More

    Concert of Childhood Memory 2020: ký ức tuổi thơ, hành trình bền bỉ và “về nhà”

    Năm năm không phải là một khoảng thời gian quá dài, nhưng với một dự án âm nhạc ở Việt Nam, đó lại là một con số không phải ai cũng đạt tới được. Với Childhood Memory, đó cũng là lúc để “về nhà”, nhìn lại, và bước tiếp. 

    Bản đồ sự kiện văn hoá ở Hà Nội mấy năm trở lại đây trở nên sống động hơn rất nhiều: có Monsoon Music Festival để nghe nhạc mới, có HRC với những sự kiện mỗi tuần, có một dạo cả EDM sục sôi gần như tháng nào cũng có. Thể loại nào cũng có chỗ đứng, thu hút công chúng theo cách của mình, và tạo ra những giá trị riêng cho một cộng đồng ngày càng văn minh hơn.

    Ngay cả giao hưởng, một thể loại tưởng chừng như đóng khung trong những không gian mang tính kinh viện với những bản nhạc đòi hỏi nhiều chất xám ở cả người trình diễn lẫn người thưởng thức, cũng xuất hiện trên danh sách của khán giả trẻ, với dạng hình “phù hợp” hơn với đại chúng mang tên “Concert of Childhood Memory”. Năm 2020, với 3 đêm trình diễn, dự án này đã chính thức đánh dấu 5 năm bền bỉ của mình với tên gọi “Coming home” – một chuyến “về nhà” đầy ý nghĩa. 

    “Childhood Memory” của Intro art là những giai điệu của ký ức tuổi thơ, nhưng không phải là tuổi thơ kiểu “truyền thống” với tiếng à ơi hay những bông hoa nhỏ. “Childhood Memory” ở khán phòng của Nhạc viện Quốc gia là ký ức trong trẻo của thế hệ “mới”, với những bộ phim của studio Ghibli, với nhà ga 9 ¾ đi tới Hogwarts, miền Trung địa của hành trình Hộ nhẫn… 4 mùa Childhood Memory đi qua là bốn chủ đề âm nhạc gợi nhắc đến nhiều tác phẩm kinh điển của những mùa hè chìm đắm vào thế giới tưởng tượng, những mùa hè của sự vô lo hồn nhiên. Lần lượt “Concert of Childhood Memory” năm 2016, “Mirror”/”Reprise” năm 2017, “Beyond Magic” năm 2018, “Shinsekai”/”Sparks” năm 2019, hành trình của CCM đã đi ngang qua những tháng ngày ấu thơ của nhiều người, để rồi thu hút hàng ngàn khán giả mỗi năm đến với khán phòng giao hưởng – một điều mà có lẽ Mahler hay Beethoven sẽ khó mà làm được ở Việt Nam. 

    Không phải dự án âm nhạc nào ở Việt Nam cũng bước đến được năm thứ 5 liên tiếp. Concert of Childhood Memory làm được, và tự đánh dấu hành trình du hành của mình bằng chủ đề “Coming Home”. “Về nhà”, được ban tổ chức giải thích là cái tên mang theo mong muốn khơi gợi trong mỗi khán giả khát khao được tìm về “nhà”, hay nói cách khác là tìm về với chính bản thân mình, để có thêm niềm tin và sự trân trọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

    Thế nhưng, với những gì diễn ra trong 3 đêm diễn, chủ đề này có lẽ mang nhiều ý nghĩa hơn: với nhạc mục quay lại với Ghibli và Joe Hisaishi, chương trình giống như một lời tri ân tới những khán giả và nghệ sĩ đã cùng đồng hành với dự án trong suốt 5 năm qua; một lần quay về thăm nhà, cùng nhau ôn lại kỷ niệm trong suốt chuyến du hành dài, nhìn lại, và chuẩn bị để bước tiếp.

    Mở đầu bằng Path of the wind bản nhạc đến từ bộ phim My Neighbor Totoro – bộ phim hoạt hình không thể quen thuộc hơn với các khán giả yêu mến Studio Ghibli, khán giả chìm vào hoài niệm bởi Merry Go Round of Life (phim Howl’s Moving Castle), A Town with Ocean View (phim Kiki’s Delivery Service), One Summer’s Day (phim Spirited Away)… Không dừng lại bởi việc chơi lại các nhạc phẩm cũ, dàn nhạc cũng tạo ra sự khác biệt khi xen lẫn những bản nhạc đến từ những bộ phim ít khán giả Việt Nam biết hơn của cùng studio Ghibli như The Tale of Princess Kaguya, Porco Rosso,… hay một số sáng tác độc lập của Joe Hisaishi trong các phim Samurai Kids và Departures.

    Cảm xúc được đẩy lên cao trào, khi tiếng piano của pianist Lã Tuấn Cường vang lên những nốt đầu tiên của Always with me (phim Spirited Away), cùng lúc với màn LED hiện lên hình ảnh về quá trình thực hiện CCM trong suốt 5 năm. Năm năm, không ngắn, không dài, nhưng đủ để cả khán giả và nghệ sĩ nhìn thấy mình lớn lên, từ những trẻ trung non nớt của năm 2016, trưởng thành theo từng đêm diễn, để rồi 5 năm sau lại gặp gỡ, chia sẻ niềm đam mê với những giai điệu của một thời trong veo. Gần 60 nghệ sĩ trình diễn, có những người vẫn theo đuổi, có những người đã rời cuộc chơi, có người từ học sinh trở thành nghệ sĩ của dàn nhạc Quốc gia. Khán giả, hẳn cũng có người đã thay đổi nhiều. Có lẽ, trong khán phòng tối hôm đó, chỉ có tình yêu với âm nhạc là chưa bao giờ hoài nghi.

    Dĩ nhiên, với một đơn vị tổ chức còn non trẻ như Intro Art, Concert of Childhood Memory vẫn còn những hạn chế. Nếu so sánh với các concert có cùng chủ đề trên thế giới, đặc biệt với chính các concert của Joe Hisaishi, bài toán về dàn nhạc sẽ lập tức lộ diện. Trong các tác phẩm yêu cầu sự hào hùng hay dồn dập, việc các bè mỏng người thực sự là một điểm trừ, khiến cho việc kiến tạo không gian không thể hoàn thành như kỳ vọng. Bên cạnh đó, với tuổi đời còn rất trẻ, các nhạc công cũng chưa thực sự biến các tác phẩm của Joe Hisaishi – vốn đòi hỏi rất nhiều tình cảm – trở thành những giai điệu chạm đến trái tim một cách độc lập. Còn rất nhiều những chi tiết có thể cải thiện hơn, như cách xây dựng kịch bản ánh sáng, hạn chế sự tranh chấp ánh sáng giữa màn LED và sân khấu, hay tiếng màn trập từ các tay máy tác nghiệp…

    Thế nhưng, 2020 có lẽ là một năm để thứ tha cho những tiểu tiết. Giữa giai đoạn đầy biến động này, khi đa phần các sự kiện văn hoá phải huỷ bỏ, thì bất kỳ một đêm nhạc nào cũng đều là một điều đáng trân trọng. Sự “cháy vé” trong thời gian kỷ lục của CCM2020 có lẽ cũng phần nào phản ánh sự khát khao với giải trí của công chúng, bên cạnh tình cảm dành cho dự án đã bước đầu “vững chân” trong trái tim người yêu âm nhạc. Dự án được khởi đầu với ước mơ về khán phòng đầy ắp khán giả, và có lẽ, ở một mức độ nào đó, giấc mơ đã trở thành sự thực. Thế nhưng, đây cũng là lúc để những người tổ chức phải đặt cho mình thử thách mới: Làm sao để có những đêm nhạc chất lượng hơn, ấn tượng hơn, thu hút nhiều công chúng hơn, để dự án không chỉ là những đêm nhạc nhắc nhở hồi ức, mà phải thực sự trở thành bến đỗ mộng mơ cho những tâm hồn trưởng thành vẫn luôn khao khát chỗ nghỉ ngơi sau những trách nhiệm, những bon chen thường ngày. 

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img