Năm 1993, Nirvana nguội dần sau khi album phòng thu gần nhất In Utero (1993) có màu sắc thô ráp và khá đi ngược thị hiếu. In Utero vẫn được đánh giá cao, khi thứ âm thanh ít phổ thông đầy màu sắc riêng của Nirvana ấy thách thức thị hiếu của người hâm mộ chứ không phải thứ nhạc bừa bãi được lấp liếm với câu từ có cánh.

Nhưng cái hay là sự nguội đi ấy giúp Kurt Cobain có thêm nhiều thời gian cho bản thân hơn. Dĩ nhiên với việc được báo chí tung lên tận mây xanh với cái tên “người phát ngôn của thế hệ” thì việc có một cuộc hẹn với hãng guitar lớn nhất thế giới Fender cũng không phải gì khó khăn cho cam.
Và đó là một buổi nói chuyện đầy hứng khởi. Kurt mang theo bản vẽ phác thảo nguệch ngoạc của mình với ý tưởng một cây đàn lai giữa 2 mẫu đàn Fender Jaguar và Fender Mustang với cái tên… Jag-Stang. Cả 2 đều là những cây đàn Kurt rất thích sử dụng trên sân khấu.




Kurt chém tay loạn xạ nói rằng mình muốn Headstock thật nhỏ, cần thật mỏng, phần cánh phải thật Jaguar, pickup phải là singlecoil của Mustang và “đít bự”. Và đặc biệt nhấn mạnh điểm cây đàn phải là theo chiều tay trái. Người được chỉ định làm phiên bản nháp là tay Master Builder có hạng của Fender Custom Shop, Larry Brooks. Chỉ kì cục ở chỗ Larry vốn thích làm những cây đàn… truyền thống hơn là điều gì đó phá cách.

“Buồn cười lắm, hắn chụp 2 cây đàn xong cắt đôi ra ghép lại làm phác thảo” Larry hồi tưởng “Ý tưởng của hắn khiến bọn tôi nặn đầu mãi mới cân bằng lại được. Thế mà gã có kiểu làm việc khá dễ chịu, tụi tôi ngồi với nhau vài lần rồi dựng bản nháp. Gã chơi cây đàn nháp ấy một thời gian rồi ghi hết mấy thứ cần chỉnh sửa lên cây đàn, gửi ngược về Fender. Sửa lại thì gã khen hoàn hảo luôn”.
Fender Custom Shop đã làm ra 2 cây thử nghiệm.

Phiên bản đầu tiên có body làm từ Basswood sơn màu Fiesta Red, phím 24”, cần 7.25” với mặt phím Rosewood 22 phím. 2 pickup đầu là phiên bản thử nghiệm sau này trở thành Fender Texas Special ở neck và DiMarzio H-3 ở Bridge. Phần floating tremolo bê nguyên xi từ Mustang và bộ khóa kiểu vintage. Thậm chí Larry còn ghi nhầm trên hộp chuyển hàng là “Kurdt Cobain/Jagstang”. Cây đàn ấy… chưa bao giờ tới tay Kurt Cobain, ít nhất là vậy.

Phiên bản thứ 2 cấu hình giống hệt được sơn màu Sonic Blue và gửi tới Kurt. Chính cây đàn này cũng là cây đàn Kurt sử dụng và ghi chú thích gửi ngược lại cho Fender tinh chỉnh. Cây Jag-stang Sonic Blue được Kurt sử dụng trong chính tour diễn In Utero 1994.
Bản thân Kurt là người cực kì chống lại việc hợp tác với các thương hiệu lớn cũng như việc thương mại hóa, nhưng Kurt tâm sự về cây Jag-Stang rất tâm đắc và không có vấn đề gì khi tên mình gắn liền với cây đàn guitar của thương hiệu lớn nhất thế giới.
“Kể từ khi tôi bắt đầu chơi đàn năm 14 tuổi” Kurt chia sẻ “Tôi có cảm giác khác nhau với những cây guitar khác nhau, nhưng chưa bao giờ tìm được sự hòa trộn chính xác cho lối chơi của mình cũng như Nirvana. Jag-Stang là thứ gần với sự hoàn hảo nhất với tôi, và tôi thích cái việc có một cây đàn xuất hiện trên thị trường mà chưa từng có một ý niệm nào của ai về việc nó sẽ tồn tại. Theo cách nào đó, tôi nghĩ việc tên mình gắn liền với Jag-Stang là bộ đôi tuyệt vời, và tôi coi mình như một anti-guitar hero“.

Lại nhắc tới cây đàn phiên bản đầu tiên, 1 năm sau, Larry đang đóng thùng lại để gửi cho Kurt sau khi tinh chỉnh cấu hình giống hệt bản màu Sonic Blue mà Kurt khen “hoàn hảo”. Tin dữ sét đánh ngang tai rằng Kurt đã mất ập tới, Larry buông thõng cuộn băng dính mà ngồi bần thần trong xưởng. Cây đàn ấy đã được trưng bày tại trụ sở Fender Custom Shop rất lâu trước khi được đem ra đấu giá.
Còn về cây Sonic Blue, vợ Kurt – Courtney Love – đã tặng lại cho tay guitar Peter Buck của R.E.M sau khi Kurt qua đời. Trong bản MV “What’s the Frequency, Kenneth?” năm 1994, Peter được quay cảnh chơi cây guitar bằng tay phải.

Theo ý nguyện của gia đình Kurt, Fender được ủy quyền mẫu đàn Jag-Stang. Nhà máy của Fender bắt đầu sản xuất đại trà Jag-Stang tại Nhật Bản từ năm 1995 và bắt đầu lên kệ năm 1996 trong dòng Special/Deluxe. Những cây Jag-Stang ấy được làm cho người thuận tay phải với giá 619.99$ (774.99$ nếu mua kèm case), bản tay trái thì đắt hơn 70$.
Đợt bán ấy chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 năm, Jag-Stang bị cắt sản xuất năm 1999 nhưng mau chóng trở lại cuối năm 2003 để “kỉ niệm 10 năm Kurt Cobain mất”.

Fender Jag-Stang chiếm vị trí quan trọng của riêng mình trong lịch sử Fender, dù nhỏ nhưng cũng có những tín đồ riêng của đứa con lai bất cần. Trớ trêu thay, đứa con nổi loạn ấy lại là kết quả từ 2 mẫu đàn rất truyền thống của Fender, cũng trớ trêu như cách Fender có thể thương mại hóa kẻ cực ghét “thương mại hóa” Kurt Cobain vậy.
Cho tới mãi sau này, Larry Brook vẫn hối hận cho rằng mình đã mất quá lâu để căn chỉnh lại cây đàn, ước gì xong sớm hơn thì Kurt có thể chơi chúng… nhiều hơn chút nữa.
Tạm biệt, Kurt Cobain.
