Radiohead – ban nhạc luôn được nhắc tới như một nhà tiên phong trong sự kết hợp giữa âm nhạc và công nghệ đã mở cửa kho thư viện trực tuyến của mình – nơi lưu trữ toàn bộ các sản phẩm của band theo trình tự thời gian. Có vẻ như sau nhiều thập kỉ “rải rác” các ca khúc, video, visual hiếm khắp nơi, ban nhạc đã quyết định thu gọn tất cả về một mối để các fan hâm mộ của mình có thể tiếp cận một cách nhanh chóng và miễn phí. Nếu bạn là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của ban nhạc hàng đầu UK này thì Radiohead Library là kho tàng quý giá mà bạn nhất định phải xem. Với những người nghe nhạc bận bịu hơn, hãy để Whammy Bar chọn ra 7 sản phẩm thú vị nhất của Radiohead mà bạn sẽ không thể kiếm được ở đâu khác ngoài thư viện đặc biệt này.

Nếu bạn thắc mắc về hình ảnh của “những cậu trai trẻ” Radiohead vật lộn qua những tháng ngày “phá kén” thì Drill EP- EP thương mại đầu tiên của band là một sản phẩm không thể bỏ qua. Lắng nghe những chất liệu “vị thành niên” của Radiohead trong Drill EP và so sánh với những kiệt tác sau này, các fan hâm mộ có thể hình dung phần nào bước nhảy vọt vĩ đại mà band nhạc huyền thoại của dòng nhạc alternative rock/experimental rock đã thực hiện được kể từ những ngày đầu hình thành. Phần lớn các track trong EP này đã được chỉnh sửa, phối lại để xuất hiện trong album debut của band ra đời một năm sau đó mang tên Pablo Honey. Có thể thấy, âm nhạc của Radiohead trong giai đoạn khởi đầu ấy có vẻ gì đó hơi nghiêm túc, đôi chút tẻ nhạt và trên tất cả là non trẻ và đầy nhiệt huyết.

Dù bạn có ghét Radiohead tới mức nào thì cũng không bằng Radiohead tự ghét chính mình trong suốt thời gian Grant Gee quay bộ phim tài liệu Meeting People Is Easy năm 1998. Bộ phim ghi lại hành trình đi tour mệt mỏi của ban nhạc Radiohead sau những thành công họ có được từ album phát hành năm 1997 OK Computer. Bộ phim đã được đề cử giải Grammy cho hạng mục Phim âm nhạc hay nhất vào lễ trao giải lần thứ 42 của giải thưởng này, diễn ra năm 2000. Gần 20 năm sau, Meeting People Is Easy vẫn là bộ phim tài liệu hay nhất về sự nổi tiếng khó chịu một cách kỳ cục của ban nhạc này. Đây thậm chí còn có thể là bộ phim hay nhất từng được làm phơi bày những mặt trái trớ trêu của sự nổi tiếng.

Radiohead đã không quay bất kì video nào cho album Kid A. Thay vào đó, họ đã làm một chuỗi những clip đồ họa bí ẩn, diễn tả những cơn ác mộng không rõ bối cảnh chỉ ngắn 10 giây mà họ gọi là “blips”. Xem lại những clip kỳ lạ ấy vào thời điểm hiện tại, chúng ta sẽ thấy Radiohead đã đi trước thời đại như thế nào bởi chúng chẳng khác gì những clip teaser, promo cool ngầu, nghệ thuật trên các nền tảng online như Instagram, Snap chat bây giờ.

4. The Most Gigantic Lying Mouth of All Time, Episode 4
Với album ra mắt năm 2003 – Hail to the Thief, Radiohead đã nghĩ ra “cuốn tiểu thuyết bằng hình ảnh” mới mang tên “Radiohead TV” – đài phát sóng các bộ phim ngắn được thực hiện bởi chính ban nhạc và những người hâm mộ. Giờ đây, những ai đã bỏ lỡ “cuốn tiểu thuyết” ấy có thể xem lại một phiên bản tổng hợp đầy đủ do ban phát hành năm 2004 – The Most Gigantic Lying Mouth of All Time. Tuyển tập bắt đầu với tập 4 và tập cuối, xen kẽ với những track chưa từng được phát hành như “Chernobyl 2” và “5ths Reversed” cùng video phác thảo siêu thực hình George W.Bush khiêu vũ bốn cặp, những clip hậu trường ấm áp và phần giọng robot “No Surprises” kinh điển trong album OK Computer.

“I Am a Wicked Child” – ca khúc được rút ra từ EP Com Lag là một bài hát bị quên lãng bởi ngay chính không ít fan cứng của ban. Bài hát ấy có cái gì đó mang âm hưởng Beatles với phần vocal được nhân đôi, sự xuất hiện của Mother Mary cùng màu sắc “rên rỉ” đặc trưng từ kỹ thuật “wailing” của harmonica. Trong rất nhiều năm, bản live duy nhất của bài hát này mà bạn có thể tìm được là trích đoạn từ show diễn năm 2002 của ban. Giờ đây, các fan hâm mộ có thể nghe được bản thu live chất lượng cao hơn rất nhiều từ chương trình trực tuyến năm 2000 của band “Amateur Night III”. Tất cả đều có trên Radiohead Library.

6. “Ceremony” (New Order cover)
Radiohead đã đi trước thời đại phát sóng qua phương thức “streaming” bằng việc gửi đi rất nhiều video thông qua mạng ethernet vào cái thời điểm mà truy cập quay số đang thịnh hành (dù phải thừa nhận rằng chất lượng của các video ấy có sạn đôi chút). Giờ đây, rất nhiều sản phẩm từ những ngày đầu tiên tưởng như đã bị chìm trong những đụn cát công nghệ số như “Amateur Night II” hay “Inside Out Night” đã được sắp xếp và phát hành dưới một hình thức ít sạn hơn. Một trong những sản phẩm cũ được yêu thích nhất là “Thumbs upsidedown” (2007), trong đó có bản cover tràn đầy năng lượng ca khúc kinh điển năm 1981 của New Order – Ceremony. Bản nhạc dài 3 phút ấy đã cho thấy hình ảnh 5 chàng trai trẻ Radiohead “dập đàn” cuồng nhiệt để chơi ca khúc mà họ yêu thích một cách vô cùng sinh động.

7. The King of Limbs: From the Basement video
Với các fan cứng của Radiohead, “The King of Limbs” có vẻ là thời đại ngắn và có ít sự tiến bộ nhất của ban. Album chỉ bao gồm 8 ca khúc nhưng lại có quá nhiều “filler tracks” được nhiều người đánh giá chỉ giống như 2 EP gộp lại. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong thời đại mờ nhạt ấy chính là live set “The King of Limbs: From the Basement”. Set diễn bao gồm phiên bản “cơ bắp” hơn của 8 ca khúc trong album cùng với các single bổ sung đặc biệt là “Staircase”, “Supercollider”, “The Daily Mail” được thu tại Maida Vale Studios và được sản xuất bởi Nigel Godrich. Clive Dreamer đã tham gia cùng Radiohead trong set diễn này với vị trí bộ gõ và kèn horn trong một vài ca khúc.
