More

    Randy Rhoads: 2 cây đàn V đã làm nên lịch sử

    Năm 1980, Wayne Charvel bán xưởng đàn danh tiếng của mình ở San Dimas, California cho một tay chơi đầy triển vọng: Groover Jackson. Vì Wayne ra đi rồi nên Karl Sandoval cũng chẳng còn lưu luyến, quyết định dứt áo và tập trung vào sự nghiệp cá nhân với công ty Sandoval Engineering của mình.

    Sát thềm Giáng Sinh

    Ngồi trên máy bay từ Anh Quốc trở về Hoa Kì để nghỉ lễ, sau một tour diễn đã đưa tên tuổi Ozzy Osbourne và chính Randy Rhoads vào huyền thoại, Randy đã không thể chợp mắt mà ngồi nhìn mãi ra cửa sổ. 23 tháng 12 năm 1980, đúng trước Giáng Sinh, Randy đã tới San Dimas để gặp mặt Grover Jackson, chủ sở hữu mới của Charvel Manufactoring, chỉ với mảnh giấy vẽ nguệch ngoạc 5 nét trong tay.

    Groover Jackson lúc đó “Ông vẽ thế này thì tôi phải hiểu kiểu gì ?”.

    Xưởng Charvel lúc đó vắng tanh vì tất cả nhân viên đã về nghỉ lễ, để quây quần bên gia đình thật ấm cúng. Randy và Groover đã ngồi từ trưa tới tận nửa đêm để trò chuyện về đủ thứ trên đời, sau cùng Randy đặt tời giấy xuống bàn và bảo rằng “Tôi muốn cây đàn kiểu như này”, gạch thêm 2 nét lên và cứ thế quay lưng đi về nhà.

    Những nét vẽ tối giản ấy phác ra một cây đàn dáng chữ V nhưng lệch lạc, với cánh dưới cụt ngủn so với cánh trên, cần liền thân. Trong cuộc nói chuyện miên man có đề cập rằng Randy muốn cây đàn có cái tên Concorde, theo mẫu máy bay siêu thanh lừng danh thời bấy giờ (dĩ nhiên, trước khi trở thành thảm họa ngành hàng không). Ý tưởng đến khi chính Ozzy và Sharon Osbourne đã mua vé máy bay hạng nhất trên chiếc Concorde cho Randy bay về Hoa Kì nghỉ lễ. Cá nhân Groover thì rất lo âu về hình dáng kì quái của cây đàn cũng như cái tên.

    Buồn thay cho một sáng kiến của thế hệ.

    Bắt tay vào thi công

    “Charvel giai đoạn ấy chỉ làm những cây đàn kiểu Fender, cần rời. Hừm, còn cái thứ hình cánh dơi kì quái này thì làm tôi lo sợ sẽ kéo cả hãng xuống” Groover Jackson hồi tưởng “Vậy nên tôi hỏi Randy rằng mình có nên đặt tên khác cho cây đàn không, coi như làm một thứ khác hẳn luôn, thật sự là tôi sợ cây đàn ấy sẽ đạp đổ mọi thứ mình từng gây dựng lắm”.

    Jackson giai đoạn ấy còn chịu ảnh hưởng của Charvel lắm.

    “Đó cũng là lí do đây là cây đàn đầu tiên có headstock kiểu mới. Tôi thì luôn là tay thích đàn vintage rồi, nên tôi muốn cải biên lại từ headstock cây Gibson Explorer, một phiên bản ngầu hơn, cục súc hơn”.

    Vậy nên Groover bắt tay vào làm cây đàn chỉ vài hôm sau kì nghỉ lễ, còn Randy thì bay về Anh Quốc để tiếp tục công việc của mình.

    Đầu tiên, Groover phác thảo hình dáng cây đàn lên một tấm gỗ Baltic Birch. “Chúng tôi cưa tỉ mỉ rồi chà nhám từng tí một, xong đó cố định khuôn dáng đó vào trục máy để cưa ra hàng loạt phiên bản. Kiểu dùng khuôn này hơi cổ tí, còn tới bây giờ thì đó là công nghệ của quá khứ rồi, nhưng rất nhanh gọn, cưa xong chỉ cần chà xong gửi sang bên xưởng sơn thôi”

    Đặc biệt, trong quá trình cưa, Groover đã quyết định thêm những đường cong vào thiết kế “Tôi lúc ấy đang làm vài cây B.C Rich Bich cho ông bạn Bernie Rico. Thấy mấy đường cong đẹp quá tôi không kìm lòng được mà phải mượn ý tưởng luôn”.

    Thật ra mấy cây Bich cũng đẹp lắm chứ.

    Rồi tới phần việc của Tim Wilson, luthier cứng cựa của xưởng Charvel. Nếu bạn không biết, Tim Wilson chính là cha đẻ của cây đàn Dinky Strat, cũng như mẫu cần đàn Strat® của Charvel. Tim Wilson vừa cắt gỗ vừa lè lưỡi “Phần giữa là Maple nguyên tấm rồi, 2 cái cánh cũng là Maple nốt thì cái đàn này sẽ nặng cả tấn anh ạ”.

    Và như vậy, cây đàn đã dần dần thành hình.

    Phiên bản đầu tiên

    Cây đàn Concorde được hoàn thiện vào tháng 2 năm 1981. Dáng chữ V, mặt phím Ebony 22 phím ghép vào cần ở phím 14. Bộ phím Dunlop 6230s, khá nhỏ so với Gibson mà gần với phím Fender hơn.

    Càng về cuối, chiếc cần càng có xu hướng phẳng với radius từ 12” tới 16”. Tổng scale là 25 1/2″. Nut width là 1 11/16″ theo phiên bản gốc của Karl Sandoval để “Tạo ra một cây đàn chơi như Fender nhưng tiếng như Gibson. Cũng như bản tiền nhiệm, Concorde có tremolo bridge, được làm bởi Bill Gerein từ đồng để đảm bảo độ sustain tốt nhất.

    Cặp pickup khá lạ với Seymour Duncan Distortion ở bridge và… Jazz Model ở neck. Cả 2 đều được gắn trực tiếp vào bezel làm bằng đồng (cũng là tác phẩm của Gerein). Nhưng nút chuyển pickup đã được đưa hẳn ra cánh trên để tăng độ linh hoạt, còn nơi cắm jack được đưa vào cạnh trong của cánh dưới. Phiên bản đầu tiên có màu trắng và sọc đen, được lót bằng Polyester và phủ Polyurethane. Vì không muốn đặt cược xưởng Charvel vào một thí nghiệm quá đỗi lạ lẫm, Groover Jackson quyết định đặt tên mình lên headstock thay vì tên Charvel, và Jackson đã có một nước đi quá đúng đắn.

    Cây đàn nhanh chóng được gửi sang Châu Âu cho Randy. Randy phản hồi về xưởng Charvel rằng “Mấy phím sâu sượng quá anh ạ, chỉnh lại cho em với. Và fan cứ hỏi em đây là cây Gibson Flying V bị cắt gọt đúng không? Anh có thể làm cho cây đàn nhìn sắc nhọn hơn, nguy hiểm hơn thay vì nhìn giống một cây Gibson bị cưa lỗi được không?”

    Không ngừng cố gắng

    “Tôi bảo rồi mà, con này quá to quá nặng” Wilson đập bàn. Randy đã bay về từ tận Anh Quốc để cùng ngồi vào bàn họp việc cải tiến cây đàn. Groover Jackson đã chuẩn bị hẳn 3 cây đàn liền thân, chỉ có phần 2 cánh là tách rời để thử nghiệm.

    “Chúng tôi cứ vẽ lên những chiếc cánh rời rồi cưa, rồi chà, rồi lại cưa, lại chà. Hàng đống nét vẽ đè lên nhau và bụi mạt cưa chất thành núi. Mỗi lần như vậy, Randy lại cầm lên để thử nghiệm, nhưng chỉ vui lúc đầu thôi” – Groover cười và hồi tưởng “Randy chẳng thích cơ khí tí nào, nên cứ chán nản vạ vật nhìn phát thương khi tôi và Wilson mổ xẻ những miếng gỗ”. Cho tới cuối ngày, cuối cùng cũng ra được một thiết kế tạm ổn, và họ lại chia tay. Groover ở lại xưởng và tính toán việc dựng nên phiên bản tiếp theo, còn Randy ra thẳng sân bay để bắt đầu tour diễn Diary Of A Mad Man cũng Ozzy.

    Diary Of A Madman đã là tour diễn vào hàng ngũ kinh điển nhất của bộ đôi Ozzy – Randy.


    Vài tháng sau, khi tour diễn bắt đầu vòng về Hoa Kì, Sharon Arden đã mạnh tay đầu tư cho Ozzy Osbour và Randy Rhoads những thứ tốt nhất. Từ âm thanh, ánh sáng, nhân lực cho tới cả luyện tập. Tất cả những buổi tập đều diễn ra tại studio lừng danh Zoetrope của Francis Ford Coppola.

    Cùng lúc ấy tại San Dimas, Groover đã tiến tới những bước cuối cùng của việc hoàn thiện cây đàn. Ngày 27 tháng 12 năm 1981, Groover đã mang thẳng cây đàn tới buổi luyện tập cuối cùng của Randy tại Zoetrope.

    “Tuyệt vời, rất tinh tế” gương mặt của Randy đã nói lên tất cả. Cánh dưới được thu nhỏ lại cũng như căn chỉnh lại góc độ khiến cây đàn không còn giống một cây Gibson bị cưa ra nữa. Ngoài ra, lần này thông số còn được nâng cấp thêm bộ ngựa Schaller. Công tắc chuyển pickup cũng được đổi xuống dưới pickguard, trong khi inlay được đổi sang hình tam giác càng hợp mắt hơn.

    Randy thích cây đàn tới nỗi… không dám quá thô bạo. “Ngày đầu tiên, Randy cầm cây đàn lên xong đặt xuống, ngày thứ 2 Randy chơi một chút xong đặt xuống, ngày thứ 3 cũng chơi một chút xong đặt xuống. Randy như đang tán tính một cô nàng vậy.” Groover trầm ngâm.

    Di sản để lại

    Chỉ vỏn vẹn 2 tháng rưỡi sau khi nhận được cây đàn, Randy Rhoads qua đời trong một tai nạn máy bay thảm khốc, hưởng dương 25 tuổi. Người hâm mộ trên khắp trái đất như vỡ òa trong thương tiếc cho một thần đồng guitar chỉ mới vừa mang thứ âm thanh kì diệu của mình ra khoe với thế giới. Groover nhận được tin nhắn khi vừa… bước xuống khỏi máy bay trên đường đi thăm bạn gái tại Reno “Chết lặng, cho tới giờ tôi vẫn chết lặng khi nhớ về khoảnh khắc ấy”.

    Mảnh duy nhất của chiếc máy bay chở Randy không bị cháy.

    Trong khi đó, Karl Sandoval đang ngồi tại cửa hàng của mình “Thật kinh khủng. Tôi nhận được cuộc gọi từ ông bạn nói rằng Randy đã mất, tôi như phát điên vặn radio lên to hết cỡ chỉ mong báo đài xác nhận đó không phải là sự thật. Nhưng tôi hoàn toàn sụp đổ khi nghe đài nói rằng ngôi sao nhạc rock trong vùng đã qua đời do tai nạn máy bay”.

    Vậy ngoài âm nhạc ra, di sản Randy để lại là gì?

    Để vinh danh người đã truyền cảm hứng cho mình tạo ra những cây guitar của riêng mình thay vì núp bóng Charvel mãi, Groover Jackson quyết định thành lập hãng Jackson Guitars. Chính chiếc headstock lừng danh của Randy được lưu truyền mãi về sau, với cái tên Jackson đầy tự hào. Phiên bản cây đàn của Randy được tái bản và liên tục cải tiến với cái tên Jackson RR Rhoads và được thế hệ tương lai kế thừa với hàng loạt bản signature như Alexi Laiho, Roope Latvala, hay chính cả Vinnie Vincent của Kiss.

    Jackson RR24, phiên bản Alexi Laiho.

    Karl Sandoval cũng không ngừng mở rộng quy mô làm guitar và nâng cấp phiên bản của mình. Karl còn mở một trường dạy làm guitar tại California, để hướng dẫn lớp trẻ về sau thực hiện những cây đàn tuyệt vời giống như cây V của Randy vậy.

    Tim Wilson, người đã làm gần như tất tật về gỗ trên cây đàn, đã tiếp tục học tập và trở thành một trong những luthier đỉnh cao trong ngành. Ông đã làm quản lý của Jackson Guitar, góp phần đưa Jackson thành kẻ khổng lồ của giới guitar, trước khi cùng Jackson gia nhập đại gia đình Fender. Hiện tại vì đã có tuổi nên ông sang vị trí giám sát trực tiếp dây chuyền James Tyler Variax US Custom Series.

    “Tôi nghĩ đó chủ là một cú hit thôi, ai ngờ rằng cây đàn ấy tuyệt vời tới thế. Một trong những điều tự hào nhất trong cuộc đời tôi chính là được góp phần thực hiện cây đàn huyền thoại của Randy”.

    Tạm biệt, Randy Rhoads.

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img