Mùa dịch người ta nghe gì?
Thật may là tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt, việc giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ phần nào. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, các diễn biến của Covid-19 vẫn còn rất phức tạp, dẫn tới các hoạt động xã hội của mọi người vẫn bị ảnh hưởng và thay đổi nặng nề. Bên cạnh việc “làm gì”, “chơi gì” thì “nghe gì” cũng đã ghi nhận những thay đổi mạnh mẽ.
Dữ liệu từ các dịch vụ stream nhạc trực tuyến cho thấy các tác phẩm kinh điển của các thể loại bluegrass, đồng quê và ca sĩ-nhạc sĩ (singer-songwriter) đang lên ngôi trong mùa dịch ngay cả khi số liệu tổng thể của dịch vụ này đang có dấu hiệu sụt giảm.
Hàng triệu người nghe đã và đang phải đối mặt với sự cô đơn, mệt mỏi, nhàm chán mỗi ngày mà đại dịch toàn cầu mang tới. Dù cho bảng xếp hạng nổi tiếng Rolling Stones vẫn bị thống trị bởi “Savage” của Megan Thee Stallion nhưng các số liệu đã khẳng định rằng, những người yêu nhạc, đặc biệt là người nghe ở thị trường Mỹ không tìm kiếm sự an ủi trong những giai điệu tổng hợp, mạnh mẽ (synthetic beats) mà trong những âm thanh mộc mạc hơn của acoustic guitar.
Trong hai tháng đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn các thính giả Mỹ đã rời xa khỏi dòng nhạc điện tử và hướng tới những giai điệu đồng quê cùng các tác phẩm kinh điển của các ca sĩ-nhạc sĩ nổi tiếng như Joan Baez hay Byrds và Bob Dylan.
Theo công ty dữ liệu Alpha Data, từ ngày 13/3 đến 7/5, các dịch vụ stream nhạc theo yêu cầu của Mỹ đã giảm 8% so với hai tháng trước đó. Yêu cầu phát cho các thể loại pop, dance và hip-hop giảm xuống 2 lần trong khi các dòng nhạc như đồng quê (country), nhạc rock nhẹ (soft rock) và bluegrass (một nhánh khác của dòng nhạc đồng quê) vẫn giữ vững phong độ và thậm chí còn ghi nhận tăng trưởng hai con số. Phân tích này được giới hạn trong khuôn khổ nước Mỹ – nguồn số liệu lớn nhất cho các bảng xếp hạng Rolling Stones.
Thật bất ngờ, Pop ghi nhận cú lao đốc lớn nhất, lên tới 16%. Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này là yêu cầu phát nhạc của những cái tên lớn (trong dòng Pop) như Billie Eilish hay Ariana Grande đều rớt thảm hại tới 31% và 20%. Bên cạnh đó, sự trì hoãn ra mắt do dịch của không ít album dự kiến sẽ được tung ra vào tháng 4, tháng 5 cũng đã dẫn tới một cơn khát nhạc mới cho khán giả. Vì lẽ đó, họ tìm tới những ca khúc pop “cổ xưa”. Điều này cũng được phản ánh trong số liệu khi yêu cầu phát cho nhạc của Madonna ít bị ảnh hưởng hơn, giảm 2%, thậm chí với nhạc của Prince, các yêu cầu đã tăng đột biến, lên tới 18%.
Hip-hop cũng chung cảnh ngộ, giảm 15%. Tuy nhiên, với sản phẩm mới nhất của Drake phát hành ngày 1/5 – Dark Lane Demo Tapes, dòng nhạc này cuối cùng đã trở lại được tình trạng số liệu trước dịch Covid. Nhạc Dance cũng đã giảm 11% trong 6 tuần liên tiếp trước khi trở lại bình thường vào cuối tháng 4.
Dù cũng phải đối mặt với sự khan hiếm nhạc mới do các album của Dixie Chicks, Luke Bryan, Margo Price và Willie Nelson đều bị hoãn lại nhưng các số liệu của dòng nhạc đồng quê vẫn tăng trưởng đều trên khắp các bảng xếp hạng, ghi nhận tăng 8% so với 8 tuần trước đó. Khi Kenny Chesney – ngôi sao của dòng nhạc này phát hành album đứng đầu BXH Top 200 của Rolling Stones mang tên Here and Now – nhạc đồng quê thậm chí đã chạm tới số liệu yêu cầu phát theo tuần cao nhất trong cả năm.
Yêu cầu phát cho các dòng nhạc gốc đồng quê, bao gồm cả honky-tonk và swing phương tây đã ghi nhận một sự nhảy vọt đáng kể, lên tới 22% so với 2 tháng trước. Nhạc dân gian tăng 9% và bluegrass tăng 5% trong khi Americana giữ vững phong độ. Lượng stream cho ca khúc bất hủ của John Denver – Leaving on a Jet Plane đã tăng 18% trong khi các tuyển tập của Townes Van Zandt tăng 12%.
Rock thì sao? Các độc giả của Whammy News chắc hẳn sẽ quan tâm hơn tới dòng nhạc nhạc này. Rock thì cũng có “Rock this” và “Rock that”. Chính vì vậy, các số liệu của dòng nhạc này ghi nhận sự khác biệt rất lớn giữa các nhánh. Các bài hát như “Dreams” của Fleetwood Mac hay “Homeward Bound” của Simon & Garfunkel có số liệu tăng trưởng hai con số. Trong khi đó, nhạc của Queen hay Slayer lại giảm lần lượt 8% và 11%. Có vẻ như, đây không phải là thời kỳ thích hợp để người ta tìm tới những tiếng gằn, réo của guitar điện hay những giọng hát gào thét đầy nội lực. Bằng chứng là yêu cầu phát cho hard rock và metal giảm tới 10% trong khi arena rock còn chấp chới giảm 23%. Ngược lại, acoustic rock lại nở rộ, âm nhạc của các ca sĩ-nhạc sĩ (singer-songwriters) ghi nhận bước nhảy vọt lên tới 8%, soft rock 5% và roots rock 4%.
Ngay trong chính danh mục cá nhân, các fan hâm mộ dường như cũng hướng tới âm hưởng acoustic nhiều hơn. Dù yêu cầu phát tổng thể cho nhạc của Taylor Swift rơi xuống 22% thì những sáng tác mang hơi hướng đồng quê của ca sĩ này từ những ngày đầu lại ổn định hơn cả. Yêu cầu phát cho nhạc của Bob Dylan tăng tổng thể 10%, đặc biệt với sự gia tăng lớn nhất tới từ các bản ballad dân gian nổi tiếng một thời của ông như “Let Me Die in My Footsteps” hay “Oxford Town”, lần lượt 30% và 23%.
Các xu hướng mà Alpha Data ghi nhận cũng đã phản ánh những gì mà các dịch phụ phát nhạc trực tuyến công bố. Người nghe Pandora bị thu hút nhiều hơn bởi bluegrass, country và folk-rock. Country Chill – đài radio nổi tiếng của dòng nhạc này đã thu được gần gấp đôi người nghe trong các giờ phát sóng. Trên toàn cầu, Deezer báo cáo sự tăng trưởng người nghe của các danh sách nhạc tổng hợp như Acoustic Escape, Happy Acoustic & Folk hay Acoustic Chill. Đáng chú ý trong số đó, Acoustic Escape đã nhận được yêu cầu phát nhiều nhất từ tháng 3 tới tháng 4. Tuy Spotify không công có báo cáo nào về sự tăng trưởng lượng nghe của các dòng nhạc acoustic, nhưng có một sự thật không thể phủ nhận rằng người nghe đã, đang và sẽ tiếp tục đắm chìm vào các thể loại âm nhạc dễ chịu và hoài cổ hơn, ít nhất là cho tới khi hết dịch.
Còn các độc giả của Whammy News thì sao? Mùa dịch vừa qua bạn nghe gì?