More

    Relic Guitars: ‘Cỗ máy thời gian’ của Fender Custom Shop – Phần 1

    Không thể phủ nhận 1 trong những bước tiến quan trọng nhất của Fender vào nửa cuối thập niên 90 chính là những cây đàn Relic: Những cây đàn mới toanh, nhưng sở hữu ngoại hình cổ kính như đã “chinh chiến” hàng chục năm trời! Hiện nay bạn có thể bắt gặp những cây đàn Relic ở khắp nơi trên thế giới, với cộng đồng người hâm mộ có thể nói là đông nhất nhì trong các thể loại finish của guitar. Nào, chúng ta cùng bắt đầu quay ngược thời gian thôi!

    Những kẻ mê mẩn sự cổ kính

    Cây đàn Fender Relic đầu tiên của Fender thật ra đã có từ những năm 80 rồi, khi Dan SmithJohn Hill thử dùng những công cụ quanh xưởng để lột phần sơn ra khỏi những cây đàn theo yêu cầu của những đơn hàng đặc biệt. Thường những đơn hàng này là của những người chơi muốn sở hữu cây đàn giống hệt thần tượng của mình, nhưng cũng không thiếu những tay chơi yêu cầu Custom Shop relic cây đàn của mình vì cảm giác cá nhân. Đơn cử như Eric Clapton có thói quen mang cần đàn của mình tới Robbie Gladwell để yêu cầu ông mài cho chiếc cần mòn đi một chút “Em không thích cần quá mới, cứ sao sao ý”. Lúc đầu họ không dùng từ Relic mà gọi là “Antiquing“, vì khi ấy xưởng đàn của Gladwell kì diệu hệt như cách Ian McShane chế tác đồ giả cổ trong bộ phim Lovejoy vậy.

    Bạn có nhận ra Thuyền trưởng Râu Đen thời trẻ không?

    Dần dà, rất nhiều tay guitar có tiếng đều dần phát hiện ra những thiết kế Relic của Custom Shop thật thú vị, và họ bắt đầu đặt hàng những cây đàn Relic cho riêng mình. Có thể kể tới như David Gilmour, Jeff Beck, Jimmy Page, Keith Richards, Ritchie Blackmore, George Harrison, Dave Murray hay Sting, danh sách còn dài lắm, nhưng chúng tôi thấy toàn tay “khủng” rồi nên tạm vậy đã nhỉ. Dẫu vậy, Dan Smith và John Hill vẫn chật vật trong việc thuyết phục Bill Schultz, khi Bill Schultz vẫn có niềm tin yêu mãnh liệt dành cho những cây đàn với lớp finish mới tinh, sáng bóng. Vậy nên mãi tới những năm 90, những cây đàn Relic mới được gia công số lượng lớn, nhờ công của Jay W. Black, Vince CunettoJohn Black.

    Thiên tài bất hảo

    Jay W. Black được John Page tuyển dụng vào vị trí Master Builder tại Fender Custom Shop năm 1989. Jay chưa từng có kinh nghiệm trong việc làm một cây đàn Relic nào cho tới tận đầu những năm 90, khi Don Was tìm tới ông để thông báo tin vui Don sẽ biểu diễn cùng Bonnie Raitt tại lễ trao giải Grammy, và đặt hàng một cây bass “Nhìn phải ‘từng trải’ một chút”. Đơn hàng này kích thích trí tò mò của Jay, ông băn khoăn mãi rằng đây có phải ý tưởng thiên tài không, hay lại thành trò cười cho thiện hạ.

    Hiện tại Jay vẫn đang cống hiến hết sức mình cho Fender Custom Shop.

    Lúc này Jay chợt nhớ tới Vince Cunetto. Tuy không phải là Master Builder, thậm chí chỉ mới tập tọe độ chế một cây đàn, Vince lại có niềm đam mê bất tận dành cho những cây đàn vintage “Tôi bắt đầu gia nhập giới mua bán, trao đổi guitar vintage từ khoảng năm 1984, 1985 gì đó” Vince chia sẻ “Lúc ấy tôi mê những cây Telecaster vintage lắm, nhưng ở cương vị trung gian của các cuộc trao đổi để kiếm bạc lẻ qua ngày thì giấc mơ ấy xa vời quá”.

    Vince Cunetto tại Fender Custom Shop thời trẻ.

    “Vậy nên tôi bắt đầu nghĩ tới việc tạo ra một cây Telecaster vintage của riêng mình, tôi nghiên cứu sâu tới nỗi khắp nhà toàn là bản vẽ phác thảo. Tôi rất may mắn khi được anh Jim Colclasure (một tay sưu tầm và buôn bán guitar vintage có tiếng vùng Kansas thời ấy) cho tôi thỏa sức mượn đàn để nghiên cứu. Tôi mượn bàn cắt của một khu xưởng mộc gần nhà và cưa ra những thân đàn đầu tiên, rồi tự tay sơn chúng, hồi nhỏ tôi từng làm thêm kiếm tiền tiêu vặt ở một xưởng sơn xe hơi nên cũng có chút kinh nghiệm”.

    Trăm hay không bằng tay quen, tuy làm “phủi” nhưng nhờ không ngừng cố gắng mà kĩ năng của Vince ngày càng hoàn thiện. Thậm chí ông còn tìm được cách tạo ra bản sao decal headstock vintage từ ảnh chụp không khác gì hàng thật. Vince bắt đầu lén lút bán chúng ở những sự kiện guitar, tiếp tay cho giới làm hàng giả, và cũng qua đó ông gặp được Jay. “Này, tôi biết ông là người đang bán ra lố decal giả đó, và việc đó không hay chút nào, nhưng tôi biết một nơi ông có thể thỏa sức tung hoành và phát triển kĩ năng của mình một cách đàng hoàng đấy”. Bạn đoán đúng rồi đó, Jay đã chiêu mộ Vince về Fender Custom Shop! Vince đảm nhận việc chế tạo các bộ phận sao cho giống hệt những phiên bản đã bị khai tử, như decal kiểu cổ hoặc tấm pickguard kiểu cũ (mà Jay đã dùng để thay cho cây Broadcaster cực cổ của Ron Wood).

    Riêng kho pickguard của Custom Shop đã chứa tới hàng chục ngàn chiếc với đủ mã số khác nhau!

    Đưa cả thế giới quay ngược dòng thời gian

    Cây đàn làm cho Don Was đã may mắn thành công tốt đẹp, và họ cũng nhìn thấy tiềm năng ẩn chứa trong kiểu finish đầy hoài cổ này. Vince Cunetto đã mang cây Stratocaster Shoreline Gold mà mình rất tâm đắc đến và cố thuyết phục đầu tàu của Custom Shop thời bấy giờ – John Page – về việc sản xuất hàng loạt. “Mọi người thích đồ jeans bạc màu, áo da sờn vai và xe cổ, tại sao chúng ta không làm vậy với guitar?”. John khá ưng ý tưởng, nhưng họ sẽ phải thử nghiệm thị trường trước vì ngần đó chưa đủ để thuyết phục các lãnh đạo của Fender. John đã cho Vince cơ hội trưng bày 2 cây đàn tại đại hội NAMM mùa đông 1995, 1 cây ’50s Butterscotch Blonde Nocaster và 1 cây ’57 Stratocaster 2-Tone Sunburst.

    Thế nhưng cuối năm 1994, Jay và John quyết định để cây ’57 lại và chuyển sang thiết kế một cây Mary Kaye với hardware màu gold, vậy nên Vince đã làm ra vài cây Mary Kaye khác nhau với độ relic khác nhau. Để không gây hoang mang dư luận cũng như chống đạo nhái, Vince đã làm một con dấu lớn từ “Relic” và dập vào bên trong thân đàn cũng như phía sau headstock.

    Vince Cunetto đã trổ hết tài nghệ của mình, và thật sự đã tạo ra những tuyệt phẩm. Những cây đàn này được trưng bày liên tục trong những ngày Fender tham dự NAMM, được giới thiệu là những cây đàn cổ và thu hút được hàng ngàn lời khen ngợi, trước khi họ trịnh trọng bước lên bục và hé lộ sự thật “Đây không phải đàn cổ, mà là những cây đàn Relic”. Kết quả thì khỏi phải nói, khán đài bùng nổ trong những lời khen ngợi khả năng chế tác thần sầu như ‘ngồi lên máy thời gian mang đàn từ quá khứ về’, ngay lập tức Fender đã nhận được cả ngàn đơn đặt hàng tới tấp. Mike Lewis, trưởng bộ phận marketing của Fender lúc đó, đã không thể kìm được phấn kích khi chơi thử “Đỉnh quá, bắt tay vào làm hàng loạt ngay thôi, ai lại không muốn sở hữu những cây đàn tuyệt vời thế này?”.

    Đó là phần đầu tiên, sơ lược về những bước đầu của Relic guitar tại đại gia đình Fender. Nhưng hành trình của Relic còn gian nan lắm! Tại sao Relic vươn lên được vị trí một trong những kiểu finish được hâm mộ nhất thế giới ư? Hãy đón chờ trong bài viết tiếp theo của chúng tôi nhé!

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img