More

    Foto Flame: Fender cũng… làm hàng giả?

    Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 70 năm của mình, dưới vai trò người tiên phong của giới nhạc cụ nói chung và guitar điện nói riêng, gã khổng lồ Fender dĩ nhiên đã hàng trăm lần thử nghiệm những phát kiến mới lạ. Có những lần thành công tới không tưởng, như dòng Parallel Universe III, hay cây Jag-Stang của Kurt Cobain, nhưng cũng có những khi Fender ngã một vố đau mà chỉ biết cười trừ.

    Foto Flame là một trong những cú ngã ấy.

    Như các bạn đã biết, đầu những năm 80, Fender tưởng chừng ngã quỵ trước 2 cú sốc lớn. Đầu tiên là phải gắng gượng dậy sau khi được chuyển giao hoàn toàn sang tay của CBS, thứ 2 là thị trường tràn lan những cây đàn giả đạo nhái tới trắng trợn từ Nhật Bản.

    Foto Flame được sinh ra như ý tưởng “Nhất tiễn song điêu”, nhắm vào 2 mục tiêu, đầu tiên là cạnh tranh trong thị trường guitar giá rẻ, thứ hai là hy vọng tạo ra đối trọng với những hãng guitar nổi tiếng với mặt top Flame thời ấy, như Dean, hay “tân binh” PRS.

    Một quảng cáo của Dean năm 2001.

    Vậy Foto Flame là gì? chính xác thì “Foto Flame” là một tấm phim rất mỏng với họa tiết vân gỗ cao cấp, được Fender bắt tay sản xuất với một tập đoàn chuyên sản xuất phim ảnh giấu tên (Chúng tôi đã nghe nhiều tin đồn là Fuji, nhưng cũng có thể là Kodak). Tấm phim được bọc quanh thân đàn với chất liệu gỗ rẻ hơn như Basswood Alder rồi sấy nhiệt để co lại và bám chặt vào cây đàn. Tấm phim ấy bám vào khít tới nỗi bằng mắt thường khó có thể phân biệt được đây là “nước sơn” bọc ngoài gỗ. Kết quả là một cây đàn giá rẻ với vẻ ngoài high-end như bước ra từ catalog của Custom Shop.

    Thế nhưng Foto Flame lại… khá yểu mệnh, khi chỉ tồn tại trong những năm 90s trước khi bị ngưng sản xuất vào năm 1998 (cũng có những cây đàn trên thị trường với serial của năm 1999 hoặc 2000, có thể là xưởng sản xuất tận dụng nốt những nguyên liệu thừa). Đa phần những cây đàn Foto Flame được sản xuất tại nhật bản (MIJ hoặc CIJ), dưới dạng một phiên bản Reissue của những cây đàn Fender nổi tiếng.

    Dẫu là “nước sơn” bọc ngoài thân gỗ chất lượng không cao lắm, Fender khá nghiêm túc khi bổ nhiệm cho xưởng Fuji Gen Gakki sản xuất gần như toàn bộ những cây Foto Flame, đây cũng là nơi làm ra những cây Ibanez phân khúc $2000.

    Một nghệ nhân của Fuji Gen Gakki.

    Có một truyền thuyết về việc một nghệ nhân tại Fuji Gen Gakki và một tay trong tại bộ phận thiết kế bất mãn với những cây đàn “Flame Top Giả Cầy” nầy nên đã cố tình ẩn khuôn mặt của nhân vật phản diện McDonald – Hambugular – vào lớp vân của một số cây đàn, sau đó cả 2 bị đuổi việc. Dĩ nhiên, không có nguồn tin chính thống nào xác thực cho việc này, nhưng tấm ảnh này cũng khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều.

    Ở Neck socket, các bạn có thể thấy được ranh giới của tấm phim, cũng như vân của loại gỗ thật ở bên dưới.

    Về bản chất, Foto Flame cũng không phải những cây đàn quá tệ, chúng được gia công theo tiêu chuẩn Nhật Bản và phần nào cảm giác chơi có thể sánh ngang với những cây Fender Mexico. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng nguyên nhân dẫn tới số phận yểu mệnh của dòng đàn này cũng chính là nguồn gốc “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của chúng.

    Đầu tiên có lẽ chính là việc… đường hình và đường tiếng không ăn nhập (Bạn có nhớ những chiếc TV cũ ở nhà mình hồi nhỏ không?). Chúng không mang chất âm Alder/Maple kinh điển của Fender, cũng như việc một cây đàn rõ ràng mang vẻ ngoài Flame Maple lại cho ra chất âm… nảy tròn trịa tưng tửng của Basswood. Và như chúng tôi đã từng đề cập về các loại sơn finish guitar, việc áp một tấm phim bọc quanh đàn sẽ khiến tiếng đàn trở nên rất bí bách và cắt giảm rất nhiều sustain (Các bạn có thể tìm một nghệ sĩ Pop Punk với cây đàn dán kín sticker gần nhà để thử nghiệm).

    Và thứ 2 là… vẻ đẹp ấy không tồn tại lâu tới vậy. Lớp phim khi trầy xước để lộ ra lớp vân thật ở dưới nhìn rất… nham nhở và khó chịu. Nếu bạn tính relic luôn một thể thì… xin chúc may mắn, bạn sẽ cần một lời chúc đó, vì kết quả đầu ra hoàn toàn không thể dự đoán trước, nhưng thiên về nham nhở nhiều hơn là đẹp. Chính vì vậy, đây có thể là cây Foto Flame Relic duy nhất mà chủ nhân của nó vẫn tự hào đăng tải lên internet mà chúng tôi tìm được.

    Thật may mắn khi hiện tại chúng ta đang sống trong thời đại Fender làm ra những cây đàn với 2 “lớp sơn” chồng lên nhau một cách nghiêm túc, để quá trình relic trở nên khó dự đoàn và nghệ thuật hơn bao giờ hết, có lẽ phần nào cũng phải cảm ơn những thử nghiệm của họ với Foto Flame.

    Dưới đây là một cây Fender Custom Shop 1957 Stratocaster tại Whammy Bar, với 2 lớp finish Sonic Blue và Pink Paisley sẽ dần hé lộ theo thời gian bạn đồng hành với cây đàn. Chúng tôi rất tò mò chủ nhân tương lai của cây đàn sẽ tạo ra diện mạo mới thế nào cho cây đàn thú vị này đó!

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img