More

    Fender Made in Japan: Một thời đại đầy thăng trầm

    Bước vào thập niên 80, Fender phải đối diện với một vấn đề nan giải: Sự trỗi dậy mạnh mẽ của những cây đàn guitar nội địa Nhật Bản. Sự chênh lệch tỉ giá giữa đồng Dollar và Yên Nhật, cùng với chất lượng gia công càng ngày càng tiến bộ của guitar Nhật Bản trở thành một đối thủ đáng gờm. Những cây đàn đó đang nhái cây Stratocaster của Fender một cách trắng trợn, với giá thành rẻ hơn rất nhiều.

    Một trang catalog những cây guitar nội địa, bạn nhận ra hết những dáng đàn trong hình bắt chước theo những cây đàn nào chứ?

    Nhưng chuyện bảo vệ bản quyền xuyên lục địa là một vấn đề nan giải, với hàng núi giấy tờ và thời gian kiện tụng có thể lên tới nhiều năm vô cùng hao tiền tốn của. Vậy nên năm 1982, Bill SchultzRoger Balmer (Giám đốc Marketing và kinh doanh của Fender) đã có một sáng kiến táo bạo: Tại sao không tạo ra những cây Fender thứ thiệt ở chính Nhật Bản để đấu lại với hàng nhái?

    Bill Schultz (trái) đã đưa ra quyết định “cứu cánh” cho Fender.

    Sự ra đời của Fender Japan

    “Không chỉ muốn nâng cao chất lượng và vực dậy hình ảnh của Fender, chúng tôi muốn đặt dấu chấm hết cho những kẻ đạo nhái luôn! Rất nhiều công ty ghen tị với thành công của Fender, như Tokai chẳng hạn, họ còn đe dọa sẽ “chôn sống” Fender và chiếm lấy vị trí của chúng tôi dù chúng tôi có cố gắng thế nào” – Dan Smith, trưởng bộ phận marketing của Fender, chia sẻ.

    Dan Smith (phải) cùng Jeff Beck.

    Sau một cuộc họp với Kojima từ Kanda ShokaiMike Yamano của Yamano Music, Fender Japan co. Ltd. đã chính thức ra mắt tại khách sạn Grand Palace, Tokyo vào ngày 11 tháng 3 năm 1982. Toàn bộ quy trình sản xuất và nguyên liệu theo chuẩn Fender/CBS, và độc quyền phân phối tại Nhật Bản bởi Kanda Shokai. Trong khi đó, Yamano Music sẽ đảm nhiệm việc nhập những cây Fender được sản xuất tại Mỹ về phân phối tại thị trường Nhật Bản. Kanda Shokai cũng có lời đề xuất việc bắt tay với nhà máy Tokai, nhưng Fender không tin tưởng Tokai, vậy nên khâu sản xuất được giao cho nhà máy của FujiGen Gakki ở Matsumoto, cách Tokyo 200km về phía Bắc. FujiGen Gakki vốn đã chuyên làm những cây Greco cho Kanda, cũng như Ibanez Antoria.

    Buổi họp báo ra mắt Fender Japan co. Ltd.

    Sự ra đời của Fender Japan là một thành công lớn cho FMIC, đồng thời làm chấn động tới làng guitar “nhái”. Tới cả Tokai, kẻ thành công nhất trong việc đạo nhái Fender, cũng điêu đứng vì những cây Fender Japan. Nhà báo Paul Colbert nhận xét “Tokai bắt chước cũng chi tiết đấy, nhưng mà cảm giác có được logo Fender trên headstock thích hơn rất nhiều. Tôi không chỉ mua được một cây đàn tốt, tôi còn có được cả giá trị văn hóa và lịch sử đằng sau nó nữa”.

    Poster quảng bá và Catalog của Fender Japan những năm 80.

    Sự phát triển

    Fender nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Ai ai cũng muốn sở hữu cho mình một cây đàn Fender, và nhanh chóng Squier cũng được đưa tới Nhật Bản để đánh chiếm luôn phân khúc thấp nữa.

    Sau năm 1985, Makoto “Nick” Sugimoto đã thành lập Custom Edition Team, được coi là phiên bản Fender Custom Shop của Nhật Bản. Nick là luthier đã có kinh nghiệm 23 năm ở R&D, cũng là kỹ sư dày dặn kinh nghiệm của nhà máy Fujigen. Đội ngũ Custom Edition Team quy tụ những người thợ lành nghề, có quan hệ mật thiết và học hỏi rất nhiều từ Fender USA, họ chuyển sử dụng những nguyên liệu cao cấp và chỉ nhận đơn đặt hàng đặc biệt từ các guitarist danh tiếng.

    Logo trên một cây đàn custom của Custom Edition Team

    Những luthier này sau này đều rất thành công trong ngành nhờ những kinh nghiệm học được từ Fender, Nick cũng sở hữu thương hiệu guitar của riêng mình tên Sugi Guitars trong tương lai, nhưng để câu chuyện đó cho một ngày khác nhé.

    Sang thập niên 90, Fender bắt đầu chuyển việc gia công từ nhà máy Fujigen sang nhà máy Dyna Gakki (nhà máy đang sản xuất đàn Greco), điều này cũng lí giải cho việc đề can trên cây đàn từ “Made in Japan” chuyển thành “Crafted in Japan”. Dấu mốc này cũng hỗ trợ việc xác định danh tính của một cây Fender Japan vintage dễ dàng hơn rất nhiều.

    Lúc đầu, Dyna Gakki không thể đáp ứng được nhu cầu 5000 cây đàn mỗi tháng của Fender, vậy nên Fender USA đành cắn răng cho phép Tokai được sản xuất “hộ” một số lượng cực hạn chế và chỉ cho phép bán ra những cây đàn ấy ở thị trường Nhật Bản. Khi Dyna Gakki đáp ứng được sản lượng yêu cầu, Fender đã chấm dứt mối quan hệ với Tokai, tất cả diễn ra chỉ trong vài tháng ngắn ngủi.

    Đích thân quản lý

    Thị trường dần thay đổi, vị trí của Fender Japan cũng lung lay. Khách hàng có nhiêu lựa chọn hơn, Fender cũng đã sở hữu thêm nhiều nhà máy tại Mỹ và Mexico hơn và có thể sản xuất đàn mọi phân khúc. FMIC quyết định thay đổi nhiều điều khoản trong hợp đồng thỏa thuận vốn đã tồn tại từ năm 1982, với cả Fender Japan và các bên đối tác liên quan.

    K.K Fender PromotionDyna Boeky được thành lập. Kanda Shokai và Yamano vẫn tiếp tục là nhà phân phối của Fender tại thị trường Nhật Bản với những phân khúc riêng. “Sau khi chấm dứt liên doanh với 2 cổ đông nắm giữ hơn 5% cổ phần và các chi nhánh của họ (Kanda Shokai Co., Ltd. và Yamano Music Co., Ltd.), chúng tôi kí kết thỏa thuận phân phối với các đơn vị này”. Thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 31 tháng 12 năm 2012, nhưng sẽ được gia hạn 3 năm mỗi lần với điều kiện “Kanda Shokai nhập đủ số lượng mà FMIC yêu cầu” và “Trừ khi FMIC hoặc Yamano không đáp ứng được một số điều kiện cụ thể.

    Nhưng cuối cùng mối quan hệ 3 bên vẫn chấm dứt và vào tháng 4 năm 2015, Fender chính thức tiếp quản cả việc sản xuất và phân phối cho chính mình tại thị trường Nhật Bản, cùng lúc tung ra dòng Made in Japan Exclusive Series.

    Năm 2017, đích thân master builder Chris Fleming đã được mời tới Nhật Bản để quản lý việc sản xuất những cây Made in Japan Traditional Series kỉ niệm 35 năm thành lập Fender Japan.

    Xuyên suốt lịch sử của những cây Fender Made in Japan đầy những thăng trầm. Những cây đàn Fender với chất lượng gỗ và gia công tốt tới mức trở thành huyền thoại với những người hâm mộ, nhưng cũng không ít người kêu than rằng mức giá quá cao. Họ bị đạo nhái, đánh bại những kẻ đạo nhái, thậm chí có lúc bắt tay với chính những kẻ đạo nhái mình. Không thể phủ nhận thị trường Nhật Bản đã giúp Fender vực dậy trong quãng thời gian CBS gặp khó khăn, khi những nhà máy ở Mỹ không đủ lực để đáp ứng thị trường toàn thế giới.

    Nhưng tương lai sẽ như thế nào? Thị trường Nhật Bản vẫn luôn tạo ra những cây đàn đáng gờm, và nếu các bạn thường đọc Whammy News sẽ thấy Fender Japan cũng luôn cố gắng không kém để tạo ra những cây đàn độc đáo. Có lẽ được lợi nhất trong những kèo “so găng” này chính là… người chơi đàn như chúng ta, khi luôn có thật nhiều lựa chọn chất lượng, phải không?

    Hama Okamoto cùng cây Fender Japan Signature Katana Bass của mình.

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img