Vox AC30 hay… Freddie Mercury? Những yếu tố nào đã góp phần tạo nên “đoạn solo guitar hay nhất mọi thời đại” do độc giả của Total Guitar bình chọn? Trong bài phỏng vấn này, Brian May đã có những chia sẻ về quá trình sáng tạo và thu âm “Bohemian Rhapsody”, cũng như bật mí nhiều câu chuyện thú vị khác xoay quanh những đoạn solo huyền thoại.
Ông có kỉ niệm đáng nhớ nào khi thu âm Bohemian Rhapsody không, và đoạn solo kinh điển này được tạo ra như thế nào?
Ca khúc phần lớn được thành hình nhờ trí tưởng tượng của Freddie. Chúng tôi đã tin rằng đây sẽ là một bản thu đặc biệt. Quá trình thu âm luôn là từng phần nhỏ, như các cậu biết đấy. Chúng tôi cứ cùng nhau luyện tập, rồi lại thu, rồi lại tập, rồi lại thu. Dần dà tất cả thành hình như phiên bản các bạn được nghe. Quá trình ấy rất thú vị và là những kỉ niệm đẹp.

Chủ yếu là xoay quanh giọng ca của Freddie, chúng tôi thu thêm rất nhiều lớp vocal chồng nhau cho đoạn opera nữa. Dĩ nhiên là guitar rhythm thì có rồi, nhưng chúng tôi muốn có một đoạn solo, phần này thì Freddie chưa có nghĩ tới. Freddie cũng thấy phần solo guitar sẽ khiến ca khúc thêm màu sắc, còn tôi thì muốn anh ấy điều khiển giọng ca phối hợp thật nhịp nhàng với đoạn solo. Thế là ca khúc đã muôn màu tự dưng có đoạn solo thôi.
Còn về những thứ tôi chơi? Những câu đàn ấy đã bật ra trong đầu rất lâu rồi, một đoạn solo nháp từng bị bỏ. Thế nhưng lại vô tình kết hợp với ca khúc này rất hay ho, đoạn solo cũ nay lại có đất dụng võ.
Kĩ hơn một chút được chứ? Chúng tôi rất tò mò về cách đoạn solo được ra đời?
Ồ tôi đã… hát nó ra trước rồi đánh theo. Tôi coi cây đàn như một giọng ca vào phần solo, tôi đã mường tượng ra rất rõ giai điệu rồi dù không biết đến từ đâu. May thay đoạn giai điệu ấy khá khác các phân khúc khác trong bài nên chêm vào rất hợp lý. Tôi biết solo guitar luôn là phần để thêm một “giọng ca” nữa vào ca khúc, nhưng phần solo ăn ý với đoạn opera một cách đáng ngạc nhiên. Tôi nghĩ phần nhiều do quá trình… thu âm đoạn opera cực khổ quá.
Ông phải thu lại đoạn solo nhiều lần chứ?
Không, khá dễ dàng. Tôi không phải thu lại nhiều tới mức đó. Quá trình chính xác là kiểu tôi thu vài lần rồi quay lại nghe bản đầu tiên và thấy bản đó gần sát nhất với những gì tôi muốn ý, chỉ cầm một chút tỉa tót lại thôi.

Vậy ông có thể tưởng tượng ra quá trình trong studio của bạn nhạc không? Có khác trên bộ phim Bohemian Rhapsody không?
Tôi cũng ngạc nhiên về độ chính xác của bộ phim đó, nhất là cách nhân vật ‘tôi’ xoay sở “Okay hay là chơi thế này” rồi Freddie đáp “Ồ rất đáng yêu, nhưng thử thêm một xíu kiểu này được không?”

Còn về câu riff sau đó, phần “bùng nổ” của ca khúc?
Cái phần mà mọi người hay headbang theo đó á? Phần đó lại được viết bởi Freddie, anh ấy nghĩ ra rồi hát thành câu cho tôi đánh theo.
Còn về những sắc âm guitar khác nhau từ clean tới distortion trong ca khúc, quá trình tạo ra chúng thế nào vậy?
Chỉ bao gồm dòng amp Vox AC30 tôi ưa thích và một cục boost treble, tôi lấy cảm hứng từ Rory Gallagher đó. Dĩ nhiên tôi có dùng delay và reverb nhưng là trong quá trình hậu kỳ. Đa phần những tiếng đàn chỉ nhờ 2 thiết bị như tôi kể trên thôi, đặc biệt là chiếc Vox AC30s.

Cứ mỗi lần tôi vặn thêm một chút lên là chất âm lại càng có màu sắc. Và đây là một chiếc amp không quá distort, dẫn tới việc ở vị trí sát với to nhất của volume trên đàn, những hợp âm vẫn nghe được ra là hợp âm chứ không phải… một mớ lùng bùng.
Về cơ bản, những chiếc AC30 được xếp vào loại hạng A vì những chiếc bóng đèn quá xuất sắc và khác biệt. Chúng rất khéo léo giữ mình ở vị trí già nửa, và sẽ không distort trừ khi bạn ép chúng thật mạnh và gay gắt. Khoảnh khắc ấy chúng sẽ bắt đầu mượt mà đưa âm thanh vào dạng distortion. Vì vậy phần lớn tôi kiểm soát bằng núm volume trên đàn.

Vậy còn khi chơi live thì sao? Ông có định ở một chất âm hay phải tìm cách để xoay sở?
Quá nhiều kiểu sắp xếp trong bản thu khiến tôi gần như… dùng hết các kiểu tiếng guitar mà mình biết rồi. Tôi vẫn nhớ lúc ấy mình nghĩ “Thế này vui thật, mình sẽ dùng hết”, vậy nên đã thu đúp và chơi octaving bằng đủ các tone khác nhau. Cả ca khúc chứa rất nhiều màu sắc tiếng đàn khác nhau, từ một xíu gain nhẹ, hay tiếng sang sảng đầy tự hào. Phần solo được tôi ưa thích nhất do sự kết hợp pickup siêu dị cực ít cây đàn có được.
Ví dụ bạn có một cây đàn 3 pickup nhé, không hẳn là bạn sẽ nhái lại được kiểu tôi thu âm đâu. Tôi đã đấu pickup neck và mid đúng chỗ những ngược pha, vậy nên gần như mọi thứ bị triệt tiêu hết trừ âm cao, tạo nên tiếng đàn vút lên như vậy. Thậm chí ở âm lượng thấp, tiếng đàn vẫn cao vút như gào thét, và khi bạn vặn lên rất cao thì tiếng đàn lại mịn mượt ra? Tôi không biết phải miêu tả thế nào nữa, nhưng tóm lại là tiếng đàn rất thiên âm cao và tách mình khỏi các nhạc cụ khác, nhưng cũng ấm áp và chưa hẳn là distortion.
Thế là lần nào thu solo tôi cũng dùng cách đó, không quá nát tiếng đàn nhưng cực kì nổi bật ra khí phách của một đoạn solo.

Vâng nhưng chắc chắn còn bí mật gì khác, có lẽ là cách ông dùng pick hoặc chính chất liệu kim loại của chiếc pick đồng xu chăng?
Đúng rồi đó, chất liệu kim loại đó khiến tiếng đàn ‘bén’ hơn một chút, theo tôi nghĩ. Cơ mà gần đây tôi càng ngày càng ít dùng pick, khi bắt đầu tìm ra cách tạo ra tiếng đàn cũ bằng những ngón tay của mình. Chắc do luyện tập nhiều, vả lại đâu phải lúc nào tôi cũng cầm pick theo đâu nên hay phải đánh bằng ngón tay lắm…

Cơ mà tôi vẫn chưa dám dùng ngón tay khi đánh ở liveshow. Phần nào tôi nghĩ, khán giả cũng muốn nghe phiên bản giống với bản thu hơn. Nhưng mỗi ngày luyện tập kết quả lại một khác, và đoạn solo cũng cứ thế mà tươi mới hơn khi tôi luyện tập. Tôi còn hay phải đứng ở… gần máy phun khói trên sân khấu cho thêm phần huyền bí nữa, nên khó kiểm soát ngón tay lắm.
Vậy đoạn solo của mình cá nhân ông ưa thích nhất thì sao?
Killer Queen luôn là đoạn solo tôi thích nhất. Và một lần nữa, lại là một đoạn solo từ tưởng tượng mà ra. Nhưng phức tạp hơn một chút vì quá trình đưa đoạn solo từ tưởng tượng ra bản thu gần như bước chân vào hư không vậy, vì ca khúc không dị biệt như Bohemian Rhapsody nên khó bay bổng quá.
Đoạn solo Crazy Little Thing Called Love cũng rất hay mà?
Đoạn đó thực sự khiến tôi xấu hổ trước… James Burton. James dĩ nhiên luôn là một người hùng với tôi, và tôi rất sung sướng khi chúng tôi đã trở thành bạn bè. Tôi cực thích bản Hello Mary Lou của James, và phần solo ca khúc đó đã ảnh hưởng tới tôi rất nhiều.

Lý do tại sao ông chọn được đoạn solo mình thích nhất?
Vì dàn giao hưởng đó, tôi luôn muốn được sử dụng guitar trong dàn giao hưởng. Killer Queen đánh dấu lần đầu tiên tôi hiểu về harmony trong một đoạn solo. Đặc biệt là những harmony ấy còn không theo quỹ đạo của nhau cơ, chúng tương tác với nhau như một ban nhạc jazz nhỏ xinh vậy.
Bài Good Company còn thêm nhiều harmony nữa cơ. Tôi tưởng tượng rằng mình đang nhồi nhét một ban nhạc jazz thật vào đó vậy. Cơ mà Killer Queen cho ra kết quả hay quá, thậm chí sau này tôi muốn thế giới nhớ về tôi với ca khúc này. Còn đoạn solo tôi ưa thích nhất không phải của tôi? sẽ là Key To Love của Eric Clapton từ album John Mayall’s Blues Breakers. Đó là đoạn solo đam mê cháy bỏng nhất tôi từng thấy cho tới tận ngày hôm nay.

Ồ một đoạn solo rất ‘cháy’
Đương nhiên, Eric đã đốt cháy cả đoạn solo. Cả ca khúc ấy xoay quanh đoạn solo. Tôi đã nhiều lần bật ca khúc ấy lên, tuy John Mayall rất hay cơ mà… chỉ ngồi chờ mỗi Eric solo thôi, lần nào cũng nổi da gà.