More

    1959 Gibson Les Paul Standard: Chén Thánh của cầm thủ

    Nếu các bạn lùng sục ở đáy sâu nhất mọi forum âm nhạc hay trang buôn bán guitar bất kì, chắc chắn bạn sẽ thấy được cây 1959 Gibson Les Paul Standard được giới chơi đàn khao khát như thế nào. Được sánh với Chén Thánh của Thiên Chúa, tới đó là ta biết rằng cây đàn này chứa một sức mạnh vô biên, cũng như những chủ nhân của chúng phải thuộc tầm xuất chúng.

    Thế nhưng cây đàn không phải sinh ra đã nằm trên nôi vàng, thậm chí năm 1959 cây Les Paul ấy xuất xưởng chỉ với giá $300 lại còn tặng kèm case và vài chiếc pick. Vậy chính xác thì cây Gibson Les Paul Standard của năm 1959 có gì đặc biệt ?

    Tính theo thời giá đã nhỉ

    Hiện tại một cây 1957 Gibson Les Paul Standard, được cho là có cấu hình gần nhất với 1959 sẽ có giá khoảng $100.000, còn chính xác cây 1959 Gibson Les Paul Standard có giá từ nửa triệu cho tới vài triệu USD. Tức là tối thiểu cây 1959 Gibson Les Paul Standard đã tăng giá trị lên khoảng 1666 lần từ mức giá gốc $300.

    Cây 1959 Gibson Les Paul Standard ‘Grainger Burst’ này có giá $500.000 lần gần nhất xuất hiện trên Reverb.

    Chính xác chỉ có 650 cây Les Paul Standard được Gibson làm ra trong năm 1959, nghĩa là cung cực thấp với con số cầu khổng lồ. Cơ mà tại sao chính xác phải là 1959 mới được ?

    Vẻ ngoài độc đáo

    Dù là một cây Les Paul bình thường, thậm chí là 1 trong 3 dáng đàn phổ biến nhất thế giới, nhưng không có bất cứ một cây Les Paul Standard nào trong mẻ 1959 giống nhau cả. Chất sơn Nitrocellulose màu Cherry Red thời ấy bị lỗi dẫn tới việc phai đi cực nhanh trước tia UV, thành ra mỗi cây đàn sẽ phai đi thành một tác phẩm riêng theo chủ nhân của chúng sử dụng chúng như thế nào.

    Một cây Sunburst đã phai đi gần hết màu đỏ, trở thành gần giống Lemon Top.
    Một cây Flame Top lại ngả màu gần giống Honey Burst.
    Một cây Sunburst đã hoàn toàn mất đi màu đỏ.

    Những ông chủ nổi danh

    Những cầm thủ nổi tiếng nhất thời ấy, và thậm chí là nổi tiếng nhất lịch sử đều vô tình tìm về với cây Les Paul năm 1959. Có thể kể tới những cái tên như Jimmy Page, Keith Richards, Eric Clapton, Jeff Beck, Duane Allman, Mike Bloomeld, Billy Gibbons, Joe Perry, Joe Bonamasa và cả người gắn bó nhất với cây Les Paul – Slash.

    Cây No.1 của Jimmy Page, cây đàn No.2 cũng là 1959 nhưng màu Tobacco Burst.
    Cây “Beano” gắn liền với hình ảnh Eric Claton ở Cream, sau này bị… mất trộm.
    Jeff Beck với cây 59 của mình, cũng bị… mất trộm luôn.
    Slash với cây 59 được qua tay Kris Derrig.
    Joe Bonamasa cũng không kém cạnh.
    Rick Nielsen cũng mua lại một cây với giá siêu chát từ… Geddy Lee ??!!

    Đây không phải cây đàn đầu tiên của họ, cũng không phải cây đàn duy nhất. Nhưng có lẽ do… may mắn mà những cây 1959 Gibson Les Paul ấy lại luôn được họ sử dụng trong thời kì hoàng kim nhất của sự nghiệp chăng ? Tới giờ thì chúng ta đào sâu thêm một chút nào.

    Những chi tiết nhỏ mà rất “người”

    Cây 1959 vẫn sử dụng pick-up PAF truyền thống của Gibson. Lúc ấy, việc quấn dây đồng cho pick-up vẫn hoàn toàn làm bằng… sức người, thế nên chỉ cần nhân công nhà máy lơ đãng đi một tích tắc là chiếc pick-up có thể thừa hoặc thiếu số vòng dây.

    Điều này có vẻ là cách giải thích hợp lý nhất khi tiếng những cây 1959 đều rất “nóng”, “gắt” và thậm chí có nhiều phần hơi… thiếu kiểm soát. Chính điều ấy lại làm nên sức hút ma thuật khi mọi kĩ thuật vibrato, bend đều có độ chi tiết sâu hơn một cách khác thường. Nhất là với những tay có lối chơi đầy cảm xúc như Joe Bonamasa thì cầm vào cây đàn này như “hổ mọc thêm cánh”.

    Tháo cái cover ra nhìn cùi ghê không…

    Ngoài ra, có một truyền thuyết chưa bao giờ được Gibson chính thức công nhận nhưng những luthier truyền tai nhau rằng lô đàn 1959 không dùng nam châm AlNiCo 4 tiêu chuẩn. Có lẽ Gibson để chạy đủ số lượng đã dùng lẫn cả những loại nam châm khác, khiến những cây đàn này có chất âm khác hẳn. Loại nam châm được trộn vào ấy được đồn chính là AlNiCo 2.

    Những cây đàn năm 1959 cũng có thông số cần… không chính xác như những cây đàn cùng thời. Vì vốn thời đó với công cụ thô sơ, công nhân chế tác được phép sai số 1/8 inch, và đôi lúc chỉ một xíu như vậy đã khiến cho những cây đàn có chất âm khác hẳn nhau.

    Cũng là một năm kì lạ, khi lô năm 1958 thì có cần to và phím bé, trong khi năm 1960 lại có cần mỏng và phím to. Những cây đàn năm 1959 có cần to và phím cũng to luôn, tạo ra cảm giác rất… nạc, rất chắc tay. Thế nên trong bộ 3 Burst huyền thoại thì 1959 vô hình chung lại thành những cây đàn được yêu thích nhất.

    #9 0627, #9 1854, #9 0823 và #9 0629.

    Và cuối cùng là gỗ. Những cây gỗ Mahogany được sử dụng năm ấy rất kì lạ và thậm chí có những cây đàn 1959 mà vân gỗ xoáy tùm lum. Chính gỗ sử dụng làm thân đàn cho những cây 1959 quyết định một phần không nhỏ tới chất âm kì diệu của chúng. Và đâu có 2 cái cây nào ngoài tự nhiên giống hệt nhau đâu, khiến cho cuộc chơi càng lúc càng thiên về cảm tính mỗi người.

    Tạm kết

    Như một thùng rượu quý, những cây 1959 Gibson Les Paul ấy càng qua thời gian lại càng hay. Hay do chính những danh thủ cầm chúng càng ngày càng xuất sắc ? Điều ấy khó có thể biết được, nhưng chắc chắn vị trí “Chén Thánh” còn thuộc về cây đàn này dài dài.

    Vậy nếu có trong tay nửa triệu USD, liệu các bạn sẽ thử tìm cho mình một cây 1959 chứ ?

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img