More

    Cher – “Tune Thủ” tình cờ nhờ cơn cáu giận?

    Nguời người tin dùng Auto-Tune! Nhà nhà cùng nhau Auto-Tune! Auto-Tune đã trở thành một trong những công nghệ được sử dụng phổ biến nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc! Thế nhưng bạn có biết rằng “Tune Thủ” đầu tiên, một trong những người có công lớn nhất khiến Auto-Tune trở nên nổi tiếng như ngày hôm nay lại chính là “Nữ thần nhạc Pop” Cher không?

    Cha đẻ của Auto-Tune

    Có lẽ rất khó tin, nhưng cha đẻ của Auto-Tune là một… công nhân dầu mỏ, giáo sư Andy Hindebrande. Ông đã cống hiến hơn nửa đời người cho công việc liên quan đến dầu mỏ, sáng chế ra cách tự động ghi lại dữ liệu rung chấn của đất. Ông Hindebrande đã tìm ra thuật toán sử dụng sóng địa chấn để tái tạo chi tiết bản đồ lòng đất, giúp các công ty khoan dầu tìm ra được vị trí khoan tiềm năng.

    Và rồi ông đã ứng dụng kinh nghiệm nhiều năm làm việc với sóng âm của mình để tạo ra một công cụ chỉnh sửa âm thanh nhỏ giúp… “crush” của mình hát êm tai hơn. Dần dần, ông nhận thấy tiềm năng của phát minh này, và đã bắt đầu lưu truyền “nội bộ” công nghệ cho giới sản xuất âm nhạc năm 1996, cho tới khi Auto-Tune tới tai của công ty Antares Audio Technologies.

    Dù được nhắc tới một cách đầy tai tiếng mỗi khi có những cuộc tranh luận về chủ đề ca hát nổ ra, nhưng với nhiều người khái niệm Auto-Tune còn rất mù mờ. Nhiều người tin rằng đây là một phần mềm kì diệu của kỉ nguyên công nghệ, nơi mà chỉ cần hú hét vô nghĩa vào microphone và máy tính sẽ biến những âm thanh ấy thành một bản thu trong vắt, cao vút ngọt ngào. Chà… nếu đơn giản được như vậy thì tốt biết mấy, Auto-Tune thật ra không hề quyền năng như vậy đâu!

    “Giải ngố” về Auto-Tune

    Như các bạn đã biết, việc kiểm soát cao độ giọng chính xác một cách tuyệt đối xuyên suốt cả 1 ca khúc là rất khó khăn. Không chỉ với những người hát ca nghiệp dư tại nhà như chúng tôi, mà đối với cả ca sĩ chuyên nghiệp trong phòng thu luôn. Có những lúc tưởng chừng đã hát quá chuẩn rồi, ấy thế mà sau khi nghe và đo đạc cẩn thận lại vẫn cao/thấp dù chỉ 1 tí xíu, và toàn bộ công cuộc thu âm lại phải bắt đầu lại từ đầu.

    Dùng tấm hình này vì nó hài hước thôi chứ chúng tôi thích giọng ca của John Mayer lắm!

    Chính vì vậy Antares Audio Technologies đã hoàn thiện và cho ra mắt rộng rãi bộ xử lý Auto-Tune vào cuối năm năm 1997. Auto-Tune đã chứng tỏ mình là cứu cánh đắc lực cho các producer trong công cuộc xử lý hậu kỳ các bản thu.

    Antares Audio Auto-Tune dạng rack (giữa).

    Vậy Auto-Tune có chức năng gì? Auto-Tune sẽ đo đạc cao độ của âm thanh đầu vào và thay đổi chúng sao cho chính xác với thang âm nhất. Việc này đảm bảo cao độ của các nốt nhạc đều hài hoà, và đôi lúc “cứu” một bàn thua trông thấy những pha chênh cao độ có thể nghe thấy một cách lộ liễu. Auto-Tune mang lại sự đồng điệu về quãng nốt cho toàn bộ tổng thể bản thu đầu ra.

    Auto-Tune dạng plugin cho các phần mềm thu âm và chỉnh sửa.

    Nhưng mục tiêu ban đầu của Auto-Tune lại là… sửa sai cao độ một cách kín đáo nhất! Các nốt nhạc sẽ được chừa cho một khoảng thời gian để “lên tông”, sao cho cao độ thay đổi thật tự nhiên như ca sĩ đang thật sự “vận nội công” để vang lên những nốt nhạc thánh thót lòng người. Vậy cớ sao thứ Auto-Tune bây giờ chúng ta hay nghe lại phi tự nhiên tới vậy?

    Cú ép doanh số đáng bực mình

    Ngay từ những buổi thu âm đầu tiên của “Believe“, Cher đã không thể kiềm chế nỗi bức xúc của mình. Cher không muốn làm một album “nhạc nhảy” mang âm hưởng electronic tẹo nào, mà bà muốn tạo ra “âm nhạc thực thụ” theo hướng pop rock như bà vẫn luôn theo đuổi cơ!

    Nhưng bà không có quyền lựa chọn. Hãng thu âm rất thất vọng vì doanh số album trước đó của Cher – “It’s a Man’s World” thấp không thể tưởng tượng được, và kiên quyết bắt bà phải hát nhạc Dance theo xu hướng thị trường để gỡ gạc lại. “Nhạc nhảy cũng là âm nhạc thực thụ mà” họ cố gắng trấn an bà.

    Bản demo của ca khúc được chắp bút bởi Brian Higgins, Matthew Gray, Stuart McLennerTimothy Powell mất hàng tháng trời chỉnh sửa phần lời tại trụ sở của Warner Records. Họ còn lo lắng hơn cả Cher chứ, dễ gì tạo ra một ca khúc thay đổi hoàn toàn phong cách của Cher mà không làm những fan hâm mộ nổi giận? Thậm chí họ còn phải gọi thêm 2 tay bút nữa là Steve TorchPaul Barry mới tạo ra được một bản mà Cher “tạm ưng”.

    Dẫu không được tính là tác giả phần lời, Cher cũng lao đao chẳng kém các tác giả trên là bao. “Tôi nghiền ngẫm về ca khúc ấy mọi lúc, kể cả khi đi tắm. Phần đầu thì tạm được, nhưng verse thứ 2 cứ sến sẩm sao ấy, bực ghê, vậy nên tôi phải sửa đi sửa lại cho thêm phần mạnh mẽ. Câu ‘I’ve had time to think it through, and maybe I’m too good for you‘ được tôi viết ra trong tình trạng ‘trần như nhộng’ đúng nghĩa đen khi đang ngâm mình trong bồn tắm đó, muốn đi tắm cũng không yên nữa” bà hồi tưởng.

    Giọt nước tràn ly

    Vất vả mãi mới hoàn thành xong phần lời! Thế nhưng quá trình thu âm ca khúc còn mệt mỏi hơn. 1 lần, 2 lần, rồi 3 lần… cứ thế, cho tới lúc Cher thực sự tức giận. Bà quá mệt mỏi khi phải thổi hồn cho một ca khúc “không có tí sức sống” rồi. Cher đẩy cửa studio và bỏ dở buổi thu âm trong ánh mắt ngơ ngác của đội ngũ sản xuất.

    Mệt mỏi lắm chứ, sao cứ bắt người ta làm việc người ta không thích vậy?

    Bị bỏ lại một mình trong studio với những bản thu chắp vá ‘đầu thừa đuôi thẹo’, producer Mark Taylor cũng chán nản không kém, nhất là khi đây cũng là một trong những album đầu tiên ông trực tiếp sản xuất. Với phần mềm Cubase trên chiếc Mac G3 của mình, Mark quyết định vọc vạch thử với phần mềm mình mới tải được – Auto-Tune – xem sao.

    Ở giai đoạn hoàng kim của Cher, có lẽ việc chỉnh sửa bóp méo giọng ca vàng của bà sẽ được coi là “tội ác tày trời” trong ngành âm nhạc. Thế nhưng may mắn thay, chính vì việc chỉ có những đoạn thu âm ngắn cũn cỡn, Mark Taylor đã khám phá ra một “lỗi”, hay phải gọi là tính năng diệu kỳ của Auto-Tune nhỉ?

    Ông phát hiện khi đặt “Speed” ở mức 0, quá trình thay đổi cao độ của các nốt nhạc sẽ mất đi độ tự nhiên. Cũng phải thôi, con nguời làm sao lên nốt cao nhanh như máy móc được, vậy nên giọng hát sẽ bị bóp méo nghe gần giống như robot vậy!

    Mark thử kết hợp thêm với bản thu trước đó của Cher từ Korg VC10 Digitech Talker để tạo hiệu ứng vocoder khiến giọng của Cher nghe như phát ra từ điện thoại nữa. Cher có ý tưởng này sau khi nghe được một ca khúc của Andrew Roachford trên TV. Càng nghịch càng hăng, cuối cùng Mark có cho mình một bản mix khá thú vị.

    Thành công ập đến bất ngờ

    Sau một đêm dài cặm cụi trọng studio, Mark khoái chí với bản mix lắm và đột nhiên nghĩ tới việc “Hay là mình đem cho Cher nghe nhỉ?”. Chính Mark Taylor cũng thừa nhận, ông khá ‘run’ khi Cher đồng ý ngồi lại nghe xem ông làm được gì. “Rõ ràng những gì tôi làm là bóp méo vặn vẹo giọng ca vàng của cô ấy, nên tôi rất lo sợ về phản ứng của Cher khi nghe được” ông hồi tưởng “Nhưng cá nhân tôi thấy bản mix dày đặc hiệu ứng này rất thú vị, và đó là ca khúc của cô ấy mà, chí ít tôi cũng phải cho cô ấy nghe thử chứ”.

    “Nghe rất được đấy” Cher đáp trong sự ngỡ ngàng của Mark Taylor. Ngay sau đó ông cảm thấy cảm giác hân hoan phấn chấn ngập tràn “Tôi không rõ là cô ấy thích bản mix đó thật hay đáp lấy lệ cho tôi vui để… không phải thu lại nữa. Nhưng việc nhận được lời khen từ Cher là điều làm tôi vô cùng tự hào”.

    Niềm vui nhân đôi cho Mark khi ca khúc qua được một trong những cửa ải khó khăn nhất – giám đốc âm nhạc Rob Dickins nữa. Bản mix được thông qua gần như toàn bộ, chỉ có 1 xíu thay đổi rất nhỏ về âm lượng giữa các cây cũng như master lại kĩ càng và ngay lập tức được phê duyệt tung ra thị trường.

    Ngay khi tung ra để mở đường cho album cùng tên, ca khúc đã khiến khán giả phát cuồng. Không chỉ những người hâm mộ ngạc nhiên vì chất liệu âm nhạc mới hoàn toàn của Cher, mà những người chưa từng nghe Cher cũng mê như điếu đổ những hiệu ứng âm thanh chưa từng được nghe trước đây. Tới mức hiệu ứng Auto-Tune được lan truyền rộng khắp với biệt danh “Cher Effect“!

    “Believe” trở thành một hit toàn châu Âu vào cuối năm 1998, quán quân 7 tuần trên bảng xếp hạng Anh Quốc và cũng trở thành đĩa đơn của nghệ sĩ nữ bán chạy nhất nước Anh với 1,8 triệu bản. Believe đến nước Mỹ vào tháng 12 năm đó và trở thành quán quân Billboard vào tháng 3 năm sau. Believe trở thành một trong những album thành công nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Cher, với doanh số tiêu thụ trên toàn cầu được ước tính là 10 triệu bản. Chẳng ai ngờ rằng đã có lúc Cher còn… bỏ phòng thu vì ghét nó quá!

    Cho tới hiện tại


    Nhờ thành công của Believe, Auto-Tune đã trở nên phổ biến khắp thế giới. Không chỉ với những ca sĩ muốn tạo ra hiệu ứng đặc biệt như bà, mà với cả những người muốn làm nhạc một cách kĩ càng nhất nữa! Từ dùng để chỉnh sửa khuyết điểm, cho tới dùng như một công cụ sáng tạo âm nhạc, một nhạc cụ hoàn toàn mới. Auto-Tune liên tục được phát triển và gần như có mặt trong mọi ngóc ngách của ngành công nghiệp âm nhạc!

    Việc các ca sỹ dù cho nổi tiếng vẫn dùng Auto-Tune hỗ trợ không có gì là sai trái cả, giống như việc siêu mẫu chụp ảnh những vẫn cần những phần mềm chỉnh sửa ảnh như Photoshop để sửa những nhược điểm không đáng có mà thôi đúng không? Thậm chí rapper T-Pain còn yêu hiệu ứng này tới mức nhắc tới anh là nhắc tới Auto-Tune mà nhỉ!

    “Ông hoàng đóng Tune” T-Pain

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img