Ấy là một ngày của 90 năm về trước, khi George Beauchamp phát minh ra cây guitar điện (được thương mại hóa) đầu tiên trên thế giới, cùng chiếc pickup “móng ngựa” đã châm ngòi cho cuộc “cách mạng” của guitar, và từ đó cây đàn guitar bước sang một trang sử mới.

Cây đàn đầu tiên ấy được gọi bằng cái tên thân mật “Frying Pan” theo hình dáng y như một chiếc… chảo rán của mình. Nhưng ma thuật là ở chiếc pick-up “móng ngựa” kia cơ, Frying Pan là nhạc cụ đầu tiên sử dụng những lõi nam châm và cuộn dây đồng để khuếch đại âm thanh, và tất cả những chiếc pick-up từ đó trở đi đều được dựa trên nguyên lý này. Đúng rồi đó, Slash, David Gilmour hay tới cả Misha Mansoor, tất cả những cây đàn của họ đều sử dụng pick-up “hậu duệ” của Frying Pan.


George Beauchamp đã cùng những người bạn của mình ở tổ chức National String Instrument Corporation – Paul Barth và Adolph Rickenbacher – thành lập công ty Ro-Pat-In để bắt đầu đưa phát minh của mình ra thị trường, nhắm vào 2 sản phẩm chính là đàn guitar điện và đàn lap steel. Sau vài lần đổi tên, công ty chính thức hoạt động dưới cái tên Rickenbacker (đúng rồi đó, phiên âm từ cái tên tiếng Thụy Sỹ của Adolph Rickenbacher). Họ bắt đầu sản xuất đại trà cây đàn guitar điện đầu tiên – Electric Spanish.

Làm sao để tiếng đàn trở nên to hơn?
Những năm đầu thế kỉ trước, cây guitar thực sự rất “lép vế” trên những sân khấu lớn và các dàn giao hưởng, thính phòng, khi âm thanh chỉ có thể khuếch đại đến một giới hạn nhất định. Chính vì thế cây guitar thường được sử dụng như nhạc cụ đệm, thay vì có được một đất diễn xứng đáng với tiềm năng của nhạc cụ này.
Nói một cách ngắn gọn, mục đích George mày mò phát minh chính là để “tìm cách làm tiếng đàn trở nên to hơn”. Từ những năm 1920, George và John Dopyera đã tạo ra cây “Guitar cộng hưởng” đầu tiên rồi. Các bạn biết những chiếc máy hát cổ có chiếc loa kèn to bự chứ? Họ đã áp dụng nguyên lý đó vào việc làm đàn, và đó chính là những cây Resonator đầu tiên dưới nhãn hiệu National.
Những cây đàn Resonator này cũng có câu chuyện thú vị của chúng, cùng một cuộc lùm xùm to bự giữa George Beaucham và tập đoàn National-Dobro, nhưng chúng ta sẽ dành câu chuyện này cho một ngày khác nhé.

Cũng từ những chiếc máy hát điện tử, George khám phá ra sự thần kì của cuộn cảm (Cuộn dây cảm biến điện từ, hay gọi là Pick-up coil đó). Ông nhận ra mỗi bên của kim đọc đĩa đều có 2 cuộn cảm, và thử áp dụng lên cây đàn, sử dụng dây đàn thay thế cho cây kim.
Và một lần nữa nhờ những chiếc máy hát, George lại tìm ra cách mới để khuếch đại tiếng đàn, lần này nhờ vào sức mạnh điện tử. Nam châm được tạo thành hình dáng chiếc móng ngựa để bắt tiếng tốt hơn.


Cạnh tranh khốc liệt
Đen đủi thay cho công ty non trẻ khi khởi nghiệp vào đúng giữa cuộc Đại khủng hoảng kinh tế, rất ít người có tiền để mua nhạc cụ, những nhạc sĩ thì… không dám thử nghiệm phát minh quá mới mẻ này. Nhưng không vì vậy mà nhụt chí, Rickenbacker vẫn nghiên cứu là càng ngày càng cố gắng phát triển cây guitar điện của mình.
Chiếc pickup trên những cây Electro Spanish đại trà năm 1933 có 6 lõi, nhưng những lõi này không được làm nhiễm từ, cho tới vài năm sau George mới thay thế bằng những lõi nam châm và nhận ra làm như vậy khiến tín hiệu thu được mạnh hơn rất nhiều. Cây đàn vẫn có thùng khuếch âm để chơi khi không cắm vào amplifier. George Beauchamp liên tục thử nghiệm và cải tiến những mẫu pickup khác nhau, thậm chí dành nhiều tuần chỉ để nghe xem nếu lật ngược nam châm lại thì tiếng đàn có khác nhau nhiều không.

Thế nhưng toàn bộ công sức nghiên cứu của ông bị thị trường tàn khốc cướp mất. Hàng loạt hãng đàn khác đua nhau bắt chước y hệt lại phát minh này cho những cây đàn của mình. Từ Vega tới Gibson, ai cũng nghĩ rằng “Ồ cái này hay đó, mình sẽ làm giống vậy”.
Ơ thế Luật sở hữu trí tuệ đâu? Sao không bảo vệ cho Beauchamp? Đen đủi thay, phát minh của ông mất tới nhiều năm mới được cấp bằng sáng chế, lí do là cục sáng chế không biết nên xếp phát minh này vào loại nào: nhạc cụ hay thiết bị điện tử. Đây là một sáng chế quá mới mẻ, và những đơn xin cấp bằng sáng chế của ông liên tục bị trả về. Mãi cho tới khi Adolph Rickenbacher mời đích thân nhạc sĩ người Hawaii Sol Ho‘opi‘i Hoʻopiʻi Kaʻaiʻai tới tận cục sáng chế để biểu diễn, họ mới chịu đóng dấu cấp bằng cho sáng chế của George.

Beauchamp chính thức nhận bằng sáng chế vào năm 1937. Lúc ấy thì thị trường đã tràn ngập những sản phẩm ăn theo rồi, như chính Gibson với mẫu đàn kinh điển ES-150, đúng rồi đó, chữ ES chính là viết tắt của Electric Spanish.
Những cây Gibson ES-150 được tung ra năm 1936, sản xuất đại trà. Cây Electric Spanish dù ra mắt sớm hơn nhưng quy mô sản xuất nhỏ hơn rất nhiều, thậm chí còn có một cây Electric Spanish cần 17 phím được làm từ năm 1932 cho một khách hàng tên Gage Brewer. Thế nên dù là cha đẻ của guitar điện, George Beauchamp cũng như Rickenbacker lại phải chật vật tìm chỗ đứng cho chính mình trên thị trường.

Vậy Rickenbacker đã giành lại thị trường của mình cũng như trở thành một công ty vĩ đại như hôm nay bằng cách nào? Chúng tôi sẽ kể tiếp trong phần sau nhé!
