More

    Blackie của Eric Clapton: Tri kỉ của nhạc sĩ huyền thoại

    Trong tất cả những cây đàn mà huyền thoại Eric Clapton đã sử dụng xuyên suốt sự nghiệp âm nhạc của mình, có lẽ nổi bật và gắn bó với ông nhất chính là cây đàn chinh chiến tới mức bị thời gian bào mòn đầy sẹo. Đúng vậy, chính là cây “Blackie” nổi tiếng.

    Trong khi cái tên thì quá dễ giải thích vì màu sơn của cây đàn là… đen. Thì việc giải mã cấu tạo của Blackie lại là câu chuyện hoàn toàn khác, chính bản thân Eric Clapton cũng thừa nhận “Blackie là một cây đàn phức tạp”.

    Câu chuyện bắt đầu từ

    Năm 1970, Eric Clapton đang ngập tràn trong danh vọng, tiền tài với tài năng chói sáng của mình, dĩ nhiên, đi kèm là những đãi ngộ phần vì quan hệ, phần vì ngưỡng mộ ông chứ sao nữa.

    Trong một lần mua sắm tại cửa hàng nhạc cụ Sho-bud tại Nashville, chủ cửa hàng đưa Eric Clapton vào một căn phòng đằng sau với một giá đàn đặc biệt chất đầy những cây Fender Stratocaster vintage trong tình trạng hoàn hảo từ những năm 1950. Chủ cửa hàng đưa ra cái giá cực ưu đãi chỉ 200 tới 300$ cho một cây, nên Eric đã mua sạch cả giá đàn 6 cây. Hiện tại, một cây Fender bản những năm 1950 ở tình trạng từ trung bình tới tốt đều có giá vài ngàn Đô la.

    Cửa hàng Sho-bud là tay có số má với cộng đồng Steel Guitar.

    Khá là tình cờ khi Eric chỉ mới thích đàn Fender khi nhìn thấy người bạn Steve Winwood của mình có một cây Stratocaster màu trắng, trước đó Eric Clapton gắn liền với hình ảnh cây Gibson khi chơi cho ban nhạc Cream.

    Steve Winwood sau này trả lời phỏng vấn rằng “Tới lúc đọc hồi kí của Eric tôi mới biết lão thích Stratocaster vì mình chơi đấy, tự hào phết”.

    Eric nghĩ một mình mình chơi ngần này đàn thì thừa quá nên quyết định tặng cho 3 ông bạn Pete Townshend (The Who) Steve Winwood (Blind Faith) và Geogre Harrison (The Beatles), toàn cái tên số má cả, và giữ lại 3 cây cho mình.

    Hành trình mày mò

    Eric Clapton chơi cả 3 cây đàn, nhưng lòng thì thầm thích cây màu đen nhất. 1 năm sau ấy là khoảnh khắc đen tối của sự nghiệp khi chứng nghiện rượu của ông ngày càng nặng và còn thêm cả việc sử dụng ma túy, nên ông dọn tới Surrey và tạm nghỉ việc biểu diễn.

    Trong quãng thời gian ấy, ông gặp được luthier vào hàng ngũ bậc thầy của các bậc thầy, Ted Newman Jones.

    Giới độ chế đàn luôn rỉ tai nhau về Ted như một nhà bác học điên thiên tài, thoắt ẩn thoắt hiện và làm việc cực kì tùy hứng, thậm chí tới cả Rolling Stones còn mất tới 9 năm mới có thể tìm được ông, và lâu hơn thế để xin được 1 cơ hội phỏng vấn. Rất nhiều cây đàn qua đôi tay ông trở thành bảo vật như cây đàn của Keith Richards, Bob Dylan, Ron Wood..

    Eric Clapton và Ted Newman Jones đã ngồi làm việc rất lâu với 3 cây đàn để cho ra phiên bản hoàn hảo nhất. Eric thì cá nhân thích nhất thân đàn của cây ’56 Strat màu đen, nên 2 cây còn lại trở thành vật tế. Pickup từ cây này, plate từ cây nọ, tất cả được tháo tung ra trên “bàn mổ”.

    Cần đàn “V” shape từ cây ’57 Stratocaster, 2 chiếc pickup (khoảng năm) 50s và 1 pickup 70s. Đặc biệt khác với những tay guitar cùng thời, Eric Clapton cực ghét dùng cần nhún nên lò xo vibrato được xiết căng cũng như chặn luôn cả phần vibrato.

    Cây đàn sinh ra dành cho Clapton khi cầm lên tưởng chừng là một phần cơ thể, và đã khơi lại cảm hứng âm nhạc của ông để có động lực dần dần tránh xa ma túy.

    Blackie xuất hiện lần đầu trước công chúng ngày 13 tháng 1 năm 1973, vào buổi Rainbow Concert danh tiếng mà Pete Townshend tổ chức để vực người bạn Eric của mình ra khỏi hố sâu nghiện ngập.

    Mảnh ghép hoàn hảo

    Eric Clapton như “nghiện” cây đàn, và chính Blackie cũng đáp lại chủ nhân với tiếng đàn có một không hai của mình. Blackie bên Eric trên mọi sân khấu và cả phòng thu, cho ra đời những bản hit để đời nhất của sự nghiệp Eric Clapton như “Cocaine”, “I Shot The Sheriff”, “Wonderful Tonight”, “Farther Up the Road”, “Lay Down Sally”..vv và cả những phiên bản của ca khúc “Layla”.

    Mãi bên nhau bạn nhớ.

    Dĩ nhiên, với cường độ chinh chiến như vậy, Blackie thường xuyên phải được bảo dưỡng, nhưng vẫn không tránh khỏi những xây xát lớn. Cần đàn đã mỏng tới mức mà năm 1985 suýt thì Blackie phải “về hưu”, nhưng do quá nặng tình, Eric Clapton đè đầu các guitar tech ra mà bắt sửa bằng được. Phím đàn cũng được đóng lại nhiều lần, và những chiếc pickup được lên đời theo năm tháng, sau này Blackie cũng chuyển về dùng 3-ways switch thay vì 5 truyền thống.

    Lee Dickinson, tay guitar tech của Eric Clapton từ năm 1979 bảo rằng “Nhỡ cây đàn làm sao khéo tôi chết luôn mất”.

    Mặt sau cây đàn tróc tới lõi sau bao nhiêu năm mài vào… mặt thắt lưng của Eric Clapton.
    Headstock cháy đen thui do thói quen cài điếu thuốc lá hút dở lên.

    Chia tay

    Năm 1988, Blackie không thể sửa được nữa, chỉ còn cách thay thế bộ phận toàn bộ. Eric Clapton rất buồn dù đích thân Fender đã ra mắt dòng đàn Eric Clapton Stratocaster thay thế cho ông, ông giữ mãi cây Blackie trong nhà, thi thoảng lôi ra cắm chơi 1 chút nhưng sợ tình trạng cây đàn tệ hơn nên lại cất đi.

    Ấy thế mà năm 2004, Eric Clapton quyết định thông qua Christie’s Auction bán đấu giá Blackie gây quỹ cho tổ chức Crossroads Centre, tổ chức hỗ trợ cai nghiện rượu và ma túy. Thế là một lần nữa, Blackie lại có thể giúp đỡ mọi người ra khỏi hố sâu nghiện ngập. Blackie tạm biệt Eric Clapton với mức giá khổng lồ thời ấy 959,000$.

    Và trở lại một cách huy hoàng

    Cuối năm 2005, Fender Custom Shop chi nhánh Corona may mắn mượn được Blackie từ người thắng đấu giá. Họ đã mổ xẻ, phân tích và giải mã thành công cấu tạo của Blackie. Đầu não của Fender Custom Shop tổ chức một cuộc họp của những luthier vào hàng đỉnh nhất thế giới dưới sự quản lý của Todd Krause bắt đầu nghiên cứu để hồi sinh Blackie.

    Todd Krause, Master Builder, một thiên tài về chế tạo guitar.

    Và họ đã thành công, một cây đàn giống… à không, chính Blackie đã trở lại. Nhưng Eric Clapton chỉ đồng ý cho họ tạo ra 275 cây, không hơn. 275 cây đàn mang tên Fender Eric Clapton Blackie Tribute Replica Masterbuilt Stratocaster 2006.

    Những Blackie “hậu thế” này giống Blackie gốc tới từng mm, từng vết xước, chất âm hoàn hảo đúc từ bản gốc ra, thậm chí còn đi kèm hộp đàn Duck Bros với số điện thoại London 01 486 8056. Cây đàn có kèm giấy tờ có chữ kí chính Master Builder Todd Krause và chữ kí của Eric Clapton.

    Hình ảnh chụp tại showroom Whammy Bar.

    Các bậc thầy của Fender Custom Shop còn tái tạo lại từng tiểu tiết nhỏ nhất như vết cháy thuốc lá trên headstock hay 1 khóa đàn màu vàng trong khi các khóa còn lại màu chrome.

    Hình ảnh chụp tại showroom Whammy Bar.
    Hình ảnh chụp tại showroom Whammy Bar.

    Eric Clapton phát cuồng với cây đàn này, như được cầm lại chính cây Blackie thủy chung yêu quý. Trừ cây của Eric giữ lại, 274 cây còn lại được bán với giá 24.000$ và đã hết sạch trong… 1 buổi chiều. Cho tới giờ, Eric vẫn sử dụng cây Blackie Tribute 2006 như cây guitar chính của mình.

    Một phần số tiền bán 274 cây đàn được đóng góp cho quỹ Crossroad Centre.

    Với giá trị lịch sử cũng như chất âm “Eric Clapton” hoàn hảo của mình, Fender Eric Clapton Blackie Tribute Replica Masterbuilt Stratocaster 2006 luôn là mục tiêu được săn lùng cũng như đấu giá của cả những người hâm mộ Eric Clapton cũng như các tay chơi nhạc muốn trải nghiệm cảm giác của huyền thoại nhạc blues rock.

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img