Inlay hình những chú chim có lẽ là hình ảnh mang tính thương hiệu nhất khi nhắc tới PRS Guitars. Nhưng bạn đã biết câu chuyện đằng sau cũng như cách họ tạo ra những cánh chim đã gắn liền với họ gần 4 thập kỉ chưa?

Những cánh chim đã trở thành kinh điển
Như chúng tôi đã chia sẻ trong những bài viết trước về inlay của những cây đàn PRS, Paul Reed Smith chịu rất nhiều ảnh hưởng từ mẹ mình – một người phụ nữ với sở thích nghiên cứu về các loài chim. Những loài chim xuất hiện trên cần đàn bao gồm:
- Chim Cắt lớn (Peregrine Falcon) ở khoang 3
- Chim Diều hen (Marsh Hawk) ở khoang 5
- Chim Ruồi họng đỏ (Ruby Throated Hummingbird) ở khoang 7
- Chim Nhàn (Common Tern) ở khoang 9
- Diều Hâu Cooper (Coopers Hawk) ở khoang 12
- Chim Diều (Kite) ở khoang 15
- Chim Sẻ (Sparrow) ở khoang 17
- Chim Hải yến (Storm Petrel) ở khoang 19
- Đại Bàng (Hawk) ở khoang 21
- Cú (Owl – chỉ có mặt trên những cây đàn 24 phím) ở khoang 24

Thời ấy, từng phím đàn được Paul Reed Smith tỉ mỉ cưa tay bằng một chiếc cưa lọng (thường được sử dụng trong ngành kim hoàn), cũng như tỉ mẩn đục khoang cho chúng trên từng phím đàn. Toàn bộ quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao độ, bất cứ sai sót nào cũng sẽ khiến nghệ nhân phải làm lại hoàn toàn từ đầu
Nhưng với sức mạnh của công nghệ, bạn có biết hiện tại PRS sản xuất inlay thế nào không?.

Trong chuỗi video mới nhất của mình, “From The Factory Floor“, PRS sẽ đưa chúng ta cùng tìm hiểu về những công đoạn chế tác nhạc cụ của họ. Đồng hành với chúng ta hôm nay sẽ có Veronika Kirkpatrick, quản lý bộ phận Woodshop Construction của PRS. Sinh ra tại Thụy Điển và đã cống hiến cho PRS hơn 2 thập kỉ, Veronika từng có biệt danh vui “Hung thần ca đêm” do anh em đặt cho khi làm việc ở vị trí Quản lý ca đêm tại nhà máy tổng PRS “vì cô luôn làm việc với công suất 100% và có khả năng ép mọi người hoạt động hết mình để đảm bảo mọi cây đàn chúng tôi làm ra đều là tốt nhất”.

Nào, chần chừ gì nữa, chúng ta bắt đầu thôi!
Chuẩn bị mặt phím
Đầu tiên những mặt phím đã đạt tiêu chuẩn sẽ được khoan một lỗ định vị. Lỗ định vị đóng vai trò rất quan trọng như góp phần cố định mặt phím thật chuẩn trên máy CNC cho các công đoạn về sau, cũng như giúp quá trình gắn mặt phím lên cần đàn sẽ thật chính xác.


Sau đó những mặt phím sẽ được cố định vào một máy cắt CNC lớn. Chiếc máy này có thể cắt 12 mặt phím cùng lúc, tạo ra chất lượng đồng nhất một cách hoàn hảo. Quá trình cắt được hỗ trợ bằng một máy xịt khí áp suất cao để không còn một chút bụi gỗ nào có thể sót lại ảnh hưởng đến độ chính xác của các công đoạn sau.


Còn không biết bây giờ bên khu vực gia công inlay đang làm gì nhỉ?
Tạo ra những cánh chim
Tùy thuộc vào dòng đàn sẽ được sử dụng chất liệu inlay khác nhau. Với xà cừ, sừng hay ngà, đầu tiên nguyên tấm sẽ được gắn lên một tấm nền bằng keo gốc nước. Ngoài tính chất rất “lành” không gây hại cho inlay, keo gốc nước cũng có một vai trò rất quan trọng mà chúng tôi sắp “bật mí” đấy.

Sau khi nguyên liệu đã dính chắc vào tấm nền, cả 2 được đưa vào máy CNC để bắt đầu khâu tạo hình. Nhờ đã dính chặt vào tấm nền, những chú chim inlay nhỏ xíu sẽ không “bay” loạn xạ dưới sự rung động của máy CNC cũng như áp lực khổng lồ của máy thổi bụi!

Sau đó dưới sự tác động của một “dung môi đặc biệt”, tấm nền sẽ tách ra, để lại chúng ta với những chú chim xinh xắn. Bạn có đoán được dung môi đó là gì không? Là… nước đó, đây chính là lý do họ phải sử dụng keo gốc nước, để có thể dễ dàng hòa tan, tháo gỡ mà không gây ảnh hưởng đến inlay!

Inlay nhựa thì đơn giản hơn nhiều, cả tấm nhựa sẽ được đưa vào máy cắt laser. Sau đó chỉ cần gõ nhẹ vào khung là những chú chim sẽ rơi ra liền!


Nhưng dù là chất liệu nào, từng chiếc inlay nhỏ xíu cũng sẽ được phân loại riêng ra theo từng loài chim trước khi chuyển sang bộ phận tiếp theo!

Bắt đầu thành hình
Nguyên liệu đã có đủ, giờ bắt đầu lắp ráp thôi! Trong hình là Lindsay Powers, cô từng là một y tá chăm sóc sức khỏe tại gia, cho tới khi cô quyết định rời bỏ công việc ấy và cùng chồng mình theo đuổi đam mê (chồng cô là một nhân viên kì cựu với hơn 12 năm kinh nghiệm tại PRS). Với sự cầu toàn và cẩn thận của một y tá, cô đã nhanh chóng trở thành chuyên gia lắp ráp inlay và được PRS thân thương gọi bằng cái tên “Inlay Perfectionist”.

Những chú chim được Lindsay và đồng đội gắn hoàn toàn thủ công. Sau khi phủ keo, tất cả được đưa vào tủ hong khô chuyên dụng ít nhất 12 giờ đồng hồ để khô hoàn toàn.


Những mặt phím đã khô hoàn toàn sẽ được lắp vào máy mài. Đây là công đoạn quyết định radius của mặt phím sẽ như thể nào, tròn hay phẳng, chính là yếu tố tối quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi đàn của mỗi chúng ta đó! Công đoạn mài cũng loại bỏ toàn bộ phần keo thừa, để lại mặt phím thật sạch sẽ và những inlay xinh xắn. Ngay sau đó là một cỗ máy có nhiệm vụ khoan lỗ cho side dot ở mặt bên.


Side Dot – tuy nhỏ nhưng được làm hoàn toàn thủ công
Nếu một ngày không còn side dot, những chấm nhỏ mà cực quan trọng, thì tôi khá chắc tốc độ chơi đàn của tôi sẽ giảm đi phân nửa khi liên tục phải mò mẫm xem mình đang đánh phím nào đó! Tuy nhỏ xíu nhưng từng side dot đều được gắn và cắt hoàn toàn thủ công.

Thường side dot sẽ được cắt dư ra một chút để tất cả đều bằng mặt sau khi mài, cũng như giúp công đoạn mài không “lẹm” vào mặt phím. Tất cả side dot đều được mài hoàn toàn thủ công.

Và đương nhiên không thể bỏ qua công đoạn cưa khe lắp phím rồi (à quên, nếu bạn chơi đàn fretless thì tới bước này có thể cầm mặt phím về rồi). Những chiếc mặt phím được gắn thật chắc và phẳng phiu xếp thành hàng chờ lưỡi cưa đi qua, để đảm bảo độ đồng nhất cũng như tối đa hiệu quả công việc.

Như bạn có thể thấy trong video, lưỡi cưa sẽ hơi “nhún nhảy” một chút để cưa khe phím có độ cong chính xác theo độ cong của radius mặt phím, khiến việc đứng cạnh cỗ máy này khá “rừng rợn” đó nhỉ!

Vậy là hoàn thành rồi!
Và đó là cách PRS tạo ra mặt phím với những chú chim huyền thoại của mình! Dĩ nhiên, vẫn còn rất nhiều công đoạn phải làm nữa trước khi những cây đàn được xuất xưởng, nhưng những chi tiết nhỏ như thế này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tỉ mỉ trên từng cây đàn của đại gia đình Paul Reed Smith.

Bạn có phải “người chơi hệ chim” không? Vì chúng tôi đang có sẵn rất nhiều những cây PRS tuyệt vời từ những dòng cơ bản như SE cho tới những dòng cực cao cấp như Wood Library Special đó! Còn chần chừ gì mà không ghé Whammy Bar để trải nghiệm nhỉ?