Từ năm 1969 tới năm 1973, đội hình Mk II đã thống trị thế giới, tạo nên một đế chế của riêng mình trước khi họ tự thân đạp đổ nó. Pha một ly cafe thật ngon đi, vì chúng tôi chuẩn bị kể cho bạn một câu chuyện hoành tráng, với những đoạn solo neo-classical kinh điển, những cây Strat bị đập thành ngàn mảnh ngay trên sân khấu và những cuộc tranh chấp phía sau ánh đèn sân khấu của một trong những ban nhạc rock vĩ đại nhất Anh Quốc: Deep Purple!

Lần đầu gặp gỡ
Đó là thành Luân Đôn năm 1969, khi nhạc rock ở đây chẳng khác nào những cánh hoa đang bắt đầu héo tàn. Led Zeppelin đã vươn quá xa, Black Sabbath thì chuẩn bị đi chinh phục một chân trời khác, tất cả đang ảm đạm chờ đợi một luồng gió mới. Những ngày cuối tháng 6 đã đến gần, và ở một club nhỏ tưởng chừng vô danh, phù thủy guitar Ritchie Blackmore đang ráo riết tìm mảnh ghép cuối cùng cho đội hình Mk II của mình.

Sự sụp đổ của đế chế Mk II đã được báo trước, thậm chí trước cả khi họ đặt viên gạch đầu tiên bắt đầu dựng xây nó. Tay bass Roger Glover và giọng ca Ian Gillan đang trình diễn cùng ban nhạc Episode Six của mình trong bộ trang phục chỉ có thể gói gọn bằng 2 chữ “thảm họa” thì – Roger Glover hồi tưởng – “Hai bóng hình xuất hiện giữa bóng tối chạng vạng. Lúc đó thú thật tôi còn có đôi phần sợ hãi khi cặp đôi bước qua cửa, nhìn họ có nét gì rất u ám, như những nhân vật ‘phản diện’ vậy. Tôi cảm thấy như họ là những kẻ tới từ thế giới khác, không phải nơi mà tôi đang sống”. Không ai khác, đó chính là Ritchie Blackmore và tay organ Jon Lord.

Điều gì đã khiến Mk II được thành lập?
Deep Purple rõ ràng tỏa ra sự hấp dẫn không thể chối từ, đặc biệt khi bạn đang ở trong Episode Six – ban nhạc mà tính tới thời điểm hiện tại sở hữu 9 đĩa đơn đều thất bại về mặt xếp hạng lẫn thương mại. Roger và Ian đã kí hợp đồng với Deep Purple một cách hợp pháp tại văn phòng của ban nhạc nằm trên đường Newman, dĩ nhiên là những ngón tay cầm bút vẫn có phần nào run rẩy chẳng biết do nghi ngờ hay sợ hãi. Thành lập năm 1968 và đã ra mắt tận 3 album chỉ trong vỏn vẹn 1 năm, Deep Purple đã cho 2 thành viên của đội hình đầu tiên là giọng ca Rod Evans và tay bass Nicky Simper “cuốn gói” – như bước đầu của hành trình tạo ra những nhạc phẩm bất hủ dù có phải đánh đối bất cứ thứ gì của Ritchie Blackmore. Khi Roger và Ian biết chuyện này, họ nhận ra tương lai của họ chẳng khác nào cánh cửa xoay 2 chiều: đạt tới thành công, hoặc bị vứt bỏ.

Đúng như câu nói “Lắm tài nhiều tật”, dù nóng tính và đầy tham vọng nhưng Ritchie Blackmore sở hữu khả năng chơi đàn thiên tài. Thậm chí ở thời kì hoàng kim của các guitar hero, Ritchie vẫn là điều gì đó xếp trên những tay đỉnh nhất một bậc, với những nốt nhạc hoàn mỹ, tốc độ xé gió và khả năng sáng tác tuyệt vời, điều này được chứng minh ngay ở album Made in Japan năm 1972 – tới giờ vẫn là một trong những album live xuất sắc nhất của dòng hard rock. “Nghe thì có phần kiêu ngạo, nhưng tôi nghĩ mình có khả năng ứng tấu đỉnh hơn bất kỳ tay guitar chơi rock nào trên thế giới” – chính Ritchie từng nói như vậy.

Ritchie Black more luôn có 2 mặt đối lập tới mức kỳ quặc trong lối suy nghĩ. Dẫu học nhạc Blues từ nhỏ nhưng luôn đắm chìm trong những lý thuyết của nhạc cổ điển, dẫu nói chuyện nhỏ nhẹ nhưng có thể nổi điên mà đập tan cây đàn của mình bất cứ giây nào. “Tôi muốn chạm tới cực hạn của rock ‘n’ roll” ông từng chia sẻ với tạp chí Trouser Press “Và nếu buộc phải chọn thêm, tôi cực kỳ hứng thú với những scale/mode của thời Trung Cổ, tôi luôn tưởng tượng ra cảnh mình ngồi trong công viên chơi những bản minuet thật thư thái. Tôi nghĩ rằng tiêu chuẩn của người nghe rock ‘n’ roll đặt ra cho âm nhạc hơi thấp, hoặc nói trắng ra, thấp một cách kinh tởm”.

Nếu chơi cùng Blackmore, bạn phải theo kịp gã, không thì nghỉ chơi. Giờ đây với giọng ca vàng của Gillian, những nốt bass dày mà đầy nhạc tính của Glover, khả năng chơi trống tầm thế giới của Ian Paice và những câu đàn kì diệu của mình, Ritchie Blackmore cuối cùng đã sở hữu “đội hình trong mơ”. Ian Gillan tâm sự về mối duyên giữa những thành viên của đội hình Mk II “Phần nào cũng phải cảm ơn tất cả những ban nhạc chúng tôi đã chơi cùng trước đó không đủ tài năng. Mk II cũng chơi rock ‘n’ roll thôi, nhưng chúng tôi đã trình diễn dòng nhạc này một cách đẹp tuyệt vời.
“Khi bắt đầu, Jon thường viết hết mọi thứ và tôi sẽ ghép những câu đàn của mình vào” Ritchie hồi tưởng “Chúng tôi khá chơi vơi khi nghĩ về tương lai trước khi chúng tôi có được Ian và Roger trong đội hình. Tôi bắt đầu tỉnh ra và thật sự nghiêm túc sau khi tôi nghe được nhạc của Led Zeppelin, tôi đã nghĩ ‘Thứ nhạc mình muốn chơi đây rồi, rock thật nặng'”.

Vết rạn đầu tiên xuất hiệu vào năm 1970, khi bản Concerto for Group and Orchestra ra mắt, một bản concerto 3 chương được viết và thu âm bởi Jon Lord và Royal Philharmonic. Ritchie đã thực sự khó chịu khi Jon Lord được tung hô dưới cương vị sáng tác chính và lãnh đạo của Deep Purple “Bài đó càng được công chúng hoan ngênh thì Ritchie càng cay cú” Roger cười.
Chính Ritchie cũng thừa nhận mình không thích bản Concerto đó chút nào, tôi cố gắng thuyết phục John rằng hãy cho thứ nhạc rock nặng với những câu riff mê hồn một cơ hội, nếu thất bại tôi thề sẽ cùng ông chơi giao hưởng cả đời.

Deep Purple In Rock – khởi đầu hoàn hảo
May mắn cho Blackmore vì họ đã thành công thật. Nếu Led Zeppelin I đã chiếm ngôi vương năm 1969 thì Deep Purple In Rock chính là kẻ lật đổ và ngạo nghễ ngồi lên ngai vàng. Ấn tượng hơn, album này được thu âm giữa những chuyến tour liên tục của ban nhạc. Nếu âm thanh nhanh, mạnh, đầy bản năng của đội hình Mk II đã hoành tráng lắm rồi, thì bìa đĩa còn ấn tượng và ngông hơn với khuôn mặt của các thành viên khắc trên ngọn núi Rushmore.

“Chúng tôi đã ghi dấu ấn của mình một lần và mãi mãi rằng: Chúng tôi là một ban nhạc rock, không phải một ban nhạc classical hay progressive ‘giả cầy’. Tôi nhớ rằng Ritchie từng nạt tôi ‘Nếu nó không sôi động, kịch tính và hút hồn người nghe thì nó không có chỗ đứng trong album’ khi chúng tôi lựa chọn giữa những sáng tác ra những tác phẩm sẽ góp mặt trong album” – Roger Glover.
Dù thiếu vắng sự góp mặt của ca khúc Black Night – ra mắt vào tháng 6 cùng năm, chẳng biết tại sao không nằm trong Deep Purple In Rock – album này vẫn là tuyệt phẩm khổng lồ của thời đại. Những cú nhún whammy cuồng loạn mở đầu Speed King trước khi nhấn chìm người nghe trong những câu riff hoang dại, cách Chill In Time chuyển mình từ những nốt bend đầy cảm xúc sang tiếng chặt nhanh như súng máy trên cây Gibson ES-335. Blackmore tâm sự rằng trong quá trình thu album, thực sự đôi lúc ông đã “phát điên” với chiếc cần nhún của mình, thậm chí còn dùng hết sức đập cây đàn của mình vào cửa phòng thu trong đoạn solo bài Hard Lovin’ Man “Thế mới gọi là chơi hết 100% khả năng của nhạc cụ chứ”.

Cho tới tận bây giờ, Blackmore vẫn nhận rằng mình đã viết hầu hết các câu riff và vòng hợp âm của các ca khúc, nhưng luôn chia đều công sáng tác và tiền kiếm được từ những album của Mk II cho cả năm người. Như Ian Gillan lý giải “Chúng tôi có bao giờ thực sự ‘viết’ một tác phẩm đâu. Speed King, Child in Time… đều không được viết lách tử tế. Chúng tôi jam trong phòng thu, chúng tự dưng xuất hiện và chúng tôi cứ thuận gió đẩy thuyền ra những ca khúc dài 5, 7 phút thôi. Lúc ấy chúng tôi thật sự có thái độ ‘chả quan tâm’, lối làm nhạc khá ‘cách mạng’ ở thời ấy đấy”.
Fireball – Hay, nhưng chưa đủ
In Rock đạt vị trí số 4 trong bảng xếp hạng Anh Quốc, như một tuyên bố ngạo nghễ rằng Deep Purple đã có một đội hình xuất sắc chuẩn bị khiến cả thế giới bùng nổ. Với sự thúc giục từ hãng đĩa, cả ban nhạc đã đóng đô ở một căn nhà ở khu vực vắng vẻ, ẩm thấp và được đồn là… bị ma ám thuộc Devon. Ở đây, họ đã tạo ra Fireball làm rung chuyển các bảng xếp hạng vào năm 1971. Những vết rạn nứt ngày càng lan rộng giữa các thành viên ban nhạc, đặc biệt có thể kể tới kỉ niệm Blackmore chặt nát cánh cửa phòng Glover với một cây rìu vì quá hoảng sợ khi cả ban nhạc tụ tập cùng chơi… cầu cơ. Tay bass cười khổ “Ritchie luôn là gì đó chúng tôi không lý giải được, chẳng biết gã đang tỏ ra hài hước hay đang lên cơn điên nữa?”.

Ritchie Blackmore chuyển từ cây Gibson của mình sang cây Fender Strat, dáng đàn sẽ gắn bó với ông cả sự nghiệp, thổi một màu sắc hoàn toàn mới cho Fireball – như màu funky và chất âm sáng nảy trong ca khúc No No No chẳng hạn. Dẫu vậy, Ritchie vẫn nhớ về album này với thái độ hằn học “Chúng tôi bị cưỡng ép làm nhạc thật nhanh, tôi chẳng thích album này chút nào. Tôi chẳng có cảm giác là mình sở hữu Fireball xíu nào cả”.
Fireball cũng không được ưa thích bởi cả ban nhạc nói chung, và Ian Gillan quả quyết “Chúng mình cần phải oánh lại kiểu rock thật nặng như album kia cơ”, một quyết định đầy sáng suốt.
Machine Head – Đỉnh cao của âm nhạc Deep Purple
Album huyền thoại Machine Head được thu tại Montreux Casino, Thụy Sĩ. Chính tại nơi đây, vụ cháy lớn đã xảy ra, tạo cảm hứng cho ca khúc kinh điển Smoke On The Water, cũng như góp phần tạo áp lực khủng khiếp “biến than đá thành kim cương” khi họ phải làm việc trong điều kiện cực khó khăn. Họ phải tự tay lắp đặt Rolling Stones Mobile Studio giữa sảnh khách sạn Grand Hotel đang đóng cửa mùa nghỉ đông. Chen chúc chật chội, dây line rối nùi như tơ vò, chẳng ra dáng “rock star” xíu nào, nhưng họ đã tạo ra album vĩ đại nhất sự nghiệp của mình.

Nhân viên các shop đàn căm ghét câu riff Smoke On The Water, gọi nó bằng đủ thứ tên thô thiển, nhưng thật sự khi chúng ta nghe lại cả album, ca khúc này cũng được ban nhạc đặt toàn bộ tâm huyết vào chẳng khác nào những Lazy hay Highway Star. Câu riff được Ritchie Blackmore viết trên một cây… banjo trên chiếc xe van chật chội của ban nhạc. Nhưng cách âm giai trưởng và thứ hòa quyện, những nốt blues nhấn nhá tinh tế và đặc biệt nổi trội lên cách cả ban nhạc sử dụng diminished scale, đây có lẽ là ca khúc hoàn hảo nhất nếu chúng tôi cần tìm một đại diện cho chất Neo-classical trong lối chơi của Ritchie Blackmore. “Đoạn solo này tôi lấy cảm hứng từ nhạc Bach đấy” chính ông từng nhún vai thừa nhận.

Hay như chúng tôi đã nói ở trên, nếu tìm một ca khúc đại diện cho sự đối lập trong lối suy nghĩ của Ritchie, có lẽ đối trọng của Smoke On The Water sẽ là Space Truckin. Câu riff vốn được Richie sử dụng để… luyện ngón cái. Chính ông cũng xấu hổ về ca khúc khi đang đặt những viên gạch đầu tiên “Tôi nhớ là mình mang đàn tới chỗ Ian Gillan và bảo rằng ‘Tao có ý tưởng này nhưng nó… đần lắm. Nếu đơn giản quá và không sử dụng được cũng đừng mắng tao nhé’. Nhưng cả ban nhạc lại rất ưa thích câu riff đơn giản này. Thế nhưng Space Truckin bằng một cách nào đó lại tạo ra một cái kết hoàn hảo cho tuyệt phẩm Machine Head! Album ngạo nghễ đạt đỉnh bảng xếp hạng Anh Quốc, đạt No 7 tại bảng xếp hạng Mỹ, và trên hết: trở thành một trong những album nhạc rock kinh điển nhất mọi thời đại.
Chính có lẽ vì thành công ngoài mọi mong đợi, đội hình Mk II bắt đầu dần tan vỡ.
Sự tan vỡ của Mk II
Những ngày tháng tất cả đều vui vẻ jam trong phòng tập dần biến mất. Giờ đây, ai cũng muốn nhạc cụ của mình to nhất, từ phòng tập cho tới cả bản thu. Bầu không khí độc hại này đạt tới đỉnh trong album Who Do We Think We Are năm 1973. Dù lúc đó cả ban nhạc làm việc trong một biệt thự kiểu Ý sang trọng, nhưng Glover chỉ nhớ lại được rằng ông “Nằm dài bên bể bơi, còn Ritchie chạy trốn thực tại bằng cách lang thang khắp nơi”, chính họ cũng thấy mình như một gia đình rạn nứt.

Lord và Ritchie tranh giành quyền lực với bản Concerto, trong khi đó Gillian đứng ngoài cũng ăn phải “tai bay vạ gió”. Đó là tháng 12, tại một hộp đêm ở Paris, Ritchie nổi hứng với những trò chơi dại của mình và kéo ghế của Gillan ngay khi ông chuẩn bị ngồi xuống. Tưởng rằng là một cú “dập mông” vui vẻ thôi, nhưng Ian Gillian tại ngã ngửa ra ban công phía sau, rơi xuống từ độ cao gần 5 mét và bị chấn thương sọ não. Chính Ritchie cũng hối hận vì “sau vụ tai nạn, Ian chẳng bao giờ như trước nữa”. Xung đột leo thang tới đỉnh điểm, Gillan tuyên bố mình muốn rời ban nhạc, Ritchie cũng không kém cạnh khi tuyên bố sẵn sàng rời đi (và mang theo Paice). Roger thì bị treo lơ lửng ở giữa, đầy hoang mang.

Ian Gillan rời khỏi ban nhạc sau tour diễn Nhật Bản năm 1973. Tưởng chừng đã yên ổn, quản lý Tony Edwards lại đưa ra thông báo bất ngờ “Roger, chúng tôi muốn anh rời khỏi ban nhạc. Ritchie đồng ý ở lại nếu anh rời đi”. Roger đau đớn khi biết được sự thật họ đã ngắm tới một tay bass khác từ rất lâu trước đó, Glenn Hughes. Khi Ritchie vỗ vai Roger “Không phải chuyện cá nhân đâu anh bạn, chuyện làm ăn thôi”, Roger lại quyết định buông bỏ cơn giận và tha thứ cho họ, rời đi trong hòa bình “Ít nhất là họ dám nói thẳng” – Roger nhún vai. Trong buổi phỏng vấn sau này, Lord ví sự ra đi của Gillan và Glover khi ban nhạc đang hưng thịnh là “Nỗi hổ thẹn lớn nhất của rock and roll; Chúa mới biết chúng tôi có thể tạo ra những gì trong ba hay bốn năm tới. Chúng tôi đang sáng tác quá tốt.”

Sau đó ra sao?
Dấu chấm hết của Mk II mở ra thời đại của Mk III. Glenn Hughes và David Coverdale chính thức tham gia vào Deep Purple. Họ đón chào một năm 1974 thành công về mặt thương mại với Burn. Blackmore thì khá “thảm”, hôn nhân đổ vỡ, liên tục vướng vào những tranh cãi kiện tụng về vấn đề chia chác tiền bản quyền và cảm thấy vị thế của mình bị lung lay khi Glenn Hughes thực sự rất có tố chất lãnh đạo. Sự tiêu cực của Ritchie càng ngày càng lớn, ông gọi nhạc của Mk III là “nhạc đánh giày” và chơi một cách cẩu thả. Khi thu âm Stormbringer, “Ritchie đánh vớ va vớ vẩn và thẳng thắn thừa nhận lão chẳng quan tâm cái ban nhạc này sẽ đi về đâu” – David hồi tưởng.

Dĩ nhiên, chính người sáng tác còn chẳng quan tâm tới tác phẩm thì làm sao mà báo chí, người nghe quan tâm và đón nhận được? Stormbringer là một thất bại lớn. Ritchie hứa với ban nhạc sẽ cố gắng hơn, nhưng chẳng có cơ hội để nhìn thấy Ritchie cố gắng nữa khi ông rời Deep Purple năm 1975 để tạo ra ban nhạc mới Rainbow. “7 năm là quá dài rồi, tôi thấy ban nhạc này đang xuống dốc”.

Cùng chúng tôi điểm qua một vài con số nhé: Deep Purple đã hoạt động từ 1968, ra mắt 22 album phòng thu và đổi tới 13 thành viên (bao gồm cả thành viên đi tour). Thật ra khi bạn đang đọc những dòng này, đa số họ vẫn sống khỏe mạnh và có lẽ sắp đi tour cùng với Steve Morse. Dĩ nhiên, Mk II có đôi lần tái hợp, và tan rã cả 2 lần luôn. Năm 1993 trong một cuộc phỏng vấn trên sóng truyền hình, Ritchie Blackmore thậm chí còn dọa “gọi hội úp sọt” Gillan ở một con ngõ nào đó, trích nguyên văn “Ờ thì nó đô hơn tao xíu, nhưng yên tâm tao sẽ gọi mấy thằng em giã nó một trận”. Ian Gillan cũng chẳng kém cạnh khi công khai đáp trả khi được hỏi rằng ông còn nói chuyện với Ritchie không “Ritchie Blackmore? Không, thằng khốn đó, tôi sẽ không bao giờ nói chuyện lại với nó đâu.

Ian Gillan có kỉ niệm gì với Smoke On The Water?
Thật lòng với tôi đi bạn đọc ơi! Có mấy guitarist chưa từng vô thức đánh đoạn riff này? Nhưng chúng tôi chẳng lên án bạn được, ca khúc số 5 trong album Machine Head rõ ràng sở hữu câu riff kinh điển bậc nhất dòng nhạc rock. Đơn giản, chắc chắn nhưng lại bắt tai đến lạ!

Nếu không có đêm định mệnh mùng 4 tháng 12 năm 1971 tại Montreux, có lẽ nhạc rock đã rất khác. Ban nhạc bằng một cách nào đó nghĩ rằng chất âm của thành Luân Đôn quá khô cứng, vậy nên đã cùng nhau kéo tới dãy Alps để thay đổi không khí, với chiếc Rolling Stones Mobile Studio.


Lúc đó, Deep Purple rất ưng chất âm đậm sắc ambient của hội trường Montreux Casino (thuộc quyền sở hữu của Claude Nobs) và muốn thu nhạc của mình tại đây. Ngày tới nơi, họ gặp Frank Zappan And The Mother Of Invention đang biểu diễn show nhạc cuối cùng trong mùa của mình, trước khi nhường lại không gian này cho họ làm việc. Chuyện sau đó có lẽ ai cũng biết, dẫu tất cả cháy rụi trong lửa đỏ, ngọn lửa ấy lại vô tình thắp sáng một ý tưởng mới trong đầu những thành viên đội hình Mk II.

“Tôi đang ở trong hội trường, thưởng thức thứ âm nhạc tuyệt vời của Mothers Of Invention. Một khẩu súng phun lửa gặp trục trặc và bắn cháy những thùng gỗ xung quanh, Frank lập tức dừng buổi diễn và sơ tán mọi người” Ian hồi tưởng.
“Claude Nobs thì xuống hầm và sơ tán những em nhỏ, chúng tôi di tản mọi người đến khách sạn Eden Palace au Lac đối diện. Khi chúng tôi hoàn hồn lại và đứng sau quầy bar khách sạn làm một ly, tất cả đã chìm trong biển lửa. Gió núi lùa những đụn khói đen xuống mặt hồ Geneva, biến tất cả thành huyền ảo tựa một phim trường, mấy phim mà họ dùng đá khô rải xuống nước để tạo làn sương mờ ảo ấy. Roger ngay lập tức viết lại cụm từ ‘smoke on the water’ lên một tờ giấy ăn nhàu nhĩ”.
Claude Nobs đã cố gắng hết sức để tìm một phòng thu cho Deep Purple gần rạp Pavilion, nhưng do cư dân xung quanh phản đối sự ồn ào của họ, cảnh sát khu vực đã xuất hiện và buộc họ rời khỏi đây. Họ đành lấy chính thiết bị trong chiếc Rolling Stones Mobile Studio để làm một phòng thu tạm bợ trong sảnh khách sạn Grand Hotel (đang đóng cửa nghỉ đông).



“Hoàn cảnh tệ lắm, thiết bị lung tung khắp nơi, dưới sàn thì dây dợ xoắn vào nhau như bầy rắn lúc nhúc. Nếu chúng tôi thu trong chiếc Rolling Stones Mobile Studio thì tất cả khéo chết cóng hết. Giờ tôi nhớ lại quãng thời gian ấy vẫn thấy thật siêu thực, tưởng chừng như một giấc mơ vậy”.


Một bí mật nhỏ có thể khiến bạn bất ngờ này: Phần nhạc nền của ca khúc là một trong những thứ hiếm hoi họ kịp thu trước khi bị đuổi khỏi phòng thu gần rạp Pavilion. Phiên bản bạn được nghe thực chất là… một buổi jam để ban nhạc cân đối âm lượng các nhạc cụ. “Chúng tôi thật sự không nghĩ gì cả, chỉ jam vui vui và vô tình thu lại thôi. Smoke On The Water đã được coi là một bản… filler nhét cho đủ đĩa. Trên đĩa than thì 38 phút là thời lượng tối ưu nếu bạn muốn đạt chất lượng tốt nhất, 19 phút mỗi mặt. Chúng tôi thiếu khoảng 7 phút, vậy nên lấy luôn cái bài jam ấy, cắt tỉa, thu đè và viết lời cho nó”.

“Ritchie Blackmore cắm cây Strat của mình vào một chiếc Vox AC30 và một chiếc amp Marshall trong buổi jam” Ian nhớ lại “Lúc mà chúng tôi thu đè và thu thêm đoạn solo, lão phát khổ để nhớ lại mình đã căn tiếng thế nào. Tôi cũng chẳng nhìn mặt gã khi gã solo, nhưng đoạn solo thì tôi khá ưng, cân bằng rất đẹp giữa phô trương kỹ năng và cái ‘chất’ riêng của Ritchie. Viết lời thì dễ lắm, biết đây là bài cuối nhét cho đủ rồi nên tôi viết luôn về… những gì chúng tôi đã trải qua, việc đến Montreaux, gặp Frank Zappa, vụ cháy, khung cảnh đó và cả… quá trình thu bài hát. Smoke On The Water là chính tiểu sử của Machine Head”.

Chưa có ai thống kê xem liệu đây có phải là ca khúc, hoặc ít nhất là câu riff được cover nhiều nhất mọi thời đại không? Nhưng liệu Ian có bản cover nào ông đặc biệt ưa thích không? Câu trả lời là Có! “Bản của The Firemen Of Edo và Yvonne The Tigress, thậm chí tôi vẫn có cassette phiên bản của Yvonne tại nhà”. Bạn có biết tại sao không? Chà, hãy kết thúc bài viết bằng câu chuyện của Yvonne The Tigress nhé:
Yvonne The Tigress là nghệ danh của một fan Deep Purple nữ tại Brazil. Cô sử dụng cái tên này khi đi làm công việc làm thêm của mình: Vũ công thoát y tại một club chuyên chơi nhạc Samba. khi cô đang vừa trình diễn ca khúc vừa cởi từng món đồ trên người theo điệu múa, lần đầu tiên trong đời Ian Gillan đã được tận mắt chứng kiến 2 chuyện:
- Smoke On The Water cover phiên bản nhạc Samba.
- Khách hàng xem múa thoát y nhưng đồng thanh kêu “Mặc đồ lên, mặc đồ lên, hát nốt bài đã cuốn quá”.
