Chia tay với Kramer không phải một vấn đề quá lớn với Eddie, vì Van Halen lúc ấy đã đủ cứng cáp để tự bay trên đôi cánh của mình rồi. Dù đã thành ngôi sao quốc tế nhưng Eddie vẫn chẳng thể nào bỏ nổi thú vui chui vào garage vừa nóng vừa bẩn để hì hụi tự làm ra một cây đàn cho riêng mình.
Phòng thu 5150
Nhất là từ năm 1983, khi Eddie đã tự mở cho mình phòng thu 5150 Studios tại California. Cái tên 5150 lấy từ… bộ luật 5150 của Bộ Phúc lợi California về các trường hợp tâm thần gây nguy hiểm cho cá nhân cũng như xã hội, hay còn là “ngáo” (?) khi ông bạn Donn Landee và ông thử cái máy… nghe trộm radio cảnh sát, đúng là hết cái để nghịch mà. Sau này số 5150 cũng được đặt cho album thứ 7 của Van Halen.
Mọi album của Van Halen từ sau năm 1984 đều thu tại 5150.
Và khắp 5150 Studios là những cây đàn đang làm dang dở, có cây sau này đã cùng ông quậy tung sân khấu, có cây thì mãi nằm xó.




Cây đàn Snake được cho là một phiên bản… ít thất bại hơn của Shark. Thậm chí Eddie đã dùng cây này để mở màn cho tour diễn bất hủ “World Vacation” nhưng chẳng hiểu sao sau này không còn sử dụng nữa.
Snake là biệt danh, chứ tên thật Eddie đặt cho cây đàn là “Custom Carved Mess”, tức đống điêu khắc hổ lốn…

Nhưng chính những ngày nghịch ngợm trong 5150 đã thay đổi hoàn toàn cách Eddie cầm một cây đàn khi thử nghiệm thêm rất nhiều dáng đàn, thông số cần đàn khác nhau.
Vực dậy một hãng đàn nữa
Năm 1984, Music Man phá sản khi doanh số tụt quá thấp vì những tiêu chuẩn “chỉ làm hàng cao cấp” của mình và phải “bán thân” lại cho Ernie Ball. Ernie Ball khi ấy khá chật vật để vực lại một cục nợ to tướng như Music Man, khi vài cây đàn đầu tiên dưới cái tên Ernie Ball Music Man hoàn toàn không thể bán nổi như cây acoustic bass Earthwood. Họ mất mấy năm trời tin rằng chỉ cần làm tốt sẽ có khách hàng theo lời Music Man.

Với tầm nhìn chiến lược của mình, Ernie Ball biết rằng không thể nào dụ dỗ khách hàng mua đàn nếu không có những hình mẫu thành công.
Vậy nên sau những cuộc họp dài, Ernie Ball Music Man quyết định phải tìm cho mình vài nghệ sĩ câu khách, đầu tiên là Steve Morse với dòng Steve Morse Signature năm 1987, ngay tiếp theo là Eddie năm 1990 với cây Axis. Việc này khiến Kramer rất không vui vì tính ra là Eddie “đi đêm” với đối thủ, dù là đối thủ nhỏ, và cây EVH Axis chơi hay một cách đáng ngạc nhiên.


2 cái tên dĩ nhiên không thể mang Ernie Ball Music Man lên tới tầm Fender, Gibson hay Kramer thời ấy, nhưng đủ để họ duy trì. Mặt khác, dù Ernie Ball là đội ngũ quan trọng hơn về hình ảnh, nhưng tính tỉ mỉ, cầu kì của Music Man với những bộ Piezo, cần 6 vít, nước sơn Resin bóng loáng,.. sự kết hợp ấy đã khiến Ernie Ball Music Man tránh được việc… phá sản một lần nữa, cũng như dần trở thành tay có số má trong làng buôn bán guitar giá tầm trung và cao cấp (tới năm 1991 Ernie Ball mới làm đàn giá rẻ với số lượng rất ít.
Eddie rất thích thú với chiếc cần rộng bản 1/32′‘, đội ngũ của hãng gãi đầu bảo do thấy Eddie hay bị trượt dây E khỏi cần với tốc độ chơi của mình nên quyết định căn chỉnh cho phù hợp gã. Một tiểu tiết nhỏ như thế thôi đã khiến Eddie cầm Axis lên sân khấu nhiều hơn cả hãng đàn khổng lồ đang nắm hợp đồng Kramer.


Chẳng phải hoài nghi, sau khi dứt hợp đồng với Kramer chỉ 1 năm sau (1991), Eddie Van Halen đầu quân ngay cho Ernie Ball Music Man, trở thành một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của hãng.

Đặc biệt chiều chuộng Eddie, Ernie Ball Music Man đã tìm cách giúp gã chế tạo hệ thống DTuna nổi tiếng để có thể hạ dây xuống 1 cung trong nửa giây. Thậm chí hãng còn cho Eddie giữ toàn bộ bản quyền thiết bị. Thế là ngoài Floyd Rose từ gã bạn quý, giờ lối chơi của Eddie còn dị hợm và linh hoạt hơn rất nhiều với DTuna, dòng máu quái vật Frankenstrat lại một lần nữa trở nên xuất chúng hơn.
