More

    Marshall JTM 45: Niềm tự hào của Anh Quốc

    Khi bạn nhìn lên sân khấu và thấy một dàn amp Marshall, khoảnh khắc ấy đã ngầm báo trước đây sẽ là một show diễn thật “cháy” rồi! Được mệnh danh là “Chất âm của nhạc Rock”, những chiếc amp Marshall đã trở thành hình ảnh kinh điển khi nhắc đến thời kì hoàng kim của dòng nhạc này, cũng Marshall như trở thành một trong những hãng sản xuất thiết bị âm thanh quan trọng nhất của âm nhạc thế giới tới tận thời điểm hiện tại. Nếu liệt kê những nghệ sĩ sử dụng amp Marshall ra sẽ tốn của chúng tôi vài tháng trời mất, vậy tại sao chúng ta không bắt đầu ngay vào việc tìm hiểu về chiếc amp đầu tiên, cũng như quan trọng nhất, của Marshall nhỉ?

    Bắt đầu từ một cửa hàng bán…?

    Lần ngược về tận năm 1962 tại Hanwell, một vùng ngoại ô hẻo lánh của London, lịch sử của nhạc rock nói riêng và toàn bộ âm nhạc nói chung chuẩn bị thay đổi mãi mãi bởi chất âm “British Crunch” huyền thoại! Nhưng mà kì lạ thay, cửa hàng nhỏ ở số 76 đường Uxbridge này lại chẳng bán guitar hay amp gì cả, mà lại là một cửa hàng bán… trống do Jim Marshall mở vào ngày 7 tháng 6 năm 1960 cơ – cửa hàng Jim Marshall & Son!

    Cửa hàng Marshall đầu tiên.

    Theo lời kể của Terry Marshall, con trai Jim Marshall, rất nhiều tay trống đã mang guitar, bass và cả amp của các thành viên cùng ban nhạc tới nhờ họ sửa chữa. Vì vậy, Jim quyết định dành ra một góc nhỏ của cửa hàng để kinh doanh và sửa chữa những nhạc cụ này. Năm 1961, Jim đã thu nhận bạn của con trai mình, Mick Borrer – tay guitar của Cliff Bennet and the Rebel Rousers – vào học việc, cùng với Ken Bran chuyên phụ trách kĩ thuật. Mick và Ken sử dụng những kiến thức học được, cũng như kho dụng cụ khổng lồ của cửa hàng không chỉ để hoàn thành công việc được Jim giao, mà còn mày mò nghiên cứu cũng như sửa nhạc cụ cho những người bạn cùng trang lứa đang chơi thứ nhạc “tân thời” đến từ nước Mỹ nữa.

    Ken Bran và Jim Marshall.

    Thế hệ của Jim Marshall đều là những ông chủ mở ra cửa hàng nhạc cụ hướng tới các nghệ sĩ jazz hoặc giao hưởng, vậy nên việc trẻ hóa nhân sự này đã vô tình đánh trúng một thị trường cực màu mỡ: Jim Marshall & Son trở thành cửa hàng nổi tiếng nhất với lớp thanh niên đang phát cuồng vì nhạc rock!

    Chính Ken Bran là người đã dũng cảm tìm tới “sếp” Jim Marshall và đề xuất Jim Marshall & Son tự nghiên cứu chế tạo ra chiếc amp của riêng mình, thay vì phải nhập những chiếc amp Fender rất đắt tiền từ tận nước Mỹ xa xôi. Jim dành ra nhiều giờ ngồi nghe những tay guitar trẻ khi họ tới chơi ở cửa hàng về việc đối với họ thế nào mới là một “chiếc amp trong mơ”. Terry, Mick, và cả cậu thanh niên sau này sẽ trở thành nghệ sĩ có ảnh hưởng bậc nhất thập niên 70s – Pete Townsend, tất cả đều mơ về một chiếc amp có màu âm phải khác Fender, phải lực hơn, nhiều gain hơn, mạnh mẽ hơn.

    Dudley Craven – người đặt nền móng cho tất cả

    Dẫu đã có kinh nghiệm với việc sửa chữa thiết bị điện tử, Ken lại không tìm được chút cảm hứng nào để chế tạo ra một chiếc amp mới cả. Ken đã tìm đến người bạn Dudley Craven để xin lời khuyên. Dudley Craven là một thợ radio tập sự đang học việc tại EMI Electronics – nơi cậu được gọi là “Whiz Kid – Phù Thủy Nhí” vì tài năng không đợi tuổi của mình (năm ấy Dudley mới 18 tuổi). Ken và Dudley đã cùng nhau tạo ra hàng loạt phiên bản thử nghiệm, và có thể nói Dudley đã là chìa khóa then chốt giúp Marshall thực sự khác biệt và vượt ra khỏi cái bóng của những chiếc amp Fender.

    Duddley đã rủ 2 người bạn học cũ của mình cùng tham gia chế tạo những phiên bản thử nghiệm (mà sau này trở thành chính nền móng của JTM45) là Ken FleggRichard Findlay. Như chúng tôi đã kể, dẫu Jim Marshall đã phê duyệt ý tưởng tự sản xuất ra dòng amp của riêng mình, nhưng cửa hàng Jim Marshall & Son vẫn dành phần lớn diện tích cho việc… bán trống. Vậy nên Duddley đã tạo ra những phiên bản này tại một căn phòng nhỏ xíu, nơi cậu đặt trạm radio nhỏ của mình dưới nickname “G3PUN“. Nói là căn phòng vẫn hơi… khoa trương quá, thật ra đó chỉ là một chiếc lán kho nhỏ xíu phía sau nhà Duddley tại 202C đường Uxbridge. Về phía Ken cũng không khá khẩm hơn khi cậu làm việc trong chính phòng ngủ của mình tại Wembley. Toàn bộ quá trình tạo ra những phiên bản đầu tiên của JTM45 diễn ra ở bất cứ đâu, ngoại trừ chính trụ sở Marshall…

    Ý tưởng đầu tiên của họ xuất phát từ việc cải tiến một chiếc Fender Bassman kinh điển, nhưng rồi Terry tìm ra được một phiên bản thú vị hơn rất nhiều: Piggyback Bassman, gồm một chiếc head và cabinet 2×12, trong khi Ken Bran và Jim lại mê mệt chiếc Tweed 1959 Bassman Combo với loa 4×10″. Cuối cùng tất cả đã thỏa hiệp và chọn ra bảng mạch 5F6A Fender 1959.

    Number 1 – chiếc amp đã thay đổi lịch sử

    Họ làm ra những chiếc amp mới mỗi tuần, và được thử nghiệm bởi rất nhiều tay chơi cộm cán thời đó có thể kể tới Pete Townshend, Ritchie Blackmore, Jim SulivanJohn Entwistle. Nhưng tới tận phiên bản prototype thứ 6 mới thực sự thuyết phục được Jim Marshall, và ông đặt biệt danh cho chiếc amp này là “Number 1“. Number 1 chính xác là một chiếc Fender 5F6A “độ”, với những thay đổi tuy nhỏ nhưng rất rõ nét, bao gồm cả những khác biệt về âm sắc do linh kiện độ vào được sản xuất tại Anh thay vì linh kiện Mỹ. Kết quả là chất âm “Marshall” mà Jim phác họa trong đầu đã thành hiện thực, gắt hơn, khô hơn Bassman, nhưng vẫn thật dày và ngọt ngào. Một chất âm hoàn toàn mới, thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả người anh em đồng hương Vox AC30. Một chiếc amp với kênh 1 sắc lẹm tỏa sáng, và kênh 2 lực, đặc sệt! Ngay lập tức, thiết kế này được đưa vào sản xuất.

    Nguyên mẫu Number 1 đang được trưng bày tại bảo tàng Marshall.

    Trong tuần đầu tiên Jim Marshall nhận được 23 đơn đặt hàng. Number 1 được trưng bày trước cửa hàng Marshall và đã bị một cậu bé mua mất. Cậu rất thích chiếc amp, nhưng không muốn chờ đợi, và cha cậu bé đã thành công trong việc thuyết phục Jim bán cho họ phiên bản thử nghiệm. Nhiều tuần sau đó, khi khâu sản xuất đã có thể đáp ứng được lượng khách hàng khổng lồ, cậu bé đã rất tốt bụng khi đem chiếc amp đầy kỉ niệm này trả lại cho Jim, và ông báo đáp bằng cách tặng cậu một chiếc JTM45 mới toanh. Number 1 được ông khóa kĩ trong kho trong nhiều năm, cho tới khi được trưng bày tại bảo tàng Marshall tại Bletchley cho tới hiện tại. Rất nhiều tay guitar nổi tiếng sau này đã nài nỉ Jim Marshall bán lại chiếc amp này cho mình, đơn cử như Gary Moore, nhưng ông đã từ chối.

    Jim Marshall và Number 1.

    Number 1 có cách bố trí cụm điều khiển hơi khác với những đời sau, mà gần với Fender Bassman hơn (Presence, Bass, Mid, Treble), chiếc amp này cũng không có số hiệu “JTM45” hay “MKII” gì cả. Nhưng dưới cương vị chiếc amp đầu tiên đạt chuẩn, Number 1 hoàn toàn có thể được gọi là “MKI” để phân biệt với những phiên bản được sản xuất sau đó một thời gian ngắn, với số hiệu “MKII”. Có thể bạn thấy chúng tôi đang làm quá vấn đề, nhưng hãy để con số giải thích những chiếc “MKI” quý hiếm tới mức nào nhé: số serial ở Marshall bắt đầu đánh từ 1001, và từ chiếc có serial 1037 trở đi đã có số hiệu “MKII” in trên chúng rồi.

    Những đơn hàng bán ra thuyết phục người chơi tới mức một đồn mười, mười đồn trăm, chỉ một thời gian ngắn sau họ đã phải mua thêm một cửa hàng tại 93 Uxbridge để có thêm không gian sản xuất, và sau đó là một kho lớn tại Southall, Middlesex. Tới tháng 6 năm 1964, nhà máy Marshall đầu tiên tại đường Silverdale, Hayes bắt đầu đi vào hoạt động với ít nhất 15 công nhân làm việc liên tục.

    JTM 45 có gì đặc biệt?

    Cái tên JTM 45 được đồn đại là viết tắt của Jim & Terry Marshall, còn 45 là công suất tối đa của chiếc amp. Dẫu đây là một chiếc amp được “độ” từ bảng mạch gốc Fender 5F6A, nhưng đây là một số cải tiến đã khiến JTM 45 trở nên độc nhất vô nhị!

    JTM 45 “MKI”

    Đầu tiên phải kể tới bóng preamp 12AX7 (ECC83), với chất âm “gắt” và âm sắc sống dộng hơn hẳn những bóng 12AY7 Fender đang sử dụng thời ấy.

    Ở phiên bản đầu, những bóng power được sử dụng là 6L6(5881) giống Fender, nhưng sau đó được đổi sang 6L6GT. Thế nhưng chất âm British chỉ thực sự tỏa sáng khi họ bắt đầu sử dụng bóng GEC KT66 nội địa, không những vậy, dòng tube này còn đẩy công suất của chiếc amp lên 40-45 watt thay vì 30-35.

    Thay vì American Triad, Dudley đã chọn British Radiospares làm biến áp đầu ra (một số phiên bản sử dụng Elstone). JTM 45 cũng có trở kháng 16 Ω so với 2 Ω của Bassman, khiến JTM có feedback voltage lớn hơn tận 3 lần.

    Và có một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng tới không tưởng: bộ khung của JTM 45 dày dặn và được làm từ nhôm, trong khi khung của những chiếc amp Mỹ thời ấy đa phần làm từ thép. Nhôm ít gây ra nhiễu loạn từ trường hơn, cho chất âm trung thực và ổn định hơn rất nhiều!

    Ồ chúng ta có cùng tên này!

    Tới giữa thập niên 60, gần như mọi nhạc sĩ và ban nhạc lớn nhỏ của Anh Quốc đều sử dụng amp Marshall, ngoại trừ 2 cái tên Beatles và Rolling Stones! Nhưng Marshall lúc này chuẩn bị gặp người nghệ sĩ quan trọng bậc nhất trong lịch sử của họ mà chẳng hề hay biết!

    Bạn có nhận ra Eric Clapton đang dí sát tai vào dàn amp Marshall để tận hưởng không?

    Mitch Mitchell, cậu thanh niên làm thêm tại Jim Marshall & Son mỗi thứ 7 đột nhiên hỏi “sếp” Jim rằng có thể dành ra một buổi ngồi chơi với anh bạn của mình từ nước Mỹ xa xôi tới không? Bạn Mitch là một tay guitar, rất mong được gặp Jim Marshall vì… tên của họ hơi giống nhau và thần tượng của người bạn ấy, tức Eric Clapton, đang chơi những chiếc amp do Marshall sản xuất. Bạn đã đoán được đó là ai chưa? Vậy chúng tôi xin tiết lộ nhé, bạn của Mitch Mitchell tên đầy đủ là James Marshall Hendrix, nhưng thường được giang hồ gọi là Jimi Hendrix!

    Mitch Michell và Jimi Hendrix.

    Trái với những tay guitar nổi tiếng thành Luân Đôn thời ấy thường ba hoa “Tôi là tay guitar vĩ đại nhất thế giới” và đòi Jim Marshall giảm giá hoặc… tặng miễn phí, Jimi Hendrix rất khiêm tốn cũng như vô cùng sòng phẳng trong chuyện tiền nong, điều này khiến Jim Marshall rất có hảo cảm với cậu thanh niên trẻ tuổi này.

    Ảnh lưu niệm của Jimi Hendrix tại London.

    Jimi Hendrix đã góp phần không nhỏ tới việc đưa danh tiếng những chiếc amp Marshall vươn ra quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ. Có thể nói nếu họ không gặp nhau thì có lẽ tới giờ, những chiếc amp Marshall dù hay, sẽ vẫn chỉ loanh quanh ở mức đồ nội địa trong nước chứ không vươn xa hơn. Không phải vì chất lượng mà vì… Jim Marshall vốn không hề có ý tưởng bỏ hết tất cả để tập trung vào việc làm amp ngay từ đầu. Buổi chiều tại cửa hàng Jim Marshall & Son ấy hóa ra trở thành động lực rất lớn để ông… đóng luôn cửa hàng, nghỉ bán nhạc cụ để tập trung toàn lực cho những chiếc amp Marshall.

    Đó là khởi đầu của JTM 45, vậy chiếc amp này đã thay đổi thế giới như thế nào? Cùng đón đọc số tiếp theo trên Whammy News nhé!

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img
    Previous article
    Next article

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img