Trước khi gia nhập cùng Ozzy Osbourne để tạo ra album kinh điển Blizzard of Ozz, Randy vẫn lang thang trong giới chơi nhạc Los Angeles cùng ban nhạc Quiet Riot của mình. Cho tới năm 1979, khi Randy chơi cùng tay guitar của Xciter –George Lynch– người sau này đã gắn liền với tên tuổi Dokken. Hai người luôn chìm trong những cuộc nói chuyện bất tận về kĩ thuật, những chiếc amp, và đương nhiên, những cây đàn guitar.
Cảm hứng bất ngờ
Một buổi chiều, George mang theo một cây đàn dáng V, với một pickup duy nhất. Randy vô cùng hào hứng chơi thử. Cây đàn ấy có radius phím khá nhỏ, cũng như cần nhún nữa, đó là điều vô cùng lạ lẫm với những cây đàn V cuối thập niên 70. Với Randy, đây là một thế giới mới, một cây đàn với dáng đàn từ Gibson nhưng được làm theo kiểu Fender. George Lynch có được cây đàn từ tay độ đàn số má Karl Sandoval, và không chần chừ, Randy nhấc máy gọi cho Karl.

Karl Sandoval trở thành một luthier từ khi chơi cho ban nhạc Smokehouse. Ông đã chơi đàn cùng một khu với nhiều tay quái kiệt điển hình như George Lynch hay cả Eddie Van Halen. Karl kết bạn với nhiều tay chơi đàn bằng chính khả năng chơi nhạc của mình, và những cây guitar tuyệt vời ông làm ra. Ông đang ngồi cùng với chính Wayne Charvel tại xưởng Charvel khi nhận được cuộc gọi của Randy. Ông hồi tưởng “Tôi nhớ khi Randy gọi cho mình, kể một cách hào hứng về việc chơi cây đàn tôi làm cho Lynch sướng như thế nào”.

Cây đàn do Karl Sandoval làm cho George Lynch có cần đàn từ một cây Danelectro gắn vào thân đàn V “Thời đó tôi vẫn làm đàn cho mình chơi thôi với cần đàn từ Danelectro” – ông hồi tưởng “Tôi rất thích việc action có thể xuống cực thấp. Bạn có thể nhún dây E hết cỡ mà không văng ra ngoài phím, vì cần thiết kế độc nhất lắm”. Thật ra trước cây V của George, Karl còn làm ra cây “đàn điên” Megazone cho Eddie Van Halen cũng dùng cần đàn từ Danelectro cơ.

Bắt tay vào thực hiện
“Chúng tôi đi lại trong garage và tranh cãi về việc tạo ra cây đàn như thế nào”. Karl kể rằng Randy muốn một cây đàn với 2 pickup Humbucker như Les Paul nhưng phải được lắp cần nhún Fender Strat. Ngoài ra còn yêu cầu phải có inlay hình nơ, toggle switch phải ở cánh trên để tiện chuyển, cũng như cần phải liền để sustain thật dài.
“Tôi bảo rằng Randy ạ chúng ta cần cái gì đó thật đặc biệt, như kiểu headstock khác này, màu mè khác lên, dân chơi phải có cá tính”. Ai ngờ Randy đáp luôn “Hãy làm cho em một cây V Chấm Bi“. Karl cười sặc sụa nhưng Randy có vẻ vô cùng nghiêm túc, yêu cầu mỗi chấm phải đúng 3/4 inch và phải sắp xếp ngay ngắn không được ngẫu nhiên.

Bước đầu tiên là tìm một chiếc cần đàn Danelectro. Cả 2 đã lục tung mọi tiệm cầm đồ cũng như các cuộc thanh lý. Cuối cùng Karl lại tìm được chiếc cần đàn hoàn hảo về mặt cảm giác nhưng có… một xíu lỗi. Chiếc cần ấy không biết đã xảy ra chuyện gì mà có tận 2 trussrod bên trong, được dán keo chết vào cần đàn. Chính điều ấy làm chiếc cần Maple nặng gấp rưỡi bình thường. Karl bông đùa “Chắc do có hẳn 2 cái ống kim loại bên trong nên nhạc Randy mới metal vậy đó”.

Vì Randy muốn lắp cần nhún Fender nên thân cây V này phải dày hơn đa số những cây V cùng thời, khiến tổng trọng lượng cây đàn trở nên đáng kể, nhất là cần còn liền thân nữa.
Việc lắp pickup cũng gặp vấn đề, khi humbucker kiểu Gibson lại hẹp hơn chiều ngang của bridge Fender Tremolo, nhưng Karl quay sang Randy với vẻ mặt đầy uy tín “Chú cứ tin anh, chỗ đấy là khoảng cách thông lượng để từ trường lưu thông nên tiếng đàn mới thoáng được”. Vậy nên 2 chiếc pickup được lựa chọn là DiMarzio Super Distortion ở bridge và PAF ở neck. Kiểu đấu điện thì truyền thống như Gibson với 2 núm volume và 2 núm tone.

Điều duy nhất cả 2 thống nhất ngay lần đầu nói chuyện chính là headstock sẽ có hình mũi lao hoặc mũi tên. Karl đã ghép thêm gỗ vào headstock gốc của Danelectro rồi gọt lại.
Vậy là kết quả, cây đàn Flying V của Karl Sandoval dành cho Randy Rhoads đã hoàn thành. Với scale leght 25 1/2″ và radius 17″. Màu sơn Polkadot với chất sơn Nitrocellulose phổ biến thời ấy. Một quái thú nửa Gibson nửa Fender, và 100% Randy. Ấy thể mà tai nạn không ngờ lại xảy đến…

Tai nạn bất ngờ
Chỉ 3 tuần sau khi nhận được cây đàn, Randy lại gọi cho Karl. “Giọng cậu ấy lúc đó hoảng hốt như sắp khóc vậy”. Randy kể rằng đang đứng thì dây đeo đàn tuột ra, cây đàn rơi xuống đất, mà lại chạm phần cần xuống trước. Randy vô cùng hối hận vì cả 2 đã dốc rất nhiều tâm huyết cho cây đàn, và cảm thấy mình đã hủy hoại tuyệt phẩm của Karl, nhưng Karl chỉ đáp ngắn gọn thôi mang về xưởng đi anh em mình cùng xem.

Nhưng cuối cùng 2 chiếc trussrod đã phát huy thế mạnh của mình. Chiếc cần thật ra không hư hại quá nhiều khi vùng nối cần cũng như giữa cần đàn không hề nứt vỡ. Nhưng toàn bộ headstock thì tan nát. Karl đã hồi phục gần như nguyên trạng và chỉ lấy của Randy $75.

Vậy là tháng 9 năm 1979, cây đàn của Karl Sandoval dành cho Randy Rhoads chính thức hoàn thành. Ngay sau đó, Randy rời ban nhạc Quiet Riot và tham gia cùng Ozzy Osbourne. Cây đàn cũng theo đó bay sang Anh Quốc năm 1980 và trở thành huyền thoại tại đây. Nhưng chỉ cuối năm đó, khi Randy bay về Hoa Kì để nghỉ lễ Giáng Sinh, trong khi miên man nhìn ra khỏi cửa sổ máy bay, Randy đã phác họa ra ý tưởng của cây đàn huyền thoại tiếp theo, và nôn nóng không ngừng về việc hiện thực hóa trí tưởng tượng của mình.
Cho tới đây, chắc các bạn đoán được bài viết tiếp theo sẽ về cây đàn nào rồi nhỉ ?
