Nối tiếp kỳ 1 đã được Whammy Bar đăng tải tại: http://news.whammybar.com/index.php/2020/04/23/pho-hay-fuzz-phan-1/
Gương mặt thân quen Fuzz Face
Bên cạnh Vox Tone Bender MK1,5 với 2 bóng bán dẫn, cũng có vài dòng sản phẩm từ kết quả của việc chỉnh sửa mạch Tone Bender gốc. Dallas Arbiter Fuzz Face là 1 trong số đó, bắt đầu nghiên cứu vào cuối năm 1965 và lân la thị trường vào năm 1966, tác phẩm của Ivor David Arbiter. Ngoài ra Ivor có tác phẩm khác là… logo chữ T to của The Beatles. Fuzz Face được lấy ý tưởng từ cái… chân microphone, nên tròn xoe khác hẳn những pedal cùng thời, cái tên Fuzz Face cũng là chủ ý gợi tới việc với 2 núm, chiếc pedal này nhìn như 1 khuôn mặt vậy.


Fuzz Face đời đầu khác hẳn bạn bè cùng lứa khi dùng bóng bán dẫn bằng chất liệu Germanium. Chính nhờ chất liệu đặc biệt này, Fuzz Face có chất âm ấm áp hơn hẳn nhưng nhược điểm là… thiếu ổn định, cứ mỗi khi bị nóng quá là chất âm sẽ nhảy lung tung giữa bài. Vì thế nên sau này Dallas Arbiter chuyển sang dùng bóng bán dẫn silicone, ổn định lại nhưng chất âm lại hơi hướng sắc, gọn hơn.

Dallas Music Industries ngừng sản xuất dòng Fuzz Face từ năm 1977, sau đó lại tái sản xuất ở công ty con của họ Crest Audio vào năm 1986. 1993 thì Dunlop Manufacturing lại giành quyền sản xuất cho tới tận ngày nay. Chính vì thay đổi liên tục như vậy, lại cứ thay đổi chất liệu bóng bán dẫn mỗi lần thế nên Fuzz Face của những năm khác nhau có chất âm rất… khác nhau. Có thể liệt kê ra cả chục loại bán dẫn từng được thử nghiệm như NKT275 germanium , BC183L, BC183KA, BC130C, BC108C, BC209C và BC239C..v.v nên Fuzz Face có 1 cộng đồng người hâm mộ riêng luôn háo hức tìm tòi về gia phả của cục pedal tròn xoe này.

Ngoài ra cũng giống như Tone Bender, Fuzz Face cũng có lỗi nguồn điện khi chạy pin, dẫn tới những cục pin tình trạng khác nhau sẽ cho ra tone khác nhau.
Bất chấp sự thiếu ổn định, Fuzz Face được ưa thích bởi rất nhiều tay guitar thời đó, đặc biệt là Jimi Hendrix. Jimi tận dụng chính sự bất ổn của Fuzz Face để đặt nó vào giữa 1 pedal wah của Vox và 1 pedal Uni-vibe, tạo ra tiếng guitar độc đáo của mình.

Fuzz tới tận hằng số
Năm 1969, Electro-Harmonix chính thức gia nhập cuộc chơi với Muff Fuzz trong vỏ LPB-1. Muff Fuzz cũng sử dụng mạch 2 bóng bán dẫn, nhưng được “gia vị” lại khiến chất âm fuzz được đẩy tới tối đa hoàn toàn, thậm chí ở 1 số điểm còn nghe hoàn toàn không còn là tiếng guitar mà dày mượt, ngân dài như tiếng Violin. Muff Fuzz được coi như bản nâng cấp hoàn hảo từ 2 người thử nghiệm tiền nhiệm EHX Axis và Guild Foxey Lady.


Điểm bất tiện của Muff Fuzz là được gắn trong vỏ bọc của LBP-1, nên không tính là pedal mà gần giống 1 effect module hơn.

Nhận thấy sự bất tiện của Muff Fuzz, Electro-Harmonix ngay lập tức cải tiến tiếp cho ra đời Big Muff Pi (π). Ngay lập tức, Big Muff Pi trở thành thành công lớn, thành bộ mặt thương hiệu cũng như là cánh buồm kéo doanh số của EHX lên vèo vèo.

Tương tự như những pedal fuzz khác, Big Muff Pi cũng có đội nghệ sĩ “ruột” của mình như Thin Lizzy, Kiss, Frank Zappa v.v và nổi bật nhất chính là David Gilmour, người dùng Big Muff Pi trong gần như tất cả các nhạc phẩm của mình.

Big Muff Pi có điểm cộng lớn nhất là cực kì ổn định, chuẩn mực của việc sản xuất công nghiệp nên trăm cục đều như 1. Chính nhờ sự ổn định ấy mà Electro-Harmonix có thể cải thiện chất lượng liên tục và đảm bảo chắc chắn bản cải tiến sẽ có chất âm khác bản cũ.

Sự thành công vượt trội ấy khiến Mike Matthews , ông chủ của Electro-Harmonix nhận thấy tiềm năng trong tương lai của effect pedal, và dí luôn thêm cả công ty con của mình – Sovtek chuyên sản xuất bóng đèn khuếch đại ở Nga – sang con đường làm effect pedal, cho ra đời dòng Sovtek Big Muff, hay còn được rỉ tai nhau dưới cái tên “Green Big Muff” để có thể thử nghiệm các chất âm mới liên tục.

Cho tới giờ, Electro-Harmonix đã sản xuất đủ loại effect pedal trên đời, nhưng Big Muff vẫn luôn là dòng sản phẩm chủ lực mang đậm bản sắc của họ.


Tương lai còn dài ?
Fuzz đã và đang, cũng như sẽ là một phần rất quan trọng với âm nhạc hiện đại, dù là rock, metal, psychedelic hay thậm chí cả pop, soul, blues, chúng ta đều có thể bắt gặp những nghệ sĩ sử dụng hiệu ứng fuzz theo cách riêng của mình. Fuzz vẫn là thứ được các công ty ngày đêm nghiên cứu cải tiến, cũng như hiện tại có thêm cả các nghệ nhân tại gia làm ra những pedal boutique mang bản sắc riêng của họ.
Vậy bạn đã chấm cho mình 1 cục fuzz nào chưa ?
