More

    Les Paul: Đời rất dở, nhưng vẫn phải niềm nở

    Lester William Polsfuss, hay chúng ta quen hơn với cái tên Les Paul nhỉ ? Ông sinh năm 1915, và là một trong những người có thể nói ảnh hưởng vô cùng lớn tới âm nhạc hiện đại.

    Dung hoà giữa 2 thái cực của một nhạc sĩ và… nhà phát minh, nếu kể tới những đột phá và phát minh của ông trong chơi nhạc thì ta có cả danh sách dài như kĩ thuật overdub, tape delay, kĩ thuật thu multitrack, trill..v.v Kèm theo đó là cả ban nhạc vĩ đại của ông cùng vợ mình – Les Paul and Mary Ford nữa.

    Và đương nhiên, nhắc tới tên ông, sao chúng ta lại có thể bỏ qua một trong những dáng đàn phổ biến nhất thế giới – cây đàn Les Paul nhỉ ?

    Tôi muốn 1 khúc gỗ thôi !!!

    Les Paul thốt lên như vậy khi tìm cây guitar phù hợp với mình. Một cây guitar đơn giản tới mức chỉ đóng vai trò ngân vang ra tiếng của dây đàn. Không rung top, không có độ rỗng của buồng hardware, cũng không rung rinh gì hết. Tất cả những nốt đàn được đánh ra một cách thuần chất nhất, và ông bắt tay nghiên cứu việc chế tạo cây đàn của riêng mình vào những năm 30, khi mới là cậu thiếu niên.

    Les Paul và đứa con cả The Log.

    Nghe khó tin nhưng mà Les Paul đã nhồi… giẻ rách vào những cây đàn hollow-body thời ấy mong rằng chúng có thể lấp kín khoảng trống.

    Nhưng chuyện vật lý mà, một thân gỗ chỉ cần cắt đi vài mm thôi là không bao giờ giữ được sustain lâu như kích cỡ ban đầu nữa. Cực chẳng đã tới tận năm 1940, Les Paul hiện thực hoá luôn ý tưởng bằng cách đẽo cây đàn từ đúng 1 cây gỗ và từ đó, The Log đã ra đời. Đúng như cái tên của mình, một khúc cây.

    Nhìn không khác mấy một cây… hollow-body nhỉ ? Đừng nhầm, The Log chỉ là phần… ở giữa thôi. 2 cánh 2 bên được Les Paul cưa một cây Epiphone hollow-body ra để… cầm cho dễ. Điều này đúng đã giải quyết được tất cả vấn đề như Les Paul mong đợi. Đặc biệt nhất là hạn chế đi độ feedback của thùng đàn rỗng, cũng như tăng độ sustain cho tiếng đàn khá dài (dù vẫn còn hạn chế, chỉ là khúc cây thôi mà).

    Trở thành… Chúa Hề ?

    Năm 1941, Les Paul mang phát minh của mình tới Gibson. Nhà máy thì ở Kalamazoo, Michigan, nhưng văn phòng Gibson thời đó vẫn đặt ở Chicago, nên ông phải đi một chặng đường khá xa. Thế mà họ đã… cười ầm ĩ và lăng mạ ông, kêu rằng ông nhìn như “Thằng trẻ con cầm cái chổi gắn pickup”.

    Lúc ấy Chủ nhật nào ông cũng làm thêm ở nhà máy Epiphone, suốt từ 1939 tới 1941. Nhà máy Epiphone ở Kalamazoo cũng là nơi cây The Log ra đời. Epiphone thương tình cậu nhân viên chăm chỉ bị hãng lớn phũ như vậy và muốn giúp đỡ, nhưng chính… Les Paul lại từ chối Epiphone. Les Paul muốn nhắm đến kẻ khổng lồ nhất, không ai khác ngoài GibsonChicago Music Instrument, chứ không phải một hãng nhỏ như Epiphone. Mà đen sao chỉ vài năm sau nhà máy ấy bị mua lại bởi Gibson thật…

    Huyền thoại nhà máy Gibson ở đường Parson, Kalamazoo khi đã bị mua lại.

    Sau đó ông nhập ngũ ở California. Và như một người chơi đàn, ông lại được gặp gỡ giao lưu với những khuôn mặt chơi đàn quen thuộc thời đó như Bing Crosby, Merle Travis, Paul Bigsby và thậm chí… Leo Fender còn ngồi uống trà cùng ông ở sân sau nhà. Les Paul có tất cả những gì mà một người đàn ông mong muốn lúc ấy, chơi nhạc cùng cô vợ xinh đẹp của mình, một mái nhà và những người bạn thân thiết.

    Nhất là bộ 3 Leo Fender, Les Paul và Paul Bigsby. Điểm chung của cả 3 là đều có ước mong về cây guitar điện thân đặc, ấy cũng chính là chủ đề chính của mọi cuộc trò chuyện

    Paul Bigsby, người thợ yêu guitar bằng cả con tim mình.

    Chuyện bắt đầu khi chàng ca sĩ Merle Travis muốn Paul Bigsby làm một cây đàn theo ý mình vẽ ra. Một cây đàn dáng truyền thống nhưng phải thật mỏng, kín đặc như một cây Steel Lap. Vậy nên sản phẩm ra đời là cây đàn kì dị không có lỗ khuếch âm, một pickup duy nhất và có… violin tail-piece ??? Một sản phẩm vui vui của cả 2, một nghệ sĩ và một người thợ lành nghề.

    Leo Fender thấy Merle Travis cầm cây đàn do Bigsby làm, và tò mò mượn về nghịch thử. Leo đã nghiên cứu cây đàn cả đêm và tạo ra… chính huyền thoại Fender Esquire, cây đàn solid-body được sản xuất đại trà đầu tiên của thế giới, mở ra một kỉ nguyên mới cho guitar điện.

    Leo Fender lúc ấy.

    Leo Fender chọn thị trường của mình chủ yếu ở bờ Tây, nên tin còn rất xa mới vang tới khu vực thị trường của Gibson. Leo cũng tặng một trong những cây Esquire đầu tiên cho người bạn thân Les Paul, và Les Paul đã giữ cây đàn ấy tới tận lúc xa rời nhân thế.

    Les Paul và cây Esquire.

    Nhưng dần dà dần dà, Esquire đã trở thành thứ giúp Fender bành trướng, chỉ vỏn vẹn 3 năm từ 1948 tới 1951, Fender vọt lên thành tay đáng gờm của giới sản xuất nhạc cụ. Lúc này, Les Paul và vợ cũng đi lưu diễn khắp nơi và trở thành bộ đôi ăn khách nhất nhì đất nước.

    Lúc này, như một ông lớn thính mũi, Gibson hốt hoảng hạ lệnh “Tìm ngay cái thằng cu cầm chổi lắp pick-up đi, chết rồi thế này toang mất”.

    Hơi muộn, nhưng không sao

    Fender là tay cực có máu kinh doanh. Leo biết rằng một kẻ bán nhạc cụ đặc biệt phải có những người quảng cáo cho mình, thậm chí cần hơn những ngành nghề khác rất nhiều. Vừa hay lúc ấy thì bộ đôi Les Paul và cô vợ Mary Ford đang nổi đình đám làng nhạc. Leo Fender thân chinh tới tặng bộ đôi cây đàn mới của mình – Telecaster, nhưng cặp vợ chồng chỉ khẽ từ chối.

    Có lẽ Les Paul không muốn thừa nhận rằng người bạn thân của mình đã hiện thực hoá được giấc mơ mình canh cánh từ thủa trẻ.

    Ted McCarty, sói già của Gibson, cũng chính là người thâu tóm lại Bigsby sau này, đã đánh hơi được kẻ thù nguy hiểm Fender. Năm 1950, Ted trực tiếp vào nhà máy làm ra những cây đàn thân đặc thử nghiệm. Toàn bộ là Maple à ? Không ổn, nhiều sustain quá. Mahogany thì sao ? Cũng không ổn, quá mềm mại. Chuyện khá khó khăn khi điểm chung lớn nhất của Ted với… Leo Fender là cả 2 đều không hề biết chơi đàn, nhưng thích làm đàn ??!!

    Ted McCartey (phải) cùng Fred Gretsch.

    Cuối cùng thì cây đàn như một chiếc bánh kẹp với lớp top Maple và lưng Mahogany có vẻ ổn nhất. Cây đàn có dáng truyền thống và thân nhỏ hơn một chút để cân bằng trọng lượng. Chiếc đàn không tên ấy có chất âm dày mượt miên man, và tối hơn cây Esquire.

    Les Paul và vợ lúc này đang là cặp ca sĩ kiếm triệu đô, nên việc liên lạc không còn đơn giản như trước nữa. Ted tới gặp 2 vợ chồng qua tay quản lý Phil Braunstaine, đang quản lý tài chính cho 2 nghệ sĩ trẻ. Khởi hành từ New York sau một bữa sáng no nê và cây đàn prototype trong case.

    Ted McCarty, cái tên từng một tay thâu tóm làng sản xuất guitar.

    Tới nơi thì đã khuya, một đêm mưa gió dữ dội. Ted đặt chiếc mũ của mình xuống bên và đưa cây đàn cho Les Paul. Les Paul ngồi chơi, và chơi, và chơi trong im lặng, rồi ngẩng lên gọi “Mary, xuống đây với anh”. 2 vợ chồng ngồi ôm cây đàn thật lâu và thốt lên “Chúng tôi yêu cây đàn này”.

    Ted nhoẻn cười “Vậy chúng ta kí hợp đồng chứ nhỉ ?”

    Vậy Les Paul có phải là con át chủ bài của Gibson không ? Vậy thì chúng ta sẽ tới với một bật mí nho nhỏ: từ năm 1900 tới 1950, chỉ có 2 người duy nhất được Gibson tạo ra Signature model cho họ, và Les Paul là người thứ 3. Ted đề nghị được gọi cây đàn này là Les Paul Model khi ra mắt chính thức vào năm 1952.

    Les Paul và Mary Ford trong họp báo ra mắt mẫu đàn mới của Gibson, năm 1952 tại khách sạn Savoy, London.

    Gibson lách luật báo chí gọi đây là cây đàn điện thân đặc đầu tiên, bỏ lửng đi phần sự thật là đây là cây đàn thân đặc đầu tiên “do Gibson làm ra”. Les Paul được nhận tiền hoa hồng với mọi cây đàn bán ra, và thậm chí còn nhận luôn chính Les Paul là người thiết kế cũng như chế tạo ra cây đàn, để dùng danh tiếng của bộ đôi Les Paul – Mary Ford thúc đẩy doanh số. Tất cả với mong muốn cạnh tranh ngược lại với Fender, sau khi Fender đã được đi trước tận 12 năm.

    Và Gibson đã thành công thật ! Dưới cương vị một nhạc sĩ vào hàng thiên tài cũng như nhà phát minh, Les Paul đã càng ngày càng cải tiến cũng như đưa cái tên Gibson Les Paul đi xa hơn.

    Liệu cây gỗ ấy có còn là chính nó… ?

    Điểm khác biệt lớn nhất của Les Paul Model với tất cả những cây đàn thời ấy là… mặt top lồi. Gibson là nơi duy nhất có đủ trang thiết bị để làm ra mặt cây đàn lồi một cách chính xác, lí do cực đơn giản vì Les Paul thích… violin.

    Không có ai, kể cả Fender, làm được lớp top kiểu duyên dáng ấy, vậy nên Ted cho rằng đây sẽ là điểm cộng lớn cho doanh số. Ngoài ra, phần thân tuy đặc mà lại là ghép từ 2 phần gỗ khác nhau khiến chất âm của cây Les Paul trầm ấm, dày mượt của Les Paul khác hẳn với những cây hollow-body thời ấy cũng như cây Esquire của Fender.

    Les Paul có lẽ đã tiên phong việc tạo ra cây đàn thân đặc, nhưng chắc chắn, Les Paul Model không phải là The Log năm nào nữa. Les Paul Model là sản phẩm của Ted McCarty, và Les Paul đã góp phần đưa cây đàn này trở thành huyền thoại.

    Cậu trai 26 tuổi ngày nào bị một công ty lớn phũ phàng xua đuổi và cười chê, giờ tréo ngoe thay lại trở thành… chính chìa khoá đưa công ty ấy vào hàng ngũ huyền thoại.

    Năm 1966, chính sói già Ted McCartney là người đàm phán để Gibson mua lại Bigsby, lúc ấy những cây đàn của Les Paul được lắp bộ nhún trứ danh từ người bạn thân. Và tới sau này, sói già lại tiếp tục cố vấn cho Paul Reed Smith tạo ra một trong những kẻ đáng gờm nhất thế giới nhạc cụ hiện tại.

    Tại sao chúng tôi lại lôi PRS vào đây ? Vì năm 1994, PRS ra mắt hẳn một dòng đàn tên PRS McCarty để tri ân ông, trong khi toàn bộ các hãng đàn khác chưa từng nhắc tới tên Ted.

    Hồi kết ?

    Không, không phải hồi kết cho cây Les Paul. Đương nhiên rồi, tới giờ đây vẫn là một trong những dáng đàn phổ biến nhất thế giới, cùng với kẻ thù truyền kiếp của mình Telecaster, và em ruột hắn là Stratocaster.

    Có lẽ rất lâu nữa, chúng ta mới được chứng kiến sự ra đời của một dáng đàn huyền thoại mới. Có lẽ giờ đây Lester William Polsfuss và Leo Fender đang ở trên thiên đường, lại cùng nhau tranh luận về đàn như những tháng ngày xưa cũ thì sao nhỉ ?

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img