Hoàn thiện
Năm 1982, Eddie ngáp ngắn ngáp dài ra mở thùng thư buổi sáng, và thấy một gói hàng từ Floyd Rose. Trong đó chính là bản Prototype 1982 Floyd Rose Tremolo nổi tiếng vẫn được các nhà sưu tầm khát khao tới tận bây giờ. Bộ nhún được cải tiến đã hoàn toàn thay đổi cuộc chơi, khiến Eddie như hổ mọc thêm cánh.
Thế là đồng xu không còn cần thiết nữa, nhưng Eddie vẫn giữ nó lại trên thân đàn như một cách kỉ niệm tình bạn.

Eddie cũng đổi sang chiếc cần đàn khác (cũng mua tại chỗ Charvel) với head-stock kiểu Strat hiện đại hơn, headstock lấm tấm vết cháy do Eddie hay có thói quen cài những điếu thuốc đang hút dở lên khi chơi đàn.
Một chiếc đèn phản quang phía sau đã vỡ đôi trong tour diễn Fair Warning. Trong một lần bất cẩn, Eddie còn để dựa chiếc đàn vào tấm phông vừa in nóng hổi nên phía sau hơi ám màu xanh xanh vì sơn nữa. Nhưng đây là cây Frankenstrat hoàn thiện nhất và cũng là cây Eddie chơi thường xuyên nhất.


Cánh tay trái
Trong quá trình sơn Frankenstrat 1 thêm màu đỏ để chống đạo nhái năm 1979, Eddie có thêm 1 cây đàn nữa. Khởi đầu từ một cây Charvel được sơn lại màu vàng-đen, chính nhờ màu sơn này mà cây đàn có cái tên “Bumblebee” tức con ong. Cũng như Frankenstrat, Bumblebee được ghép từ 2 cây đàn khác nhau nên được biết tới đầy đủ hơn dưới cái tên Charvel Hybrid VH2 (Van Halen 2).

Phiên bản gốc của Bumblebee được lắp Vintage Fender Tremolo, cũng như pickup DiMarzio Super Distortion. Dần dà Eddie cảm thấy tiếng đàn hơi “gắt” không phải kiểu mình thích nên mày mò tháo tung chiếc pickup ra thay hết nam châm thành nam châm từ chiếc pickup Gibson PAF Humbucker và tự quấn dây đồng lại bằng tay. Cũng giống như ở Frankenstrat, chiếc pickup Gibson PAF được Eddie tự tay nhúng sáp để tránh microphonic.

Xét về thời điểm thì có lẽ Bumblebee không được sử dụng trong quá trình thu âm album kinh điển “Van Halen II”, nhưng trên bìa sau của album lại có hình Eddie ôm cây đàn. Nhưng trong tour diễn nổi tiếng World Vacation thì Bumblebee chiếm trọn ánh đèn sân khấu, lúc này cũng được nâng cấp thêm bộ nhún Floyd Rose cho đỡ tị nạnh với Frankenstrat.


Bumblebee đóng góp rất lớn trong quá trình hoàn thiện Frankenstrat, khi Eddie dùng 2 cần đàn thay đổi liên tục trên Bumblebee nhằm xem mình… chơi cái nào hợp hơn để lắp qua cây Frankenstrat, gồm 1 cần có headstock đen sơn logo Charvel gốc đi kèm đàn, và một cần không tên mua thêm cũng ở chỗ Charvel.
Sau này cây Bumblebee được đặt trong quan tài cùng Dimebag Darrell như một món quà cuối cùng từ Eddie.
Cuộc gặp gỡ đổi đời
Năm 1981, Eddie Van Halen gặp giám đốc điều hành của Kramer Guitars – Dennus Berardi. 2 người nói chuyện rất hợp dưới cương vị anh em, nhưng làm ăn lại là… chuyện khác.

Lúc ấy, Kramer đang là kẻ khổng lồ mới nổi của giới guitar, liên tục săn lùng những tay guitar trẻ mới nổi với những bản hợp đồng “kẹo ngọt kẹp dao lam”. Eddie thì chẳng có vấn đề gì với Kramer vì vốn có chơi đàn Kramer đâu, nhưng Dennis cứ dỗ ngọt, Eddie lại cương quyết không chịu vì… đàn Kramer dùng nhún Rockinger, mà Eddie đang quen dùng bộ của ông bạn Floyd Rose tặng rồi.
Dennis liên tục kháy kháy rằng “Mày không thấy đàn của mày bị bọn nó copy suốt hả” đã động ngay vào chỗ ngứa của Eddie. Cũng đúng, Eddie thì đang chán chuyện bị nhái đàn, lại cũng cần một nhà tài trợ cứng cho Van Halen mới chập chững thành công trở nên bền vững hơn nữa.

Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng… rất nhiều tiền. Dennis mua luôn cả Floyd Rose, trong buổi nhậu bàn chuyện làm ăn ấy Eddie đồng ý gia nhập gia đình Kramer, trong cơn say túy lúy mà luôn miệng khẳng định chắc nịch “Em sẽ đưa Kramer trở thành công ty guitar số 1 thế giới”.
Với Floyd Rose và Schaller, Eddie cùng Kramer đã chính thức đặt mốc khai sinh cho những cây Superstrat sản xuất đại trà công nghiệp. Năm 1983 Kramer là công ty đầu tiên trên thế giới lắp sẵn nhún Original Floyd Rose trên những cây đàn bán ra, kèm với Schaller Tuners
Cuối năm 1983, Kramer đổi kiểu headstock nhọn mỏ chim thành hình quả chuối tựa tựa Gibson Explorer cho phù hợp thị hiếu. Tới 1985 thì chiều ý Eddie đổi hết pickup Schaller (vốn trước giờ luôn là pickup stock của đàn Kramer) sang Seymour Duncan.
Và lời nói của Eddie đã thành sự thật, không chỉ là cái tên Van Halen đang là ngôi sao sáng chói của hard-rock mà còn đảm bảo từng cây đàn bán ra đều được thiết kế bởi một người chơi đàn thực thụ, cuối năm 1985, doanh số của Kramer đứng đầu thế giới guitar.

Kramer tung mẫu đàn Baretta, dựa theo chính cây đàn của Eddie. Baretta nghiễm nhiên trở thành sản phẩm chủ lực của Kramer lúc ấy, cũng như góp phần không nhỏ trong việc phổ biến mô hình Superstrat với 1 pickup duy nhất.

Năm 1986, Kramer lại trở lại kiểu headstock nhọn như cũ, sau khi Jackson/Charvel, Hamer và Washburn đánh thị trường ngách. Vẫn với bộ tứ Eddie, Schaller, Floyd Rose, Seymour Duncan, công ty Kramer bảo vệ thành công danh hiệu, tiếp tục là công ty guitar số 1 thế giới năm 1986.


Sau khi David Lee Roth rời Van Halen và được thế chỗ bởi Sammy Hagar, với tiềm lực kinh tế khủng của Kramer đằng sau, Eddie chỉ việc ngồi chơi đàn cả ngày, và khẳng định tài năng của bản thân với tuyệt phẩm kinh điển 5150.
Tưởng chừng ngày vui không thể nào tàn, thế mà Eddie và Kramer chia tay năm 1991. Cho tới giờ, Eddie vẫn dành những lời khen thật lòng cho Kramer, thậm chí dòng Ernie Ball Music Man của Eddie dùng thông số cần đàn giống hệt cây Kramer 5150 năm xưa.
Nhưng những năm tháng ấy cũng đủ tạo ra một thế hệ Frankenstrat/Superstrat khổng lồ và đều vào hàng lịch sử với chất âm Van Halen không lẫn đi đâu được.
Dưới đây là một số cây Frankenstrat của Eddie sử dụng trong thời gian này:

Từ trái sang: Kramer 5150, Kramer 1984, Kramer Hot For Teacher, Kramer Custom Sustainer, Kramer Barretta với Berger Transtrem và Kramer Baretta với cần đàn Gibson Explorer.

Từ trái sang: Kramer vô danh, Kramer Ad Replica, Kramer Edward Constructed, Kramer Striped, Kramer 918V, Kramer Baretta 5150.