Có lẽ những ai thường xuyên tham gia vào hoạt động của cộng đồng Indie tại Hà Nội sẽ không còn xa lạ với anh chàng Vi Quang Diệu (Vidaihiep) qua các sáng tác như “Chuyện Lảm Nhảm Ban Đêm”, “Mùa Hè Cuối”, “Cô Đơn Thì Làm Xao”,… Không chỉ chuyên tâm sáng tác và biểu diễn, Vi Quang Diệu còn có một niềm say mê lớn hơn cả dành cho Guitar và những thiết bị âm thanh.

Với Vidaihiep, thú chơi Guitar này nhiều khi khó diễn tả bằng lời, nhưng ai mà đã chơi vào rồi thì rất dễ “nghiện”. Những người “nghiện” lâu năm như anh lại càng muốn kết nạp thêm nhiều thành viên mới cùng gia nhập, cũng chỉ vì một lí do đơn giản là “càng đông càng vui”. Cũng theo Vi Quang Diệu, thời điểm hiện tại đang là “thời đại vàng của dân chơi gears”, bởi lẽ túi tiền của người chơi Việt Nam ngày rủng rỉnh, việc mua bán những thiết bị từ các hãng sản xuất danh tiếng trên thế giới cùng ngày càng dễ dàng hơn, mở ra cơ hội cho rất nhiều người chơi mới.
Nhưng không phải cứ có tiền và có đam mê là đủ điều kiện tham gia vào cuộc chơi không những tốn kém mà còn cần rất nhiều kiến thức như Guitar Gears, những người chơi mới nếu không được hưỡng dẫn kĩ càng rất dễ “lạc đường” trong giai đoạn “nhập môn” này. Vậy là một kênh Youtube với những nội dung chất lượng mang tên TuneOMatic đã được ra đời, như một cây cầu nối giúp anh chàng Vidaihiep chia sẻ những hiểu biết của mình đến những thành viên trong cộng đồng người chơi Guitar Điện tại Việt Nam. Đây cũng là nơi để anh truyền bá một sở thích đặc biệt của mình, đó là thú chơi các thiết bị Stompbox – “nhỏ nhưng có võ”.
Hãy cùng Whammy News trò chuyện cùng Vidaihiep để hiểu rõ hơn về niềm đam mê Guitar Gears của chàng trai này cũng như lắng nghe một vài lời khuyên của anh dành cho những người đang bước những bước chân đầu tiên trong hành trình tìm kiếm niềm vui từ những cây đàn Guitar hay những món đồ âm thanh tại Việt Nam nhé!
Từ lúc nào mà bạn bắt đầu nhen nhóm ý tưởng thành lập kênh Youtube của mình và làm thế nào để hiện thực hóa điều đó?
VDH: Mình cũng đã áp ủ ý tưởng này cũng phải 3-4 năm rồi. Gần như tất cả những người chơi guitar thì đều tìm hiểu mọi thứ từ những kênh Youtube của các thương hiệu quốc tế như Reverb, Andertons hay Pro Guitar Shop Demos,… Tại Việt Nam thì gần như không có ai làm những điều như vậy, trong khi không phải người chơi nào cũng biết tiếng Anh để hiểu hết được những video từ nước ngoài. Sau nhiều năm chuẩn bị thì đầu năm nay, mình đã quyết định sẽ tập trung toàn bộ thời gian cho công việc này, để xây dựng một kênh Youtube của riêng mình, tinh thần là mình có trong tay những sản phẩm gì thì sẽ “demo” để cho anh em cùng trải nghiệm, sau đó mới đến những kiến thức chuyên môn, cách sử dụng các thiết bị,… Và từ đó thì TuneOMatic được ra đời.

Để dành toàn bộ tâm huyết cho TuneOMatic, bạn đã quyết định từ bỏ công việc tại một tòa soạn lớn tại Hà Nội, điều gì đã thôi thúc bạn lựa chọn như vậy?
VDH: Trước hết thì đối với một người thích bay nhảy như mình, công việc văn phòng nó khá là bí bách. Còn chủ yếu là mình muốn dành toàn bộ tâm huyết cho dự án này, bởi đam mê với các thiết bị này nó đã theo mình từ rất lâu rồi và cũng muốn được lan tỏa niềm đam mê này đến với mọi người. Người chơi tại Việt Nam thì máu chơi không kém gì nước ngoài, nhưng mọi người chưa chú ý đến việc xây dựng những “digital content” về thiết bị, vì thế mà mình càng mong muốn sẽ tạo ra một cái “trend” để thay đổi suy nghĩ của mọi người theo hướng tích cực hơn.

Vậy TuneOMatic đang phát triển những nội dung gì dành cho người chơi Guitar Gears?
VDH: Hiện tại thì nội dung cho kênh đang đến từ sở thích của mình là chính. Đó là những món đồ nho nhỏ kiểu mini pedal hoặc những accessories hay ho. Những thiết bị này thì khá hợp với túi tiền của đa số người chơi nước mình, vì cũng khá nhiều bạn còn đang đi học, hay kể cả những người chơi lâu rồi cũng không phải ai cũng có khả năng tài chính mạnh để đầu tư nhiều cho những thiết bị này. Mình cũng đang chia sẻ cho các bạn những kiến thức chuyên môn từ các khái niệm cơ bản nhất, các “tips & tricks” trong việc sử dụng thiết bị, cho đến cách dựng những dàn phơ theo từng tiêu chuẩn riêng, như trong tầm giá khoảng vài triệu đồng, hay là các dàn phơ nhỏ gọn dành cho những bạn phải di chuyển nhiều.
Bạn có thể chia sẻ thêm về thú chơi những thiết bị “mini” của mình?
VDH: Thật ra thì người chơi bao giờ cũng chia thành 2 phe, một phe thì ưa chuộng những thiết bị Multi Effect, như Line 6, Zoom hay Kemper, Helix,… phe còn lại thì là những người có cùng sở thích với mình, họ ưa chuộng các món đồ analog theo kiểu Stompbox tí hon như thế này. Lí do mà mình cũng như nhiều người yêu thích những món đồ “nhỏ tí” như thế này cũng xuất phát từ đặc điểm của đa phần người chơi Việt Nam.
Thứ nhất là mọi người không có quá nhiều tiền như mình đã nói ở trên.
Thứ hai là tại Việt Nam, phương tiện di chuyển chủ yếu là bằng xe máy.
Thứ ba là khi diễn mọi người cũng không có đội ngũ back-line quá hùng hậu, thường ai có đồ gì tự mang của người đó, nên càng phải ưu tiên càng gọn càng tốt.

Những bàn phơ được dựng theo cách của mình thì nó vô cùng nhỏ gọn, lại vẫn đầy đủ các tính năng mà người chơi cần có. Tất nhiên là chất lượng không thể nào vượt trội so với những thiết bị Multi Effect đắt tiền rồi, với những nhu cầu khi đi tập hay đi diễn ở các chương trình nhỏ của đa số người chơi Việt Nam thì nó hoàn toàn đáp ứng được.
Cuộc chơi với những món đồ “nhỏ nhưng có võ” này có gì khiến bạn say mê đến vậy?
VDH: Thực ra cái “thú” này nhiều khi khó diễn tả bằng lời, nhưng ai mà đã chơi vào rồi thì rất dễ nghiện. Nó giống như một trò chơi Lego mà chúng mình vẫn chơi hồi nhỏ vậy. Từng thành phần nhỏ trong một dàn thiết bị của mình sẽ có từ vài trăm cho đến vài nghìn lựa chọn thay thế để cho bạn tùy thích trải nghiệm. Mỗi sự kết hợp khác nhau lại mang đến những hiệu quả âm thanh khác nhau, đó chính là cái vui nhất và dễ nghiện nhất của “thú chơi” đồ analog như thế này. Trong khi nếu bạn chơi những món đồ Multi Effect chẳng hạn, sau một thời gian bạn muốn thay đổi thì chỉ có đâu đó 5 – 10 lựa chọn khác mà thôi.

Gần đây bạn đang tập trung xây dựng những dàn thiết bị với tiêu chí như thế nào?
VDH: Đối với mình việc “build” những bàn thiết bị chỉ để tạo ra “sound” hợp với ý mình nó không còn “vui” nữa rồi. Bây giờ mình đang có một sở thích mang tính thử thách hơn, đó là “build” những bàn phơ theo từng những chủ đề nhất định. Ví dụ như gần đây mình có dựng một bộ thiết bị theo chủ đề “Men In Black”, tất cả mọi thứ đều phải là một màu đen và cùng một form-mini giống nhau. Nói chung các chủ đề có thể dựa theo màu sắc, hay tất cả thiết bị phải cùng đến từ một hãng.


Vậy thì cũng có một cái thử thách luôn cho Vidaihiep, nếu buộc phải sử dụng một bàn phơ chỉ với 3 cục thì anh sẽ lựa chọn như thế nào?
VDH: Cấu hình ưa thích của mình là 01 cục Drive, 01 cục Delay và 01 cục Reverb. Như bộ thiết bị dưới đây, mình hay gọi nó là “BlackPink” vì nó sử dụng đúng 2 màu chủ đạo là Hồng và Đen. Những bộ thiết bị như thế này từ nhu cầu sử dụng, cho đến hình thức, mẫu mã đều thỏa mãn được sở thích và nhu cầu của mình. Nhiều khi đi diễn bây giờ chỉ cần bộ này và một cây đàn là đủ.

Mới đây tạp chí Guitar World có một bài viết nói về hội chứng “Cuồng mua thiết bị” (G.A.S – Gear Acquisition Syndrome), họ giải thích rất nhiều lí do cho việc mọi người không thể ngừng mua sắm thiết bị mới, trong đó có một lí do là bởi mỗi thiết bị mới lại phản ánh sự phát triển trong kĩ năng và phong cách của người chơi, bạn nghĩ thế nào về quan điểm này?
VDH: Quá đúng luôn! Cái này có lẽ chỉ những người chơi guitar thì mới hiểu được, vì mỗi thiết bị nó lại tạo ra những âm thanh khác nhau, thậm chí những thiết bị có cùng công năng nhưng từ các hãng khác nhau cũng tạo ra sự khác biệt. Ngay cả những nghệ sĩ lớn họ cũng tìm kiếm cảm hứng sáng tác từ những thay đổi về mặt thiết bị. Nhiều khi nhờ một cái “Sound” hay mà có thể nghĩ ra cả một bài nhạc mới. Đó cũng là một cách để mọi người tìm kiếm những nguồn cảm hứng mới hay sự sáng tạo trong âm nhạc.
Một cái yếu tố nữa kích thích những người chơi hệ analog như mình mua nhiều đồ có lẽ là vì giá của nó. Những cục phơ nhỏ nhỏ như này nhiều khi chỉ có giá từ vài trăm ngàn. Chính vì nó rẻ như vậy, cho nên mình cảm giác là rất dễ mua. Giống như khi mình mua đồ ở trên Shopee, rõ ràng có những món đồ mình cũng không thực sự cần, nhưng vì tự nhiên nó rẻ so với cái mức thu nhập của mình hàng tháng, cho nên mình cứ mua đại, cho dù thực tế là mình đâu cần. Đó theo mình cũng là một yếu tố tạo nên cơn “nghiện” sắm đồ của người chơi!

Vậy có giới hạn nào cho việc mua sắm, khám phá, tìm tòi những thiết bị mới này?
VDH: Giới hạn chắc chỉ có… tiền thôi. Vì bây giờ thiết bị có quá nhiều, mua cũng chẳng hết được. Đồ giá mấy trăm ngàn cũng có mà thích lên mấy chục triệu cũng có. Tầm khoảng mười mấy năm trước, dân tình chỉ có vài lựa chọn như Boss hay Roland,… Bây giờ thì như nhiều người nói là “thời đại vàng của dân chơi gears” rồi. Chỉ cần tích góp tầm nửa tháng lương thôi là có nguyên cả một bộ chơi thoải mái. Nói chung là phụ thuộc vào ví tiền của mình có bao nhiêu để chi thôi!
Ngoài những điều vô cùng thuận lợi như bạn vừa kể trên, thì liệu có điều gì đang gây khó khăn cho cộng đồng chơi gears tại Việt Nam hiện nay?
VDH: Thực ra ở Việt Nam hiện tại tuy có thể rất dễ mua được thiết bị, nhưng lại rất thiếu các Official Dealer, tức là những nhà phân phối chính thức. Nhiều người chơi họ rất muốn được trải nghiệm thiết bị trực tiếp, thì phải có những nhà phân phối lớn như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của họ. Như mình hay một vài anh em khác thì chỉ thích cái gì là nhập về cho mọi người thử cùng, chứ chưa thể như những nhà phân phối chính thức là có sẵn rất nhiều lựa chọn cho mọi người trải nghiệm.
Một điều nữa là như ở nước ngoài họ có nhiều kênh để cập nhật các kiến thức mới, những thiết bị mới, họ có nhiều những “influencer”, xuất hiện trên Youtube, Instagram, TikTok để phổ biến những trào lưu mới đến các người chơi. Nhưng hiện tại ở Việt Nam thì chưa có nhiều cá nhân hay tổ chức có tầm ảnh hưởng như vậy. Đó cũng chính là động lực để mình thực hiện dự án TuneOMatic này.
Theo bạn, có sai lầm nào mà từ những người mới chơi cho đến những người chơi lâu năm vẫn thường xuyên mắc phải?
VDH: Có một điều, nói là trăn trở thì hơi nhẹ nhưng mà thực ra là mình khá khó chịu… Đó là rất nhiều người dù chưa thực sự trải nghiệm qua quá nhiều thiết bị, nhưng họ lại thường đi khuyên những người mới chơi là phải chơi dòng Digital Multi Effect ngay từ lúc đầu.

Mình cho rằng cuộc chơi thiết bị này cũng giống như chúng ta đi học, bạn phải trải qua từng bước, từ Lớp 1, Lớp 2,… rồi mới đến bậc Trung học. Bằng sự trải nghiệm, bạn nắm rõ từng chức năng, từng núm vặn của thiết bị, rồi bạn lại tiếp tục chuyển sang những món đồ khác và kết hợp nó với nhau. Trong khi việc sử dụng các món đồ Multi Effect lại giống như chúng ta dồn hết chương trình của 5 năm học vào năm Lớp 1. Những người mới họ vừa chưa nắm rõ những khái niệm cơ bản, có thể khả năng tiếng Anh của họ cũng không được tốt nữa thì rất khó để họ sử dụng được những thiết bị như vậy. Nó sẽ dẫn đến hệ quả là những người chơi mới sẽ đi “xin” những preset (thiết lập sẵn) của những người chơi khác để sử dụng. Nhưng họ không hiểu rằng chỉ riêng các thiết bị khác nhau, chưa kể là kĩ thuật chơi khác nhau thì dù bạn có sẵn một “preset” tốt, bạn cũng sẽ không thể nào tạo ra được âm thanh giống như họ được. Và dù có “bắt chước” được đi chăng nữa thì lúc đó bạn lại trở thành bản sao của người khác mà thiếu đi cá tính của mình.
Trong khi những món đồ analog sẽ dạy cho bạn hiểu rõ từng nguyên lý hoạt động, từng chức năng của các thiết bị, từ đó bạn có thể tìm ra âm thanh đại diện cho cá tính của riêng mình. Lúc bấy giờ chuyển sang sử dụng các thiết bị Digital cực kì dễ dàng vì bạn đã làm chủ được thiết bị của mình rồi. Tất nhiên là ai thích chơi như thế nào là quyền của họ, nhưng mà với mình thì cực kì không thích quan điểm đó!

Theo tôi được biết thì bằng một cách tình cơ mà bạn hiện đang ở Sài Gòn, việc trải nghiệm trạng thái giãn cách xã hội ở một thành phố lạ có khiến cuộc sống hằng ngày và các kế hoạch công việc của bạn có bị ảnh hưởng hay không?
VDH: Công việc thì có thể nói là chả ảnh hưởng gì cả vì bây giờ mọi kế hoạch đều… canceled hết rồi. Mình vào Sài Gòn từ khoảng hơn một tháng trước, vì có lời mời tham gia sản xuất âm nhạc cho một chương trình của Đài truyền hình Việt Nam. Cũng đã làm được khoảng nửa chương trình rồi đấy, mà đùng một cái dịch bệnh lại bùng lên, kế hoạch cũng buộc phải hủy bỏ để đảm bảo an toàn cho mọi người. Thực ra công việc bị đình trệ thì ai cũng tiếc, cũng buồn nhưng quan trọng nhất là phải nghĩ đến làm thế nào chống dịch cho nhanh mà thôi.

Thế còn cuộc sống hàng ngày, rồi những vấn đề tâm sinh lý của bạn có bị ảnh hưởng bởi khoảng thời gian này?
VDH: Nói chung là cũng…ảnh hưởng. Được cái là mình ở Hà Nội, cứ vài tháng lại giãn cách một lần nên cũng đã quen rồi. Các bạn ở Sài Gòn thì đây mới là lần thứ 2 mà lại còn rất nghiêm trọng nữa nên sẽ có nhiều khó khăn hơn. Mấy hôm nay, thành phố cũng đang bắt đầu quản lý chặt hơn, gần như là chôn chân trong nhà. Ngay cả đến việc đi mua đồ bây giờ cũng khá là khó vì chính quyền xiết chặt hơn, các cửa hàng phần lớn đều đóng cửa, có một số cái siêu thị lớn thì họ cũng giới hạn người vào, cho nên nhiều khi cũng phải đi từ sáng sớm để mua được đồ.
Nhưng mà nhìn chung là mình đã chuẩn bị tinh thần giãn cách xã hội như thế này đến hết tháng và có thể thậm chí đến tháng sau. Nên giờ lại có cái hay là mình không phải nghĩ gì trong đầu cả, công việc cũng không phải lo nghĩ gì, có thời gian để thư giãn và tập trung vào viết nhạc, làm demo. Cũng một cái may nữa là mình sống cùng với những anh em cũng chơi nhạc nên lại cùng nhau kết hợp, nghĩ ra những cái hay ho để làm!
Ngoài những tâm huyết dành cho TuneOMatic, thì Vidaihiep có đang ấp ủ dự án âm nhạc nào tiếp theo cho riêng mình?
VDH: Từ lúc vào Sài Gòn đến giờ cũng được đôi ba bài mới rồi. *cười* Mình cũng đang cố gắng là ít nhất là trong đợt giãn cách xã hội này sẽ cố gắng thu nốt mấy bài còn lại, ít nhất là cho xong phần demo của album mới. Thực ra bây giờ, để gọi là chính thức hoàn thiện thì mới khoảng 60%, nhưng mà sẽ cố gắng xong khi vẫn đang ở Sài Gòn.
Mong muốn lớn nhất của bạn trong thời điểm này là gì?
VDH: Mong muốn lớn nhất bây giờ chỉ có là Việt Nam mình sẽ chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Chứ bây giờ ai cũng chỉ loanh quanh lo lắng về dịch bệnh, trời đất tăm tối, lòng người thì bất an, ngành giải trí kiệt quệ, chẳng biết làm gì cả. Chỉ hy vọng hết dịch, mọi thứ trở lại bình thường, anh em ra đường nhảy múa, hẹn hò, mở festival, mở lại show diễn nhạc tưng bừng, để bù lại cho quãng thời gian trước!