More

    Steve Vai và Ibanez: Định nghĩa lại thuật ngữ Signature Guitar – Kỳ 1

    Cuộc họp khẩn

    Đó là năm 1986, Joe Hoshino triệu tập một buổi họp đặc biệt tại đại bản doanh của Ibanez tại Bensalem, Pennsylvania. Yoshiki “Joe” Hoshino là đầu lĩnh do Hoshino USA, hãng mẹ của Ibanez cử tới đại diện cho công ty Nhật Bản này tại Mỹ. Cuộc họp bao gồm những gương mặt có sức ảnh hưởng nhất của hãng như Mitsuaki “Mike” Shamada, Rich Lasner Bill Reim, những người có quyền năng chi phối toàn bộ Ibanez.

    Hoshino Gakki sở hữu 2 cái tên siêu quen thuộc là Ibanez và TAMA.

    Ibanez đang gặp vấn đề, đương nhiên rồi, không thì tại sao phải triệu tập một cuộc họp khẩn như vậy chứ? Năm 1986, cả thế giới đang “điên cuồng” hâm mộ dáng đàn Superstrat, và Kramer đang dẫn đầu cuộc chơi với tài năng của Eddie Van Halen. Ibanez cũng muốn tham gia cuộc chơi Superstrat lắm chứ! Nhưng trái lại với những gì bạn nghĩ, khi hiện tại Ibanez đang là hãng đàn với dòng Superstrat làm chủ lực, thì khởi đầu lại không hề suôn sẻ chút nào. Những cây đàn đầu tiên có doanh số thảm hại, dù được những nghệ sĩ không hề tầm thường hết lòng PR như Bob Weir, Steve Lukather, Allan Holdsworth.v.v.

    Steve Lukather mang cơn mưa tới Châu Phi cằn cỗi, nhưng không tưới cho doanh số của Ibanez lớn lên được…

    Rõ ràng lúc ấy việc lôi kéo Eddie Van Halen từ bàn tay của Kramer là không thể, Eddie đang một tay “cân kèo” gánh cả Kramer trên vai lên vị trí hãng guitar số 1 thế giới 2 năm liên tiếp cơ mà. Joe Hoshino tuyên bố rằng Ibanez cần một Eddie Van Halen của riêng mình! Ông đặt ra câu hỏi “Liệu có tay chơi đàn nào ngoài kia muốn làm việc với mình, đại diện cho Ibanez và… kéo doanh số thảm hại này lên không?”. Bằng một cách tình cờ nào đó, tất cả những câu trả lời đều na ná nhau. Đúng rồi đó, họ đều nhắc tới cái tên “Steve Vai“.

    Thật ra Eddie Van Halen cũng chơi một cây Ibanez mà…

    Chính Joe Hoshino cũng ngạc nhiên khi câu trả lời lại đồng nhất như vậy. Ông đập bàn bảo rằng vậy thì ra ngoài kia nói chuyện với gã Steve này đi, và làm gì thì làm hãy lôi bằng được gã vào Ibanez.

    Cũng là năm 1986 ấy, Steve Vai xuất hiện trên cảnh phim kinh điển Crossroads với một cây… Charvel.

    Nhiệm vụ khó nhằn

    Steve Vai những năm 80 có tiền đồ vô cùng rộng mở. Lối chơi đàn picking nhanh như vũ bão, sử dụng cần nhún như một chiếc đũa thần đầy ma thuật, những câu tapping ảo diệu và đương nhiên là phong thái của một rock star đầy năng lượng của Steve Vai là tất cả những gì thời đại ấy cần. Khi mới 20 tuổi, ông đã được đánh trong đội ngũ “hàng tuyển” đi tour của Frank Zappa, thậm chí album đầu tay Flex-Able của Steve Vai ra mắt cùng năm ông thay thế cho Yngwie Malmsteen trong đội hình Alcatrazz (1984).

    Cuối năm 1985, Steve Vai còn chơi cùng chính ca sĩ của Van Halen – David Lee Roth – trong The David Lee Roth band với một đội ngũ toàn siêu sao như Billy SheehanGregg Bissonette. Bản thân Frank Zappa dưới cương vị một “lão đại” trong ngành cũng úp mở rằng Steve Vai lúc ấy đã đánh chẳng thua kém gì Eddie Van Halen, thậm chí có phần nhỉnh hơn.

    Và trên hết, Steve Vai là một fan cứng của Charvel, thậm chí cây đàn chính của Steve Vai là một cây Charvel ông mượn của Groover Jackson để đi đánh tour cùng Alcatrazz (và không bao giờ trả lại, hay lắm siêu sao ạ). Các bạn biết đó là cây đàn nào mà, nhưng hãy để dành câu chuyện cho một ngày khác nhé. Quay lại chủ đề chính, với những thành công lúc ấy, Steve Vai hoàn toàn có thể đầu quân cho Kramer hoặc Charvel, những cái tên đang đứng đầu thời điểm đó.

    Thuyết phục siêu sao

    Rich Lasner của Ibanez quyết định mang một cây đàn tới buổi biểu diễn của Steve Vai tại Buffalo, New York cuối tháng 9 năm 1986. Đó là một cây prototype Ibanez Maxxas, Steve miễn cưỡng cắm thử cây đàn vào lúc soundcheck, nhưng kết cấu hollow body khiến cây đàn tạo ra feedback nhiều đến mức không thể chơi được. Thế nên buổi diễn vẫn diễn ra, còn thiện chí của Ibanez bị Steve Vai vứt vào một xó.

    Cây Ibanez Maxxas thời đầu phải chỉnh sửa rất nhiều để tìm ra độ rỗng thích hợp.

    Thân rỗng không được thì… thân đặc vậy? May thay cuối năm 1986 thì Ibanez cũng kịp cho ra lò một cây Maxxas thân đặc. Họ tìm được số điện thoại… ba mẹ của Steve Vai ở Long Island. Rich tâm sự rằng “Chúng tôi muốn tặng con trai ông bà một cây đàn, không phải đe dọa gì đâu, chúng tôi sẽ bọc sẵn nó thành quà Giáng Sinh còn ông bà chỉ việc đặt dưới cây thông thôi. Ok chứ?”.

    Vậy là Rick tắt điện thoại, nhắn ngay xuống xưởng bảo rằng “Giờ làm sao cho cây Maxxas ấy nhìn hợp với Steve Vai nhất có thể đi!”. Không cần nghĩ nhiều, những luthier lành nghề liền khoác ngay lên cây đàn lớp áo màu hồng, xanh lá và trắng kèm họa tiết… da rắn. Rồi chính tay Rick bọc giấy gói quà cho cây đàn thật sặc sỡ và gửi tới nhà ba mẹ Steve Vai.

    Và sau kì nghỉ Giáng Sinh, Steve Vai đã gọi điện lại cho Ibanez “Các ông có được sự chú ý của tôi rồi đó, giờ muốn sao?”, Rich bắt đầu đề xuất việc cùng nhau tạo ra một cây đàn dưới cái tên Ibanez, Steve Vai cũng nhún vai “Được rồi, nếu có duyên thì hôm nào mình cafe”.

    Nhưng vận may của Ibanez phải kể đến khi tour diễn của The David Lee Roth Band kết thúc vào tháng 2 năm 1987. Cây Charvel Green Meanie của Steve Vai bị hỏng bộ nhún vào buổi diễn tại Madison Square Garden, rồi lại “câm tịt” trong buổi diễn tiếp theo và cây Performance Playboy hỏng toàn bộ bảng điện vào buổi diễn cuối cùng. Với sự ủng hộ nhiệt tình của Billy Sheehan, Steve Vai đã đập nát cây đàn ở sau cánh gà để “giải đen”.

    Cathy Lee Crosby, Cathine Bach, Brooke Shields, hóa ra Steve Vai có gu phết chứ nhỉ!

    Vận may bất ngờ

    Chán chường với việc những cây đàn của mình suốt ngày “ốm vặt”, Steve Vai gọi điện cho Ibanez muốn mua một bộ rack SDR 1000 nghịch ngợm chơi. Rich thấy đây là cơ hội vàng nên quyết định bay tới tận nơi mang theo hẳn vài bộ SDR1000 tặng miễn phí cho Steve Vai, đổi lấy một cuộc trò chuyện.

    Nhìn hơi mọt sách thôi chứ Rich quả là cáo già giao tiếp!

    Steve Vai say mê khoe với Rich từng cây đàn của mình, cây nào hay ở chỗ nào, và Steve Vai thích dùng từng cây cho những việc gì. Cây này thì cần thoải mái, cây kia thì phím êm tay, cây nọ lại có cặp pickup hay, nhưng chưa có cây nào đạt đến 100% hoàn hảo cả. Rich trầm ngâm, rồi đưa cho Steve địa chỉ của xưởng Ibanez.

    Và Steve Vai đã cho Ibanez cơ hội. 1 tuần sau đó, toàn bộ những cây đàn được một xe tải chở tới. ít nhất là một cây Tom Anderson, Charvel, và vài cây Performance. Tất cả những cây đàn được dán chằng chịt giấy nhớ “Chiếc cần này thoải mái này” chẳng hạn. “Anh ấy thích chiếc cần của cây Tom Anderson” Rich hồi tưởng “Trong khi đó thì lại thích phần khoét của cây Charvel, nhưng muốn tổng thể phải gần gần giống cây Performance để có thể biểu diễn thời gian dài thật thoải mái”.

    “Từ lúc tôi chơi cùng Dave Roth” Steve Vai nhớ lại “Cũng như cái album Eat ‘Em And Smile ra lò, rồi cả phim Crossroads nữa, cứ nghĩ mà xem, mọi hãng đàn trên thế giới gọi cho tôi. Bạn có quảng cáo một trăm trang báo thì cũng không thể hiệu quả bằng việc một ngôi sao sử dụng đàn của bạn được, nên hãng nào cũng săn tôi về bằng được”.

    Ibanez cũng không phải cái tên duy nhất được Steve Vai cho cơ hội làm đàn. Từ Kramer cho tới cả Yamaha, ai cũng nuông chiều Steve Vai, nhưng họ chỉ giỏi… “ăn tối sang chảnh, uống rượu đắt tiền và đi hóng gió bằng limo” như Steve Vai nói, còn về việc làm một cây đàn thật đỉnh cho Steve Vai thì khá chểnh mảng.

    “Trong khi đó Ibanez chỉ mất đâu đó có 3 tuần, và họ đã cho tôi cây đàn chính xác như những gì tôi tưởng tượng, thậm chí còn tốt hơn!”

    Sơ đồ cây JEM777 đầu tiên.

    Rich đem 2 cây JEM777 Prototype tới cho Steve. Nhưng Steve Vai còn chẳng thèm chơi, mà háo hức lấy dụng cụ tháo tung cây đàn ra.

    “Anh ấy bảo là cứ bình tĩnh, cây đàn nào của tao cũng bị tao mổ ra hết” Rich cười và nhớ lại “Anh ấy luôn tò mò rằng cây guitar hoạt động như thế nào. Rồi anh ấy lắp nó lại và buột miệng ‘M* nó quả là hàng ngon’. Steve Vai khen cây đàn không hết lời, và cả cây thứ 2 cũng vậy. Tôi để lại cho anh một cây và cầm một cây về xưởng. Tính tới lúc đó tôi nghĩ là cây đàn đã xong tới 90% để chuẩn bị xuất xưởng rồi, chỉ thiếu một số tiểu tiết râu ria nữa thôi”.

    Vậy trong 34 năm kể từ cây đàn đầu tiên, Ibanez JEM đã có cuộc hành trình như thế nào? Hãy cùng đón đọc trong bài viết tiếp theo của Whammy News nhé!

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img