Inlay hình những chú chim có lẽ là hình ảnh mang tính thương hiệu nhất khi nhắc tới PRS Guitars. Nhưng bạn đã biết câu chuyện đằng sau những cánh chim đã gắn liền với họ gần 4 thập kỉ chưa?

Tuổi thơ phong phú
“Mẹ tôi có đam mê mãnh liệt với việc ngắm nhìn và nghiên cứu những loài chim” – Paul Reed Smith, nhà sáng lập của PRS Guitars chia sẻ.
“Khi tôi còn nhỏ, mẹ thường đưa tôi và các em đi ngắm chim ở Smithsonian, Washington” ông hồi tưởng “Khi ấy, viện Smithsonian còn cho bạn mượn những bản thu tiếng chim như mượn sách từ thư viện vậy. Chúng tôi đã dành nhiều giờ liền chìm đắm trong tiếng hót của hàng trăm loài chim khác nhau. Buổi tối nhà tôi còn mở tung cửa sổ để lắng nghe tiếng hót của những loài chim sống về đêm nữa cơ”.

“Mẹ tôi am hiểu về các loài chim lắm. Bà là người đã truyền lửa đam mê cho chúng tôi” Paul Reed Smith chia sẻ “Từng có lần bà mới chỉ nhìn lướt qua vài con sáo ở sân sau nhà và đã vô cùng lo lắng ‘Trời ơi phiền phức rồi, chúng là chim do thám‘. Tôi vô cùng ngạc nhiên và hỏi mẹ vậy thì sao, mẹ đáp rằng ‘Chúng là những con chim mở đường tìm nơi cư trú cho cả đàn đó con“.

“Đúng như mẹ nói, chỉ vài ngày sau, hàng trăm con sáo đã kéo về sân sau nhà tôi. Chúng đã ‘khủng bố’ hết các loài chim khác và ăn sạch sẽ mọi thứ ăn được. Mẹ tôi không ưa loài này, bà gọi chúng là những con ‘chuột bay’. Ôi những ngày ấy thật ồn ào khi chúng liên tục đánh nhau với những con Hồng tước và Sơn ca”.
Những cách chim đầu tiên
Cây đàn đầu tiên với inlay hình những chú chim được Paul Reed Smith làm cho Peter Framton (Humble Pie) năm 1976. Khi ấy Paul chỉ mới 20 tuổi, trước khi ông thành lập hãng đàn riêng tới gần cả thập kỷ. Khi suy nghĩ về một kiểu dáng inlay thật độc lạ, ông đã quyết định xuống phố mua một cuốn sách về các loài chim và nghiền ngẫm chọn ra những loài phù hợp nhất.

Từng chú chim xà cừ được ông cưa một cách tỉ mỉ ra từ… phím đàn piano cũ. Ngay sau đó ông thấy đây là một ý tưởng rất thú vị và đã đăng ký bản quyền. Giấy tờ bản quyền gốc hiện vẫn đang được lưu giữ trong một chiếc két chống cháy tại văn phòng PRS.


Quá trình cưa những chú chim được làm hoàn thủ công, và rất vất vả khi chỉ cần sai một ly là coi như bỏ. Paul Reed Smith đã nhờ vài người bạn của mình vẽ lại bóng hình của các loài chim ra giấy để quan sát và chỉnh sửa liên tục.
Các loài chim được xuất hiện trên inlay những cây PRS bao gồm:
- Chim Cắt lớn (Peregrine falcon) ở khoang 3
- Chim Diều hen (Marsh Hawk) ở khoang 5
- Chim Ruồi họng đỏ (Ruby Throated Hummingbird) ở khoang 7
- Chim Nhàn (Common Tern) ở khoang 9
- Diều Hâu Cooper (Coopers Hawk) ở khoang 12
- Chim Diều (Kite) ở khoang 15
- Chim Sẻ (Sparrow) ở khoang 17
- Chim Hải yến (Storm Petrel) ở khoang 19
- Đại Bàng (Hawk) ở khoang 21
- Cú (Owl – chỉ có mặt trên những cây đàn 24 phím) ở khoang 24

“Tôi thấy inlay khoang 15, 17 và 21 là làm khổ nhất, cứ phải kiểm tra lại liên tục. Còn khoang 24 thì khỏi phải nói, ai cũng hỏi ‘Đây là con rùa bay à?’. Rõ ràng là con cú đang đậu trên cành mà!” Paul Reed Smith khổ sở bộc bạch.

Trở thành kinh điển
“Thú thực tôi chưa từng nghĩ đến việc kiểu inlay này sẽ trở nên nổi tiếng đến thế” Paul Reed Smith nhớ lại thời gian khi ông thành lập hãng đàn của riêng mình “Năm 1985 chúng tôi có 2 kiểu inlay khi mới thành lập là hình mặt trăng và hình những cánh chim. Tôi nghĩ nếu may mắn có được 25% đơn đặt hàng chọn inlay hình chim là khủng lắm rồi, ai ngờ con số thật lớn hơn rất nhiều”.

“Mãi về sau tôi mới ngộ ra, những loài chim có ở khắp mọi nơi, sân nhà ai cũng đã có bóng chim đậu. Có điều gì đó thật sự ma thuật ở loài vật duyên dáng tung cánh bay lượn trên bầu trời bao la này. Tôi thấy rất biết ơn khi cả thế giới yêu quý chúng”.
Theo như bộ phận quản lý mạng xã hội của PRS Guitars chia sẻ: Mỗi khi Paul Reed Smith gặp một khách hàng có hình xăm những cánh chim cách điệu của PRS trên người, ông đều mừng quýnh lên tự tay chụp lại ảnh và yêu cầu họ đăng lên mạng.

Qua năm tháng, đã có nhiều phiên bản tinh chỉnh hoặc phá cách ra đời từ PRS Guitars, nhưng họ luôn lấy thiết kế đầu tiên của Paul làm chuẩn. Bạn đang sở hữu một cây PRS chứ? Nếu chưa thì chần chừ gì mà không gia nhập đội quân “người chơi hệ chim” nhỉ?
