More

    Mua đàn cùng John Petrucci: Thoải mái là trên hết!

    Dưới cương vị một trong những cầm thủ mang tính biểu tượng của thời đại, cũng như người sở hữu dòng signature guitar thành công bậc nhất thế giới bắt tay cùng với Ernie Ball Music Man, quan điểm của John Petrucci về việc chọn guitar điện có khác chúng ta? Trong bài phỏng vấn mới đây cùng Guitarworld, John Petrucci đã chia sẻ câu chuyện của mình!

    Với những dòng đàn như JPMajesty, không hề nói quá nếu bảo rằng những cây guitar điện đã phần nào phải phát triển chính bản thân mình để theo kịp John Petrucci. Những model gắn liền với tên tuổi anh đều là những tác phẩm độc đáo của nghệ thuật chế tác nhạc cụ cũng như mang trên mình những công nghệ tiên tiến nhất của mỗi thời kì. Nhưng về chuyện “chơi” đàn như một thú sưu tập ư? Chính John Petrucci thừa nhận mình còn… kém xa Joe Bonamassa.

    Vậy hãy cũng pha một ly cafe, và chúng ta sẽ tìm hiểu xem dưới cương vị John Petrucci – một cầm thủ thiên tài, người đại diện của một trong những hãng nhạc cụ lớn bậc nhất và tân tiến hàng đầu – xem quan điểm cũng như những câu chuyện về các cây đàn của anh có gì thú vị nhé!

    Cây đàn “nghiêm túc” đầu đời của anh đến từ thương hiệu nào vậy?

    “Huhm… có lẽ mà một cây Aria Pro II có cần nhún. Thậm chí còn không phải là Floyd Rose cơ, đó là một bộ nhún Kahler. Cây đàn màu đỏ trong, lộ vân gỗ, chơi rock khá hợp”.

    “Cũng không phải là nghiêm túc lắm, khi ấy tôi vẫn là thiếu niên. Thì… tôi bắt đầu chơi đàn năm 12 tuổi, nên chắc tôi mua cây đàn ấy năm 14 tuổi. Thật hài hước khi nhìn lại và nhận ra tôi đã chơi cùng John Myung lâu tới vậy, tôi gặp cậu ấy và cùng tập tọe chơi nhạc năm 12 tuổi, và nhìn xem, bây giờ chúng tôi vẫn sát cánh bên nhau tại Dream Theater”.

    John Petrucci và John Myung thủa nhỏ. Cây đàn của Petrucci có vẻ là một cây Aria Pro II Cardinal Series.

    “Lúc ấy tôi ham vui lắm, nên ai rủ đi jam cũng chơi. Có ông anh cực mê metal và mấy band cùng thời như Scorpions, Black Sabbath, chúng tôi jam cùng nhau tối ngày luôn. Ông anh khác thì lại thích Hendrix The Dead, không sao, cứ nhạc là chơi tất”.

    “Ít người biết rằng chúng tôi từng chơi chung một ban nhạc tên Centurion, chơi cover đủ thứ từ Mötley Crüe cho tới Iron Maiden. Đó chính là nơi tôi và John Myung cùng nhau tập sạch sành sanh toàn bộ discography của Rush Iron Maiden“.

    Vậy còn cây đàn gần nhất anh mua đến từ đâu?

    “Vài năm trước tôi bắt đầu hứng thú với Gypsy Jazz, đúng kiểu Django ấy. Thật kỳ lạ khi tôi đã bỏ lỡ thể loại ấy lâu vậy. Sau khi nghe được vài bài thể loại này, tôi phải tự vỗ vào trán mình ‘Ôi đây đúng là thứ hoàn hảo mình tìm kiếm rồi, như kiểu shred trên mấy cây đàn acoustic vậy’.

    “Mấy ông chơi dòng này kĩ thuật trau chuốt khủng khiếp luôn. Tôi tìm ra tay Joscho Stephan người Đức và ngay lập tức phát cuồng vì nhạc của ổng, quả là bậc thiên tài, và tôi bắt đầu tò mò ‘Không biết anh ấy chơi đàn gì nhỉ?’. Hóa ra anh ấy chơi đàn custom dáng Selmer Maccaferri được chế tác riêng bởi một luthier”.

    “Vậy nên trong một lần Dream Theater đi tour, chúng tôi may mắn ở khách sạn không xa khu vực của vị luthier kia. Tôi và guitar tech của mình Maddi [Matt Schieferstein] đã dành cả ngày ở custom shop của ông ấy và mang về một cây guitar có mùi như xì gà vậy, cây đàn hay tuyệt. Đó là cây đàn gần nhất tôi mua, một cây dáng Selmer-Maccaferri“.

    Anh có “săn deal” hay mặc cả bao giờ không? Đã từng có một kèo nào cực “hời” chưa?

    “Tôi cảm thấy mình mua cái gì cũng… hớ *cười*. Kèo hời nhất của tôi có lẽ là những chiếc amp Mesa/Boogie Mark 11C+ từ thập niên 80, giờ người ta không có làm dòng đó nữa. Tôi có một bộ sưu tập khá “khủng”, và chúng đang lên giá không ngừng. Nhưng tóm lại chưa từng có kèo nào mua xong mà khiến tôi thích thú cười thầm ‘Ôi không ngờ mình mua được với giá này’ cả”.

    “Tôi thì không phải là một tay hiểu biết về guitar vintage, tôi hoàn toàn mù mờ về những cây Les Paul, những cây Strat và kiểu đó. Tôi có một bộ sưu tập khổng lồ nhũng cây đàn signature của chính mình (Ibanez EBMM), cũng như rất nhiều amp Mesa/Boogie và các loại rack quý hiếm, nhưng không hề có kinh nghiệm và cũng chưa dám quá dấn thân vào sưu tầm đồ vintage. Nhiều ông cực giỏi và đam mê chuyện đó, như Bonamassa chẳng hạn”.

    Thế còn một kèo “xui rủi” thì sao?

    “Thường mấy lần ham rẻ của tôi đều kết thúc đen đủi hết *cười* Bắt đầu sẽ là ‘Ồ cái này rẻ quá, mua làm amp tập cũng được’ nhưng bao giờ cũng kết thúc bằng việc tôi ngồi lọ mọ giữa 1 đống linh kiện than thở ‘Hóa ra có lý do mà nó mới rẻ như vậy”.

    Bàn làm việc của John Petrucci

    Anh đã từng bán mất một cây đàn nào mà khiến bản thân hối tiếc tới tận giờ chưa?

    Ồ, có đó. Tôi muốn quay lại để sửa câu trả lời trước đó, vì có lẽ cây đàn đầu đời của tôi là một cây Suzuki dáng Les Paul tôi mua ở chợ trời. Tôi nhớ đó là một cây khá ổn, với inlay mother-of-pearl, nếu được quay ngược thời gian chắc chắn tôi sẽ chọn cây đàn đó thay vì cây Aria.

    Nếu John Petrucci vẫn chơi Les Paul, có lẽ giờ anh sẽ trông như thế này

    Lời khuyên anh muốn tặng cho những người đang tìm mua một cây đàn là gì?

    “Huhm. Cá nhân tôi đã phát triển cây đàn của riêng mình cùng Ernie Ball Music Man được 20 năm rồi, và tôi luôn nhắm đến việc khai thác hết tiềm năng của một cây đàn. Đương nhiên quá trình đó được đúc kết từ kinh nghiệm tôi chơi rất nhiều cây đàn khác nhau, hàng chục cây Les Paul, hàng trăm cây Strat và hơn thế nữa”.

    “Và khi chơi, trong đầu tôi luôn có hàng trăm câu hỏi lướt qua, theo từng mm mà cây đàn tiếp xúc cũng như tương tác với cơ thể tôi ‘Tại sao cái núm này nằm đây nhỉ? Vướng ghê’ hay ‘Tại sao cái đàn này lại nhọn trong khi cái kia lại tròn nhỉ?’ hoặc ‘Có cách nào để phần tay tì lên bridge này bớt đau không?’. Tôi muốn cây đàn của bản thân được giống như những tay đua ngoài kia phát triển chiếc siêu xe cho riêng mình, tất cả phải nằm ở vị trí hoàn hảo, phải thật công thái học, thoải mái trên từng mm”.

    Vậy nhưng John Petrucci thường… không cầm tay lái

    “Vậy nên lúc đi mua đàn cũng thế, tôi sẽ đặt cảm giác chơi lên hàng đầu. Không chỉ đơn thuần như dáng cần hay action đâu, tôi muốn xem thực sự cây đàn ấy với cơ thể mình tương tác với nhau có ăn ý hay không! Có bị kì cục không? Có hơi to không? Cóc góc nào nhọn hay tròn quá không? Và tôi nghĩ đó là một mẹo nhỏ hữu ích nếu bạn đi chọn một cây đàn cho bản thân. Phải thoái mái đã, rồi tính tiếp”.

    Lần cuối anh đi mua guitar ở shop hoặc mua online là lúc nào?

    “Tôi không nhớ nữa. Thường nếu cần gì tôi sẽ chạy ra store luôn, nhưng ngày nào tôi cũng dành thời gian lướt Instagram để xem mấy thứ hay ho khắp thế giới, đàn, amp hoặc một màu finish rất dị nào đó, nếu thú vị quá sẽ tìm online xem giá cả. Tôi coi đó là một thú vui”.

    Ai chứ John Petrucci thì chăm chỉ lên Instagram lắm…

    Nếu bắt buộc phải chọn, anh sẽ chọn đàn “rởm” nhưng amp xịn, hay đàn xịn nhưng amp “cùi bắp”?

    “Cá nhân tôi thì thiên về một cây đàn tốt hơn, vì đó là phần mà tôi trực tiếp chạm vào xuyên suốt quá trình chơi nhạc. Không cần phải đắt khủng khiếp, nhưng phải hợp người, custom được thì càng tốt”.

    “Tôi biết nhiều tay guitarist trẻ tuổi ngay từ khi bắt đầu đã vớ phải cây đàn ‘lởm khởm’, khiến quá trình luyện tập và phát triển của họ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Chơi guitar cũng như các bộ môn khác thôi, thể chất phải phát triển song song với tư duy, công cụ không tốt thì đương nhiên sẽ kéo chậm quá trình phát triển của bạn lại”.

    “Album 2 của Dream Theater Images And Words có một bài rất nổi là Pull Me Under đó. Cái intro bài đó tôi thu bằng cái Zoom bé bé gắn gắn lên strap gì ý lâu lắm rồi không nhớ nữa (Có thể Petrucci đang muốn nói tới Zoom 9002 Strap-Mounted Effect processor). Bạn đánh ngon và ông kĩ sư âm thanh ngon thì đồ gì cũng có thể thu được vừa tai hết”.

    Nhân vật đen đủi bị John Petrucci lãng quên đây.

    Nếu từ giờ tới mãi sau này chỉ được chơi duy nhất single coil hoặc humbucker thôi thì anh sẽ chọn loại nào?

    “Quá dễ để đoán rồi đúng không? Đương nhiên là Humbucker. Chắc tôi quen quá rồi khi tất cả những cây đàn đầu đời của tôi, như cây Suzuki Les Paul, Aria Pro và cây BC Rich ST-III đều là 2 humbucker.

    Cây B.C Rich đã đồng hành cùng Petrucci tới tận album When Dream and Day Unite.

    “Tôi chưa bao giờ thực sự mê pickup single-coil cả, dẫu những cây đàn của tôi đều có tách coil. Tôi đặc biệt không ưa những cây đàn 3 single-coil nữa, lúc tôi chơi toàn bị… đập pick vào pickup giữa thôi. Thú thực tôi khó có thể chơi đàn nếu không có cái khoảng trống to đùng giữa 2 pickup hehe.

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img