực sự thích chơi nhạc instrumental và tâm trí của bạn lúc nào cũng nghĩ về nó, thì sản phẩm của bạn đương nhiên khả năng cao sẽ là… instrumental. Đó đâu phải là điều xấu? Thêm nữa là… chẳng có ai đảm bảo sẽ kiếm được tiền từ chơi nhạc, nếu bạn muốn chắc chắn kiếm ra tiền, hãy chọn một ngành/thú chơi khác. Với tôi tiền nong chưa bao giờ là vấn đề cốt lõi cả.

Bryan Beller sẽ cùng Guthrie Govan và Marco Minnemann trình diễn tại Hà Nội vào tháng 3 tới đây, trong khuôn khổ The Defrost Tour 2023.
Đêm nhạc tại Hà Nội sẽ diễn ra ở Phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, vào ngày 3/3/2023. Mọi chi tiết cũng như cách thức đặt vé bạn có thể quét QR trong poster dưới hoặc truy cập vào ĐÂY.
