Dưới cương vị hãng sản xuất guitar lớn nhất thế giới, số lượng đàn mà Fender làm ra chỉ có thể miêu tả bằng 2 từ “Khổng lồ”. Chính vì vậy việc trang bị cho mình kĩ năng giải mã số serial rất quan trọng nếu bạn đang chuẩn bị đầu tư một cây đàn Fender, vừa để tránh những rủi ro không mong muốn, vừa có thể giúp bạn hiểu nhạc cụ của mình hơn cũng như lịch sử đầy thú vị của những cây đàn Fender đó.

Số lượng gỗ, thành phẩm cũng như bộ phận được Fender sản xuất và tích trữ có thể lên tới hàng trăm ngàn, vậy nên dễ hiểu khi giữa các bộ phận có thể có sự chênh lệch mốc thời gian từ vài tháng cho tới cả năm, đặc biệt là trên những cây đàn thời Pre-CBS và CBS. Việc giám định một cây đàn vintage đúng quy trình đáng lý phải bao gồm đầy đủ việc xác định giai đoạn trên từng bộ phận (headstock, cần đàn, back plate, thân đàn…)
Nhưng với công nghệ hiện đại và những dây chuyền tân tiến, việc chênh lệch mốc thời gian giữa các bộ phận hiện tại đã được Fender hạn chế tối đa. Vì vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu phương pháp giải mã serial trên những cây Fender Stratocaster nhé!
Số seri của Fender vintage được đặt ở đâu?
Những cây Fender đầu tiên có số seri được đặt trên tấm nhựa ốp lưng. Cho tới hiện tại, giới sưu tập vẫn đang tranh cãi không ngừng nghỉ về việc những cây đàn đời đầu ấy được đánh seri thế nào.
Theo nghiên cứu, phổ biến nhất là những cây đàn có seri 4 số, nhưng thường 1 số sẽ hơi lệch so với những số còn lại. Đây cũng là 1 lí do dấy lên những cuộc tranh luận không hồi kết: người thì cho rằng do máy móc thời ấy có độ chính xác kém, người lại cho rằng Fender đã đánh 3 số trước rồi bổ sung thêm 1 số khi số lượng nhạc cụ do họ sản xuất đã tới số hàng ngàn. Nhiều người cho rằng lô đàn đầu tiên của Fender có seri trải từ 0100 tới 0200.

Trong khi đó James Werner – một tay chơi có số má trong cộng đồng yêu Stratocaster thế giới – lại đưa ra bằng chứng vô cùng thuyết phục rằng có những cây đàn Fender với seri ít hơn 4 số và không theo thứ tự nào cả, như cây 19, 008 và 771. Đây có thể là những cây đàn đầu tiên từ thủa ban sơ của Fender được đánh số chỉ mang mục đích… phân loại trong xưởng.

Vì tính chất dễ vỡ của nhựa, cũng như phần ốp lưng là phần chạm vào cơ thể người chơi gần như nhiều nhất và đôi khi có người còn… tháo ốp lưng vứt đi, sau đó Fender đã chuyển vị trí đặt số seri lên neckplate. Những cây đàn với số seri trên neck plate đầu tiên bao gồm 0246 (Tháng 4 năm 1954). 0287 (Tháng 5 năm 1954) và 0240 (Tháng 6 năm 1954). Dẫu vậy, vẫn có những “hậu bối” với seri trên neck plate còn nhỏ hơn vậy, như cây 0001 của David Gilmour, với cần đàn được làm vào tháng 6 năm 1954 nhưng thân đàn được làm vào tận cuối tháng 12 cùng năm.



Đại đa số seri đều được khắc ở gần cạnh trên, nhưng trong một thời gian ngắn cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, có những cây đàn có seri được khắc ở cạnh dưới neckplate. Đặc biệt những cây đàn được sản xuất vào giai đoạn những năm 57-58 còn có 1 dấu “-” ở mặt trong neck plate.


Số seri đương nhiên lớn dần theo thời gian, và tiêu biểu là cú nhảy vọt cuối năm 1954 khi Fender quyết định hợp nhất tất cả các nhạc cụ Solid Body (Telecaster, Esquire, Precision Bass và Stratocaster) vào một hệ thống seri khiến số seri của những cây Strat nhảy vọt lên tận 5xxx. Cũng vì thế, cuối năm 1955, Fender đã thêm 1 số 0 vào trước hệ thống seri của mình, biến số seri từ 4 kí tự thành 5 kí tự.
Dòng “L”
Dù được phỏng đoán là những cây đàn có seri được bổ sung chữ “L” đứng đầu được sản xuất từ giai đoạn 1962 tới 1965 được làm ra để tri ân tới Leo Fender, có vẻ đây chỉ đơn thuần là một… kí tự được chọn ngẫu nhiên hơn! Trải dài từ L00001 tới L9xxxx, tất cả đều có chữ L nằm lệch so với số seri chính. Thậm chí có 1 số cây Fender năm 1966 cũng có chữ L trong seri.

Dòng “F”
Dòng L đã đạt tới 9xxxx cũng là lúc CBS bắt đầu tiếp quản Fender (giữa năm 1965), từ đây họ bắt đầu chuyển sang hệ seri 6 số bắt đầu từ 100000. Chữ L bị loại bỏ, thay vào đó là chữ F lớn từ logo Fender nằm ở trung tâm neck plate.


Trong giai đoạn chuyển giao này, vẫn có những cây đàn được gắn neck plate “L” để… giải quyết phụ tùng tồn kho. Tuy nhiên sau đó là “kỉ nguyên vàng” của Fender với doanh số bùng nổ, khi số seri nhảy vọt từ 1xxxxx lên 7xxxxx chỉ trong vỏn vẹn hơn 10 năm.
Thời của số seri trên headstock
Cuối năm 1976, Fender quyết định chuyển vị trí của số seri lên trên headstock. Seri giờ có 7 kí tự, với 2 kí tự đầu tiên dùng để xác định năm sản xuất và 5 kí tự còn lại để xác định mẫu mã. Ngoài headstock, có những dòng cũng được bổ sung thêm số seri ở mặt sau pick guard và trên hốc gắn cần của thân đàn.
Những lô đầu tiên có số seri bắt đầu bằng số 76 in đậm, nhưng sau đó đã được thay thế bằng “S6” với chữ S là viết tắt cho “Seventies“.


Thế nhưng vẫn có những trường hợp ngoài hệ thống, như lần chuyển nhượng kéo dài từ 1985 tới tận 1988. Bộ phận sản xuất vẫn hoạt động dù những tranh chấp giấy tờ đang diễn ra, nên số seri E5, E6 và E7 không hề tồn tại mà chỉ có E3, E4 và EE (mã này dành cho những cây đàn xuất khẩu). Chữ E đại diện cho “Eighties”.

Hay như khi thập niên 90 bắt đầu, Fender vẫn sử dụng số seri E9 trong lúc… chờ lô sticker mới được sản xuất. Nhưng vì một lỗi nhà in, nhiều cây American Standard và Plus Series đã bị đánh nhầm mã N9 (1999) thay vì N0 (1990), vậy nên việc xác định niên đại những cây đàn này cần được kiểm tra cả số seri ở cuối cần đàn nữa.

Từ năm 2000 trở đi, chữ Z đã được chọn để đứng trước số seri (những cây đàn Gen Z chăng?), và từ năm 2010 Fender bắt đầu sử dụng chữ US đứng trước 2 số cuối của năm (ví dụ như US12 cho năm 2012). Chỉ có những cây đàn làm ra trong 3 tháng đầu năm 2010 không được đánh số kiểu này mà chỉ có số 10 đứng đầu seri.


Ngoài ra, từ 2010 Fender cũng hợp nhất dòng American Deluxe và Signature Stratocaster vào hệ thống mã standard.
Vintage Series/ American Vintage/ American Original Series
Dòng Vintage Stratocaster ra mắt năm 1982 lại có số seri trên neck plate bắt đầu với chữ V và không có thông tin về năm sản xuất. Cho tới tận năm 1988, số seri chỉ bao gồm chữ V và 4,5 hoặc 6 kí tự đứng sau.

Nhưng từ năm 2012 trở đi những cây American Vintage đã được chuyển sang hệ số với năm sản xuất, như V12 đại diện cho 2012, V13 là 2013 và tiếp tục. Kể từ năm 2018 số seri chữ V cũng được sử dụng cho những cây American Original Stratocaster.

Dòng Signature
Cho tới tận năm 2009, những cây Signature vẫn được đánh số theo hệ thống standard chỉ bổ sung thêm chữ S đằng trước, ví dụ 1 cây Signature năm 1988 sẽ có serial SE8xxxxx, SN0xxxxx cho 1990, cứ vậy kéo dài tới tận SZ9 năm 2009.

Trước khi hợp nhất với dòng Standard năm 2010, dòng Signature Series cũng khá đen đủi khi nhiều cây từ năm 1980 tới năm 1993 được đánh mã SE để… sử dụng nốt số sticker tồn kho, cho tới tận năm 1994 mới có mã SN của riêng mình.


American Deluxe Series
Dòng American Deluxe được ra mắt thị trường cuối những năm 90 có quy tắc đánh số giống Signature Strat, nhưng được thay chữ S bằng chữ D và đã kéo dài từ DN8, DN9 cho tới tận DZ9. Kể từ năm 2010, dòng American Deluxe được đánh mã mở đầu bằng US và năm sản xuất.


Những dòng đặc biệt
Những dòng dưới đây đều được đánh mã theo hệ standard, nhưng có bổ sung thêm 1 kí tự đằng trước để phân biệt:
G: The Strat
CA: Gold Stratocaster
AMXN: California Series
R: Time Machine và Relic Series

TN7: Voodoo Stratocaster và ’68 Reverse Strat Special
FN2: Floyd Rose Classic Stratocaster
EE: Sản xuất tại Mỹ nhưng nhằm mục đích xuất khẩu
I: Cũng là sản xuất tại Mỹ cho mục đích xuất khẩu nhưng là trong giai đoạn 1989 – 1990, với dòng “Made in USA” ở cần đàn.
CS, CN, CZ: Custom Classic, Classic Player và những cây Custom Shop.
Mong rằng bài viết trên giúp các bạn phần nào dễ dàng hơn trong việc kiểm tra và xác định những cây Fender Stratocaster của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những bài viết nữa đào sâu về vấn đề này nhé!