Fender Custom Shop chính thức ra đời vào ngày 15 tháng 5 năm 1987, với mục đích tạo ra những cây đàn đặc biệt theo đơn đặt hàng riêng của những nghệ sĩ nổi tiếng và giới mộ điệu. Họ được thành lập không phải vì lợi nhuận, mà vì Fender muốn củng cố uy danh của mình trên thị trường. Thuật ngữ “Guitar Custom” thời điểm này cũng không phải quá xa lạ, vì chính Leo Fender cũng đã chứng kiến nhiều cây đàn ra đời theo đơn đặt hàng đặc biệt như Gold Stratocaster của Eldon Shamblin, hay cây Red Cimarron của Bill Carson.

Nhưng nhu cầu sở hữu nhạc cụ được cá nhân hóa của cộng đồng tăng cao, cũng như những nghệ sĩ không thể cưỡng lại việc khám phá sự thay đổi kì diệu của âm thanh mỗi cây đàn tạo ra khi kết hợp những chất liệu khác nhau, Fender Custom Shop đã trở thành một trong những phân khúc thành công nhất của Fender! Và nghiễm nhiên họ trở thành thương hiệu đi đầu khi nhắc đến thuật ngữ “Custom Shop”.
Ra đời trong… Garage
Rất nhiều thương hiệu đỉnh cao ra đời trong những nhà để xe bé xíu, có thể kể tới như Apple ra đời trong garage nhà Steve Jobs, hay hãng xe máy Harley Davidson. Và Fender Custom Shop cũng… không ngoại lệ.
Fender Custom Shop khi thành lập chỉ có 2 thành viên duy nhất, bao gồm Senior Design Engineer Michael Stevens và trợ lý John Page (thuật ngữ Master Builder lúc này chưa tồn tại). 2 luthier trẻ tuổi với tay nghề thiên phú nhận thấy Fender đang đi đầu về doanh số trong ngành, và họ muốn tranh thủ thời gian này để mở ra một phân khúc mới: Tạo ra những cây đàn thật sáng tạo với chất lượng đỉnh cao, biến những cây đàn giấc mơ dù là “điên rồ” nhất thành hiện thực. Họ muốn cá nhân hóa mọi thông số của cây đàn để cho người chơi một trải nghiệm chơi nhạc hoàn hảo nhất!

Michael Stevens và John Page bắt đầu ở chính garage nhà Michael, chẳng có gì ngoài trái tim đầy nhiệt huyết và đôi thay lành nghề, cùng những kiến thức về guitar tích lũy được trong quá trình làm việc tại Fender. Nhưng như vậy là quá đủ, họ bắt đầu nhận đơn đặt hàng đầu tiên!

Cây đàn đầu tiên được xuất xưởng có mã hiệu 0001 là một cây đàn… 2 cần kết hợp giữa 2 dáng đàn lừng danh Stratocaster và Esquire. Đây cũng là một cây đàn với câu chuyện vô cùng thú vị, nhưng chúng ta để lại cho một ngày khác nhé!
Chính thức thành xưởng
Sau vài tháng đặt trụ sở tại garage nhà Michael, 2 luthier trẻ tuổi quyết định chuyển tới nhà máy Corona của Fender. Họ được phân cho một phòng nhỏ xíu mà nhà máy đang để trống. Mãi một năm sau khi có thêm thành viên thì họ mới được cơi nới ra thêm chút.

Tháng 12 năm 1989, Fender thăng chức cho John Page lên quản lý bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), song song với công việc hiện tại ở Fender Custom Shop. Điều này đã mở đường cho mối hợp tác lâu dài của 2 bên, đặc biệt là qua “quan hệ” đã chiêu mộ được 2 thành viên là kĩ sư Steve Boulanger và George Blanda để bước đầu phát triển Custom Shop.
“Với sức mạnh công nghệ từ khả năng tin học của Boulanger, khả năng sản xuất của R&D và tay nghề đỉnh cao của Custom Shop, Fender đang tiến tới tương lai nhanh như một viên đạn” Chính Fender nhận xét như vậy.

John Page hồi tưởng “Dù ở chung một mái nhà Fender, nhưng chúng tôi biết mình đang làm điều khác biệt. Chúng tôi tự vác những khối gỗ thô về xưởng nhỏ của mình, tự làm ra những body và cần đần đầu tiên. Tự tay sơn và đánh bóng, căn chỉnh, thậm chí chúng tôi còn tự quấn pickup hay may strap, tất cả mọi việc đều tự làm để đảm bảo mọi thứ phải thật hoàn hảo!”.

Tiếng lành đồn xa, lần đầu tiên Fender có một bộ phận tiếp nhận những ý tưởng mới mẻ, cộng với việc từng cây đàn đều được gia công thủ công vô cùng tỉ mỉ tới từng chi tiết. Custom Shop nhanh chóng đã có cho mình thêm nhiều đơn đặt hàng và nhận về những phản hồi tích cực. Dưới đây là 2 trang tư liệu quý hiếm: Custom Shop Log – 26 đơn hàng đầu tiên của Fender Custom Shop.


Quy tụ nhân tài
Như chúng tôi đã kể ở trên: Fender Custom Shop thành công rực rỡ. Vậy nên dần dà chỉ có Michael và John thì không thể đáp ứng được núi đơn đặt hàng chất đống. Luthier đầu tiên gia nhập với họ là Richard Syarto, nhưng ông chỉ chung tay tới tháng 4 năm 1989 trước khi rời Custom Shop vì lí do cá nhân. Nhưng sau đó đội hình Fender Custom Shop nhanh chóng quy tụ được những nhân tài như Art Esparza, Scott Buehl, John English, J.W.Black, Jason Davis, Larry Brooks, Yasuhiko Iwanade, Steve Boulanger, Greg Fessler và Pamelina Hovnatanian.
Sau đó là tới Todd Krause, Mark Kendrick, Mike Ponce, Alan Hamel, George Amicay, Stephen Stern, Gene Baker, Abigail Ybarra, John Cruz và John Suhr, những người được coi là nền móng quan trọng của Fender Custom Shop chúng ta biết ngày nay, thậm chí có những người vẫn gắn bó với công việc của mình. Chính nhờ tổ hợp những nhân tài tinh túy nhất của làng guitar thế giới này mà gần như không thể xác định chính xác được số lượng những cây đàn đã được Fender Custom Shop tạo ra kể từ 1987. Nhiều người trong số họ giờ còn sở hữu công ty guitar custom của mình như Suhr hay Mark Kendrick Design chẳng hạn, là chúng ta đủ biết độ “khủng” của Fender Custom Shop rồi phải không.
Những kẻ tiên phong
Giai đoạn đầu, Fender Custom Shop rất thiếu thốn về cả thiết bị cũng như nguyên liệu, nên đôi khi họ phải “vay mượn” từ nhà máy mẹ Fender. Nhiều công đoạn được hoàn thành tại Custom Shop, nhưng có những bước phải dùng máy cỡ lớn thì họ lại phải mang cây đàn về nhà máy Fender, rất tốn thời gian. Nhất là phần sơn, trước khi Custom Shop có xưởng sơn của riêng mình thì gần như toàn bộ những cây đàn của họ đều được sơn bằng máy sơn của Fender.

“Chúng tôi không ngần ngại nhìn về những năm tháng khó khăn ấy, dù giờ có thành công tới mấy thì chúng tôi vẫn là một phần không thể tách rời của Fender mà. Chúng tôi và đội ngũ Factory rất thân thiết, họ giúp đỡ chúng tôi rất nhiều” J.W Black hồi tưởng “Nhưng dần dà đội Custom Shop cũng ‘chảnh’ lên nhiều lắm, đầu tiên là chúng tôi đòi quyền kiểm soát nhiệt độ phòng 24/24, rồi đòi có kho gỗ riêng cũng như bộ dụng cụ đặc biệt của riêng Custom Shop”.

Bất thành văn, quá trình làm việc chung cũng như chức vụ của John Page đã tạo cơ hội cho Fender Custom Shop được góp phần đảm nhiệm việc nghiên cứu cũng như thử nghiệm của Fender. Họ nghiên cứu những kĩ thuật mới, thử nghiệm những cỗ máy mới trong việc gia công nhạc cụ, thậm chí tạo ra những mẫu đàn mới đầy sáng tạo. Và những kinh nghiệm được đúc kết ở Custom Shop sẽ được xem xét áp dụng trên toàn bộ những cây đàn Fender khác để nâng cao chất lượng của hãng.

Bạn có thể thấy rất nhiều mẫu đàn signature của các artist nổi tiếng chính là phiên bản được tinh giản và sản xuất hàng loạt từ nguyên gốc Custom Shop, hay rất nhiều kĩ thuật sơn như Paisley, Crackle và Relic được áp dụng trên toàn hãng đều từ những nghiên cứu của Custom Shop mà ra.

Chính vì thế hiện tại Fender luôn ưu tiên đội ngũ thiên tài này lên hàng đầu, và các bộ phận khác cũng luôn hỗ trợ Custom Shop hết sức mình nếu họ cần. Michael Stevens đã đúc kết lại toàn bộ sứ mệnh của Fender Custom Shop trong câu “Bảo toàn truyền thống, kiến tạo tương lai”.
Team Built và Master Built – đưa những tác phẩm nghệ thuật ra ánh sáng
Dẫu thành công như vậy, Custom Shop khi ấy vẫn khá “khép kín”, thường họ chỉ nhận đơn đặt hàng của những nghệ sĩ lớn và giới mộ điệu có “quan hệ”. Thậm chí nhiều cây đàn còn chưa từng ra khỏi nhà máy Fender chỉ vì… hay quá, được giữ lại làm tư liệu để nghiên cứu và phát triển toàn bộ dây chuyền của hãng. Giới guitar khắp nước Mỹ cũng như trên thế giới đều rỉ tai nhau về những cây đàn này, thậm chí ở chi nhánh Fender Japan còn “bắt chước” thành lập một đội tên Custom Edition Team.

Bước vào những năm 90, Fender ra một “tối hậu thư” cho Custom Shop rằng phải tìm cách tạo doanh số mạnh mẽ đi vì họ không “viện trợ” được mãi đâu, giai đoạn này cũng rất khó khăn cho Fender khi chi nhánh Nhật Bản của họ đang dần tụt giảm doanh số do thị trường bão hòa.
Vậy nên năm 1992, Custom Shop có bảng giá đầu tiên, thay vì định giá từng cây riêng lẻ trên các yếu tố cấu thành. Mike Lewis, John Page và Mike Eldred phải họp ròng rã trong nhiều ngày để cải tổ lại toàn bộ cơ cấu Custom Shop, sao cho năng suất được cải thiện tối ưu đáp ứng được lượng khách hàng đang chực chờ. Họ đã chia Custom Shop thành 2 nửa: Team Built và Master Built. Từ đây, Fender Custom Shop chính thức phục vụ mọi khách hàng có nhu cầu!

Team Built sẽ được chế tác bởi những luthier trẻ “học việc” dưới sự quản lý của một Master Builder có chuyên môn cao, rồi sẽ được toàn bộ đội ngũ luthier chính của Custom Shop đánh giá tổng thể khi hoàn thiện. Những cây đàn Team Built thường xuất hiện trên trang bìa tạp chí Fender Frontline và catalog hàng năm, với lựa chọn cấu hình giới hạn thay đổi thường niên theo xu hướng của làng guitar thế giới về nguyên liệu, thông số.
Đây cũng chính là những cây đàn đến tay đại đa số khách hàng, với chất lượng gia công cao hơn hẳn những cây đàn trên thị trường. Team Built cũng sản xuất nhiều phiên bản giới hạn, artist edition và càng ngày càng có thêm nhiều lựa chọn. Những luthier ở Team Built sau khi thực sự hoàn thiện kĩ năng của mình sẽ được gia nhập hàng ngũ tinh túy của Fender: Master Build!

Trong khi đó Master Built được họ tự hào giới thiệu là “Đỉnh cao nhất của Fender”. Những cây đàn Master Built độc nhất vô nhị được sinh ra từ sự sáng tạo vô bờ bến của các Master Builder theo yêu cầu của guitarist/dealer, với chất lượng gia công hoàn hảo từ những nguyên liệu hiếm được tuyển chọn gắt gao. Gần như mọi công đoạn đều được chính tay luthier phụ trách thực hiện. Hiện tại chỉ có 11 luthier được nhận danh hiệu “Master Builder” của Fender vẫn đang hoạt động bao gồm: Dale Wilson, Paul Waller, Stephen Stern, Jason Smith, Yuriy Shishkov, Todd Krause, Dennis Galuszka, Greg Fessler, Ron Thorn, Carlos Lopez và Kyle McMillin.
Ngắn gọn: Nếu bạn sở hữu một cây đàn Master Built, bạn đang cầm trên tay tuyệt tác từ những luthier vĩ đại nhất thế giới đương đại!
Đây cũng chính là những cây đàn đại diện Fender ở các triển lãm khắp thế giới, và thuộc tầm “Có tiền chưa chắc đã mua được”. Những cây Master Built có xu hướng tăng giá theo thời gian vì số lượng quá hiếm có cũng như chất lượng của mình. Hàng chờ của Master Built vẫn đang dài dằng dặc và trong đó có rất nhiều ngôi sao hạng A Hollywood!



Và bạn vừa đọc những thông tin cơ bản về Fender Custom Shop, cái tên tiên phong và vĩ đại nhất khi nhắc tới “Custom Guitar”. Bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về những cây đàn kì diệu được họ tạo ra ư? Hãy đón đọc phần tiếp theo trên Whammy News nhé!