Nối tiếp câu chuyện về Ibanez JEM, cây đàn ấy đặc biệt ở phần nào, và đã giúp Ibanez “lật ngược thế cờ” ra sao nhỉ?
Một cây đàn thực sự “Signature”
Cấu hình của một cây JEM thì quá đỗi quen thuộc và đầy rẫy trên khắp internet rồi nên chúng tôi sẽ không đi quá sâu vào vấn đề này. Thậm chí có những thứ vẫn được giữ tới ngày hôm nay như hình dáng của cây đàn những cặp pick-up DiMarzio đấu kiểu 5-way HSH. Nhưng có những điểm gì khiến chúng tôi nhận định JEM là cây đàn đã viết lại khái niệm Signature Guitar?
Đầu tiên là… Monkey Grip, đương nhiên rồi. Thứ đã khiến cho JEM trở nên khác biệt chính là lỗ khoét trên thân để Steve Vai có thể xách cây đàn đầy ngông nghênh không cần case, cũng như giúp tạo nên vô số “vũ đạo” đầy khoa trương của ông trên sân khấu.

Thứ hai là màu sơn có thể phản ứng với đèn huỳnh quang. Ibanez đã vô cùng chiều chuộng Steve Vai khi cây đàn signature đầu tiên đã có tận 3 phối màu khác nhau: Shocking Pink, Loch Ness Green và Desert Sun Yellow. Không chỉ vậy, cây đàn còn có inlay được thiết kế riêng cũng với 3 màu trên. Những màu sắc phát sáng rực rỡ dưới ánh đèn huỳnh quang tím, còn thứ gì có thể Steve Vai hơn thế nhỉ?
Trong ảnh là Mace Bailey, với một bản prototype theo màu LNG, lúc ấy vẫn chưa thể phản ứng với huỳnh quang, vì Ibanez chưa từng áp dụng kĩ thuật sơn ấy bao giờ (và cái Monkey Grip to ngoại cỡ nữa). Hãng đã phải cắn răng nghiên cứu để làm riêng cho Vai những màu sắc “tắc kè hoa” ông ưa thích.

Và thứ ba là những chi tiết kĩ thuật phục vụ riêng cho lối riêng của Steve Vai. Một cây đàn 24 phím không phải là chưa từng có vào năm 1987, nhưng chỉ riêng 4 phím cuối được mài lõm xuống thì là câu chuyện lần đầu tiên thấy. Để gia tăng độ khó, mặt trước mài lõm đã đành, Steve Vai còn đòi mài lõm cả phía sau neck joint để có thể kiểm soát những nốt trên cao một cách chính xác nhất cơ!
Đã khoét thì khoét cho trót, JEM cũng được thừa hưởng phần khoét “Bear Claw” ở khu vực nhún từ cây Charvel Green Meanie, để có thể nhún lên căng hơn nữa. Tổng cộng từ Monkey Grip, Bear Claw cũng như các phím là một lượng gỗ kha khá mất đi rồi đó. Tất cả những khu vực khoét này khiến Ibanez phải tính toán vô cùng chi li cẩn thận để giữ độ sustain cho cây đàn (rút kinh nghiệm từ cú cưa đàn thất bại của Van Halen chăng?).

Năm 1987 không hề thiếu những cây guitar dị hợm, thời đại huy hoàng của các luthier đam mê độ chế và những rock star không muốn “đụng hàng” với ai mà! Nhưng Ibanez đã liều mình đánh cược với cây át chủ bài Steve Vai, biến JEM thành một trong những cây đàn sản xuất hàng loạt được “độ chế” nặng nhất lúc ấy.
Bùng nổ thành công
Tại sao Ibanez phải oằn mình làm xong cây đàn trong 3 tuần? Rich Lasner và Bill Reim đều là những “sói già” trong việc kinh doanh, và họ hiểu rằng kì NAMM (National Association of Music Merchants) mùa hè sắp tới chính là cơ hội để họ vực lại cái tên Ibanez trên thương trường. Chỉ còn hơn 1 tháng là toàn bộ những tay máu mặt nhất giới nhạc cụ sẽ quy tụ về nơi được mệnh danh hội chợ lớn nhất thế giới về nhạc cụ và âm thanh chuyên nghiệp.

Đặc biệt hơn nữa là kì NAMM năm 1987 đánh dấu 30 năm kể từ khi Ibanez làm ra cây đàn điện đầu tiên của mình. Hiếm ai biết được rằng Matsujirou Hoshino khởi đầu Hoshino Gakki là một… tiệm sách ở Nagoya, và bắt đầu bán thêm nhạc cụ vào năm 1908.
Tới 20 năm sau, tức 1928, sau chuyến ghé thăm của cầm thủ Tây Ban Nha Andrés Segovia thì Hoshino mới bắt đầu nhập đàn classic từ Salvador Ibáñez của Valencia. Sau khi xưởng của Salvador Ibáñez bị phá hủy trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, Hoshino mới mua lại thương hiệu và rút gọn lại còn Ibanez, nhưng câu chuyện này sẽ dành cho một ngày khác nhé.

NAMM 1987 tổ chức tại Chicago, kéo dài từ 27 tới hết ngày 30 tháng 6. Gian hàng của Ibanez trở thành một trong những khu vực quy tụ đông người nhất. Ai cũng tò mò rằng Ibanez giấu gì phía sau những tấm màn đen khổng lồ và dàn vệ sĩ cơ bắp mặt lạnh như tiền kia.
Rich Lasner hơi hé tấm màn ra một chút, đủ để nhìn ra ngoài. Giữa hàng trăm gương mặt háo hức kia có cả đội ngũ của Kramer “Chính những kẻ đã thống trị những năm gần đây đó. Họ đứng đó khoanh tay với gương mặt khinh khỉnh chờ đợi một màn ‘diễn hề’ của chúng tôi. Nhưng khi tấm màn đen được thả xuống, để lộ ra gian hàng với tấm poster khổng lồ hình Steve Vai đang chơi cây JEM, toàn bộ khán đài như nổ tung trong tiếng vỗ tay reo hò. Tôi nhìn sang Kramer, họ há hốc mồm kinh ngạc và gần như ngay sau đó quay lưng đầy ngượng ngùng bỏ về gian hàng của mình. TÔI ĐÃ LÀM ĐƯỢC, tôi đã chiến thắng!”. Ngay sau đó Steve Vai đã có một trong những màn biểu diễn kinh điển nhất trong sự nghiệp mình tại gian hàng của Ibanez.
2 phối màu Desert Sun Yellow và Shocking Pink có giá $1,299; trong khi phối màu Loch Ness Green phiên bản giới hạn thì có giá $1,590. Năm 1987, một cây Gibson Les Pau Standard có giá khoảng $1000, trong khi một cây Fender American Standard Stratocaster có giá $650, chứng tỏ Ibanez vô cùng tự tin, hoặc đã đánh cược tất cả vào JEM.

Và họ đã thành công. 777 cây đàn Loch Ness Green đã được bán sạch trong ngày đầu tiên, trong khi 2 phối màu còn lại cũng đạt doanh số khủng kéo dài suốt cả 3 ngày NAMM. “JEM đã đạt thành công ngoài sức tưởng tượng từ ngày đầu tiên”.
Không chỉ có vậy, Ibanez vẫn còn giấu 2 vũ khí bí mật nữa. Đầu tiên chính là cây đàn các bạn đã thấy trong video ở trên: JEM77FP tức Floral Pattern. Lẽ ra FP chỉ được làm riêng cho Steve Vai thôi, như một món quà kỉ niệm. Nick Sugimoto của Fujigen R&D – đối tác quan trọng bậc nhất của Ibanez – trước đó một thời gian đã được cùng Fender tạo ra những cây đàn Paisley Finish phiên bản Reissue, và ông đã áp dụng công nghệ ấy sang cho Ibanez để tạo ra cây FP đầu tiên.

Steve Vai đã cầm cây đàn ấy lên sân khấu NAMM cơ mà! Chỉ thế là đủ để không chỉ người hâm mộ, mà cả những đại lý lớn đều muốn có được cây đàn này. Nhưng để tạo ra một phiên bản sản xuất hàng loạt thì là câu chuyện khác, Ibanez phải phát triển lại kĩ thuật phun keo, cũng như công thức keo thích hợp và finish ngoài chắc chắn để có thể tạo ra hàng ngàn cây đàn có chất lượng giống hệt cây đàn làm riêng cho Steve Vai theo cách công nghiệp nhất. Chính vì vậy nên tới 8 tháng sau NAMM 1987, cây đàn mới được lên kệ.

Và thứ hai chính là… RG550. Bạn không đọc nhầm đâu. Những cây RG sau khi JEM ra đời đều theo tôn chỉ làm sao cho có cấu hình gần với JEM nhất có thể, dĩ nhiên, trừ các đặc tính Signature (Monkey Grip, phím lõm) ra. RG550 là con bài chiến lược hoàn hảo khi đánh thẳng vào thông số, thay vì việc sản xuất ra một phiên bản JEM giá rẻ chỉ ăn theo cái tên lắp toàn những phụ tùng chất lượng thấp.

Và thế là dẫn đầu bởi JEM và theo sau bởi binh đoàn RG hùng hậu, Ibanez vươn lên đỉnh cao của mình vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90. Tại sao chúng tôi nói họ vươn lên tới đỉnh cao ư? Từng ngày phát triển của họ gắn liền với từng ngày đi xuống của chính kẻ đã suýt đè chết họ – “gã khổng lồ” Kramer. Cùng với bước chân tự tin của Ibanez vào thập niên 90, Kramer bị giẫm bẹp và phá sản vào năm 1991.
Vậy trong 34 năm kể từ cây đàn đầu tiên, Ibanez JEM đã thay đổi và phát triển như thế nào? Hãy cùng đón đọc trong bài viết tiếp theo của Whammy News nhé!