More

    Đằng sau Brown Sound, 5150 và 6505

    Không ai khác, Eddie Van Halen từ năm 1978 đã có số má trong làng nhạc… nhiều gain. Lối chơi và chất âm của Eddie chứa nhiều distortion đến mức nói không ngoa rằng đã thay đổi thế giới nhạc rock mãi mãi, khi mà người thời ấy lần đầu được nghe tới một thứ tiếng đàn mạnh mẽ như vậy. Giai đoạn những năm 70, thứ phổ biến nhất vẫn là thứ chất âm gai góc của tube amps được khuếch lên overdrive thôi, chứ chưa ai muốn đẩy hẳn lên tới mức tiếng đàn… nhòe đi như vậy cả.

    Và năm 1992, sau khi gia nhập gia đình Ernie Ball Music Man, Eddie cũng kí một hợp đồng với Peavey với mong muốn có một dòng amp của riêng mình vì đã chán ngấy Marshall Superlead, với cái tên 5150 quen thuộc.

    Dòng amp Peavey 5150 được bắt đầu thiết kế vào năm 1990 bởi kĩ sư James Brown. Lúc ấy James cũng không phải tay mơ khi đã sở hữu riêng cho mình hãng amp/pedal Amptweaker.

    Eddie Van Halen và James Brown.

    Mất tới 2 năm trời để James Brown có thể đạt được chất âm mình mong muốn với 5 bóng 12AX7. Chất âm đầu đời của Peavey 5150 mau chóng trở nên nổi tiếng với độ gain cực cao, dày mượt và hơi “gắt”. Với thiết kế tối giản mà trang nhã, dễ điều khiển, 4 mức gain, màu tiếng “độc nhất”, Peavey nổi lên mau chóng.

    Với danh tiếng của Eddie, không khó dự đoán khi Peavey 5150 đã sớm trở thành dòng sản phẩm chủ lực của Peavey. Tương đương với 5 bóng khuếch đại, 4 cho preamp và 1 để phase invert. Thậm chí nhà máy Peavey còn cạn kiệt bóng Sylvania 6L6 nên phải đổi qua Ruby Tube 6L6 kết hợp với 12AX7.

    Chất âm hi-gain đến mức gay gắt, biến tiếng đàn trở nên to khủng bố, sắc cạnh ấy được đặt cho cái tên là Brown Sound.

    Nhiều người cho rằng tiếng của Peavey 5150 được gọi là Brown Sound theo tên kĩ sư James Brown, nhưng Eddie Van Halen quả quyết rằng mình đã nghĩ ra cái tên này trong nhà máy Peavey khi miêu tả “Tôi muốn tiếng đàn của mình nghe như tiếng snare của anh trai tôi ý, ấm, khủng và kiêu hãnh, ông ấy có cái snare rất ‘nâu’, nghe như gõ vào thân gỗ lớn vậy”.

    Peavey 5150 bắt đầu lên sân khấu với Eddie từ năm 1993.

    Dĩ nhiên cuộc vui nào cũng có lúc tàn, nhất là cái thói thích chạy lông nhông của Eddie thì chẳng thể nào ở yên một chỗ. Tới năm 2004 thì Eddie chia tay Peavey. Trong thời gian hơn 10 năm ấy thì “Brown Sound” cũng như Peavey 5150 đã vô hình trở thành “chuẩn mực” của những ban nhạc tìm kiếm chất âm hi-gain rồi khi không chỉ Van Halen mà Colin Richardson, Andy Sneap và cả Machine Head đã góp phần khuếch đại danh tiếng của Peavey 5150 rất sớm.

    Đắng cay thay, Peavey 5150 là dòng amp signature của Eddie, nên Eddie bê nguyên xi bản quyền cái tên sang làm việc dưới mái nhà lớn Fender cùng thương hiệu EVH của riêng mình.

    Ơ chơi thế ai chơi cùng ông nổi ???

    Peavey thì cũng cay cú lắm, chẳng biết ông lớn Fender có sao chép gì đứa con tinh thần của mình không nhưng biết rõ mình không nên dây vào kiện cáo với tay này. Ngậm đắng nuốt cay chờ 1 năm, tức tới 2005 thì lại bán tiếp Peavey 5150 dưới cái tên Peavey 6505, bên trong thì y xì. Cái tên được đổi với lý do kỉ niệm 40 năm thành lập Peavey 1965 – 2005.

    Dĩ nhiên, ở sâu trong những diễn đàn guitar, người ta vẫn rỉ tai nhau rằng dòng 5150 “chữ vuông” là dòng nghe hay nhất, đập chết cả 6505 vì thay đổi loại bóng đèn trong quá trình sản xuất. Thậm chí họ còn thu và so sánh dải âm với nhau “Đấy 6505 sao rộng bằng””Amp EVH cũng chỉ bình thường thôi, không sánh với đồ cổ được”…

    5150 “chữ vuông” trong truyền thuyết.

    Nói gì đi chăng nữa, chất âm gain siêu cao Brown Sound đã trở thành phần quan trọng không thể thiếu của nhạc Rock, nhất là những biến thể kết hợp với effect khác nhau được sử dụng trong các dòng Metal khác nhau.

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img