Setup là gì?
Như chính cái tên của mình, Setup là việc hiệu chỉnh cây đàn để có thể đạt trạng thái tốt nhất. Đối với guitar, setup sẽ quyết định 3 vấn đề chính bao gồm: Action, Intonation và String Buzz.

Những bước thiết yếu của một lần Setup thường sẽ bao gồm thay dây đàn mới, chỉnh cần đàn (bằng trussrod), chỉnh khe lược đàn, intonation và nâng/hạ độ cao của dây so với bề mặt đàn. Đối với những “người chơi hệ nhún” trang bị nhún 2 chiều như Floyd Rose, hoặc những hệ bridge như Evertune thì quá trình Setup còn thêm rất nhiều bước phức tạp để đảm bảo Action, Intonation và Stringbuzz ở trong trạng thái cân bằng nhất.

Đương nhiên ngoài việc hạn chế tối đa String Buzz ra thì 2 yếu tố còn lại tức Action và Intonation luôn phụ thuộc vào gu cá nhân của mỗi người chơi. Quá trình Setup không chỉ để đảm bảo cây đàn của bạn hoạt động trong trạng thái chính xác nhất mà còn là bước tối quan trọng cho phép bạn có thể tùy chỉnh cây đàn cho thật phù hợp với lối chơi của mình. Setup kiểu này có thể rất hay với bạn A nhưng lại dở tệ khi đưa đàn cho bạn B, và đó chính là lý do tại sao cây đàn của bạn nên được setup một bởi người có chuyên môn!

TẠI SAO PHẢI ĐEM ĐÀN ĐI SETUP?
Nếu bạn cảm thấy cây đàn của bạn “Có gì không đúng lắm”, một cuộc Setup tổng thể sẽ là hoàn toàn xứng đáng đó! Không ai hiểu rõ cách chơi đàn của bạn như chính bạn, nên chúng tôi khá chắc bạn sẽ tự mình cảm thấy được khi nào nên đưa cây đàn của mình đi Setup. Nhưng nếu bạn là một người mới và chưa biết bắt đầu từ đâu, thì đây là một số trường hợp phổ biến đã đưa những cây đàn đi Setup.

“Lâu quá rồi chẳng động đến cây đàn.”
Đôi khi thật khó để ngày nào cũng có thể dành ra thời gian chơi đàn, và chúng ta đều chán chường khi phải chơi một cây đàn không mang lại cảm giác thoải mái! Nếu đã khá lâu bạn chưa chạm vào cây đàn của mình, một cuộc Setup sẽ là lý do và động lực hoàn hảo để tiếp tục chơi đàn một lần nữa đó!

“Dây đàn của tôi quá xa mặt phím!!!”
Chúng tôi từng tiếp nhận một trường hợp, mà tôi vẫn nhớ là một cây Precision Bass thì phải, có Action cao tới mức giữa dây và mặt cần có thể cho vừa cả một ngón tay! Những người mới không có kinh nghiệm thường nghĩ rằng cây đàn nào cũng như thế, cộng thêm nhiều luồng ý kiến cho rằng “Chai tay rồi sẽ hết đau” khiến cho sai Action trở thành một trong những căn bệnh phổ biến nhất của guitar.

Việc Setup sẽ cải thiện Action của bạn một cách bất ngờ, và bạn sẽ ngạc nhiên rằng tại sao mình lại chịu khổ sở lâu như vậy!
“Một số phím bấm vào cứ bị rè rè khó chịu”
“Anh cứ hạ action hết cỡ cho em” là một yêu cầu cực phổ biến. Lí do khá dễ hiểu: thấp hơn thì ‘lùa quét’ thích hơn, chơi nhẹ nhàng hơn. Nhưng đó cũng là con dao 2 lưỡi, vì khi action quá thấp sẽ dẫn tới hiện tượng rè phím!

Dĩ nhiên không một luthier có chuyên môn nào lại chỉnh cho action của bạn thấp tới mức gây rè dây cả, họ sẽ luôn cân bằng giữa Action và String Buzz. Nếu hiện tượng này xảy ra, rất có thể cần đàn của bạn đã bị cong do tác động ngoại cảnh (thời tiết, va chạm…). Vậy nên hãy thường xuyên đưa cây đàn của mình đi kiểm tra nhé!
“Từ khi mình thay bộ dây mới này đàn cứ sao sao ý”
Tuy những cây guitar cũng không phải quá “mong manh dễ vỡ”, nhưng nếu bạn muốn thay đổi sang loại dây đàn mới có kích cỡ khác thì tốt nhất hãy đưa cả bộ dây và cây đàn tới luthier để làm một cuộc Setup tổng thể.

Bạn có biết một bộ dây phổ thông cỡ 10-46 tune lên E Standard tạo lực căng tới tận 45kg lên cây đàn không? Vậy một bộ dây lớn hơn như 11-49 thì sao? Câu trả lời là 52kg, đáng ngạc nhiên phải không! Việc gia tăng áp lực như vậy rất dễ bẻ cong cần đàn của bạn qua thời gian, cũng như gây ra sai lệch về intonation khi cây đàn vốn được tinh chỉnh cho cỡ dây nhỏ hơn.

Với việc bạn thay xuống cỡ dây nhỏ hơn, cây đàn vốn được tinh chỉnh để chịu lực căng lớn sẽ tạo ra cảm giác chơi rất “nhão”, việc này tuy không gây tổn hại tới cây đàn, nhưng chắc chắn sẽ khiến việc chơi đàn của bạn trở nên khó chịu hơn rất nhiều!
Bao lâu nên Setup đàn một lần?
Đây là một câu hỏi khó và có đáp án rất rộng. Với những kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi nghĩ thời điểm thích hợp nhất là khi bạn thấy cây đàn của mình “không giống bình thường” hoặc không tạo cho bạn cảm giác thoải mái. Bạn có thể Setup bao nhiêu lần trong năm tùy ý, nhưng chúng tôi nghĩ con số lý tưởng là 6 tháng 1 lần. Với những khu vực có thời tiết đặc thù (như tôi ở Hà Nội với mùa nồm siêu khó chịu) thì mỗi khi giao mùa đều nên đưa cây đàn của mình đi kiểm tra và Setup nếu cần thiết.

Và đó hoàn toàn không phải là “làm quá lên” đâu, thậm chí căn chỉnh guitar mỗi khi giao mùa là một việc rất bình thường. Yếu tố thời tiết quyết định rất lớn đến cây đàn của bạn vì gỗ có xu hướng giãn nở theo môi trường xung quanh, bất cứ một thay đổi dù là nhỏ nhất đều sẽ tác động tới cảm giác chơi của cây đàn.

Thậm chí một cây đàn còn cần được Setup mỗi tuần nếu như bạn là một nghệ sĩ chuyên nghiệp hoặc có cường độ tập luyện cao. Tom Weber – Guitar tech của huyền thoại Eddie Van Halen – thậm chí dành mỗi ngày 14-15 tiếng liên tục để Setup những cây đàn của Eddie mỗi khi họ đi tour để đảm bảo luôn có ít nhất tối thiểu 8 cây đàn sẵn sàng chờ được Eddie Van Halen sử dụng.

Tôi có nên tự Setup cây đàn của mình không?
Một vài công đoạn thật sự là nên để cho những người chuyên nghiệp xử lý, nhưng đương nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự Setup cây đàn của mình ở nhà. Lần đầu rõ ràng không bao giờ là dễ dàng cả, nhưng hiện tại chúng ta đã có rất nhiều dụng cụ để tự thực hiện việc Setup, cũng như vô vàn tài liệu trực tuyến để tham khảo!

Việc Setup có thực sự cần thiết không?
Có và không! Setup sẽ đảm bảo bạn có thể thực sự khai thác hết tiềm năng từ cây đàn của mình. Nếu cây đàn của bạn đang khiến bạn thấy rất thoải mái, hãy tận hưởng nó, nhưng nếu bạn cảm thấy đây vẫn chưa phải là trạng thái tốt nhất thì việc đưa cây đàn đi Setup là một lựa chọn lý tưởng.
Bạn chưa chắc chắn cây đàn của mình đã cần Setup hay chưa ư? Chần chừ gì mà không ghé thăm để được kiểm tra và tư vấn bởi đội ngũ Whammy Bar nhỉ?
