More

    7 “cô vợ” của huyền thoại guitar Stevie Ray Vaughan

    Stephen Ray Vaughan (3 tháng 10 năm 1954 – 27 tháng 8 năm 1990), hay được biết tới thường xuyên hơn dưới cái tên Stevie Ray Vaughan, là nhạc công, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất thu âm người Mỹ. Dù yểu mệnh và qua đời trong tai nạn thương tâm nhưng ông một trong những nghệ sĩ guitar ảnh hưởng nhất của nhạc Blues và là một trong những biểu tượng cho sự trở lại của dòng nhạc này trong những năm 1980.

    Dĩ nhiên Whammy Bar muốn tri ân tới ông bằng một bài viết thật dài về sự nghiệp cũng như cuộc đời, nhưng có lẽ là một ngày khác. Hôm nay, Whammy Bar sẽ chỉ tập trung vào những cây đàn của ông, một trong những phần quan trọng nhất của ông vua nhạc Blues Texas.

    Number One

    Number One, hay được biết tới dưới cái tên “Vợ Cả” do ông thân thương gọi, là cây đàn thường xuyên đi cùng Stevie Ray Vaughan nhất. Vốn là 1 cây Fender Stratocaster mà ông miêu tả rằng “Được độ lại nhiều hơn cả con xe Chevy nữa”.

    Stevie luôn nhận rằng đó là 1 cây model năm 1959 tại được ghi đằng sau pickup là vậy, thế nhưng Rene Martinez – người thợ may mắn được căn chỉnh cây đàn năm 1980 – lại quả quyết rằng ông thấy số 1963 trong thân đàn và số 1962 trên cần đàn.

    Cây “Vợ Cả” được tặng cho Stevie bởi Ray Henning, chủ của hàng nhạc cụ Ray Henning’s Heart of Texas tại Austin, Texas vào năm 1973 và nhanh chóng Stevie nhận ra đây chính là cây guitar sinh ra dành cho mình. Đây cũng là cây đàn được sử dụng trong cả 5 studio album của ông.

    Ông chủ shop đã tạo nên huyền thoại đây.

    Năm 1990, tạp chí Guitar Player Magazine có bài viết rất sâu tên “Supernova Strats” của Dan Erlewine nghiên cứu về việc cần đàn của Stevie Ray Vaughan kì lạ như thế nào. Vốn sở hữu lối chơi nhanh và mạnh như “sấm sét” nên việc thay phím đàn với Stevie gần như là chuyện hàng tuần, và làm chiếc cần biến dạng từ khoảng cách phím cơ bản của Fender trước 1980 là 7.25″ tới gần 9″ ở những phím trên. Phím đàn cũng là loại đặc biệt 0.110″ x 0.055″ tương tự Dunlop 6100.

    Phần phím trên xa nhau 1 cách bất thường.

    Ngoài ra còn rất nhiều cú độ cực dị hợm như việc căn chỉnh để cây đàn có thể gánh được dây cỡ 13, bộ lược được tự dũa từ 1 mảnh xương nhỏ hay pickup quấn gần 6000 vòng dây đồng thực sự là quá khủng khiếp cho single-coil. Chúng tôi sẽ có một bài viết sâu hơn về cây đàn đặc biệt này, giờ tiếp tục nào.

    Yellow

    Yellow là cây Fender Stratocaster 1959 vốn thuộc về tay guitar của Vanilla FudegeVince Martell – sau đó được bán lại cho Charley Wirz, chủ của Charley’s Guitar Shop tại Dallas. Charley là một trong những người thợ đầu tiên căn chỉnh đàn cho Stevie Ray Vaughan.

    Yellow vốn bị… khoét rỗng hoàn toàn trong thân để “Lấy chỗ cho 1 đống humbucker” nhưng Charley thấy không thực tế nên lại lắp pickguard single-coil lên lấp liếm. Năm 1982, Charley sơn cây đàn thành màu vàng rồi tặng lại cho Stevie Ray Vaughan. Stevie rất ưa chất âm nảy kiểu hơi nhừa nhựa của cây đàn nên đã dùng trong rất nhiều ca khúc như “Honey Bee” hay “Tell Me”.

    Năm 1985, Yellow bị trộm mất khi Stevie đang ở sân bay quốc tế Albany tại New York nhưng sau này đã tìm lại được, giờ Yellow đang nghỉ dưỡng trên giá trưng bày tại Hard Rock Cafe Las Vegas.

    Charley – Bạch Tuyết

    Lại 1 cây đàn custom cho riêng Stevie từ Charley’s Guitar Shop. Năm 1983, Charley muốn bạn mình đổi khẩu vị nên làm riêng cho Stevie 1 cây đàn dáng Stratocaster với 3 pick-up lipstick của Danelectro. Ngoài ra cây đàn làm kiểu “hard-tail”, fixed bridge không nhún nhảy gì hết vì Charley toàn than ông bạn mình lạm dụng cần nhún quá.

    Charley hoàn thiện cây đàn và tặng cho Stevie vào cuối năm 1983. Trên tấm neck plate được khắc “Tặng Stevie Ray Vaughan, hứa tặng nhiều hơn vào năm 84”. Ngoài ra đăng sau cây đàn, Charley còn nghịch ngợm vẽ một em gái Hawaii đang múa hở hang nữa…

    Red – nàng vợ lẽ bị hắt hủi

    Khoảng cuối 1983, Stevie Ray Vaughan lại ghé Charley’s Guitar Shop để mua 1 cây Fender Stratocaster 1962 màu Sunburst, xong nhờ Charley sơn lại thành màu đỏ fiesta và đặt cho cái tên đơn giản “Red”.

    Red không được Stevie chơi nhiều, chủ yếu nằm trong góc. Mãi tới năm 1986 thì bị lôi ra thay 1 chiếc cần.. tay trái vào cho ngầu. Rồi tới 1989, khi cần của “Vợ Cả” Number One không thể chịu được chuyện thay phím nữa thì lấy luôn cần gốc của Red thay vào.

    Nàng Red bị ghẻ lạnh.

    Năm 1990, khi đang diễn tại Garden State Arts Center tại New Jersey, 1 cột chống đổ xuống đè vào giá để đàn của Stevie, đè gãy cần của Number One, tức cần gốc của Red. Number One được đem đi tu sửa ngay còn cần gốc của Red thì… ra bãi rác.

    Hamiltone, món quà đầy tâm huyết

    Hamiltone là cây đàn custom được James Hamilton làm thủ công cho 1 mình Stevie Ray Vaughan theo đơn đặt hàng của Billy Gibbons (ZZ Top)

    Billy Gibbons và SRV thân nhau lắm.

    Hamiltone khác biệt với tất cả những cây đàn khác của Stevie khi thân là 2-piece Maple và cần liền thân. Vốn Hamiltone được lắp pickup EMG, và Stevie chẳng thích tiếng cặp pickup ấy tẹo nào nên phải tìm cách… lươn lẹo để tháo ra mà không mếch lòng anh em.

    Thế là sau đó Stevie lấy cớ không muốn dùng cây Number One quay MV, đem cây Hamiltone vào trường quay cho MV “Couldn’t Stand the Weather” cho tắm nước 1 phen giật suýt chết. Sau đó cặp EMG khỏi nói… chết ngay tắp lự.

    Scotch

    Scotch là cây Fender Stratocaster 1961, được Stevie sử dụng trong 5 năm cuối cuộc đời.

    Lẽ ra đây là cây đàn sẽ đem ra tặng khán giả trong show nhưng sau khi chơi thử, Stevie quyết định… mua lại nó từ chính mình và đem 1 cây khác ra tặng. Cây đàn có màu butterscotch ngọt ngào dẫn tới cái tên, và có tấm pickguard sơn da hổ bở Rene Martinez, sau khi Stevie tâm sử rằng người bạn thân Buddy Guy lúc ấy đang dùng tấm pickguard da hổ ngầu quá.

    Lenny – Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn

    Cây đàn không xuất hiện nhiều nhất, cũng không phải xịn nhất, nhưng Whammy Bar cũng có thể hiểu tại sao Stevie đặc biệt trân trọng nó, vì “cô vợ” này là quà từ… vợ thật của Stevie.

    Lenny là 1 cây 1964 Stratocaster. Năm 1980 Stevie vẫn là chàng nhạc sĩ nghèo, trong 1 lần tới cửa hàng nhạc cụ vô tình chạm vào cây đàn Fender ấy mà chơi không dứt. Tới lúc Lenora – vợ ông – phải lôi về nhà ăn cơm, mắt Stevie vẫn vấn vương tiếc rẻ, nhưng biết làm sao bây giờ, cây đàn quá đắt với túi tiền eo hẹp, tận 350$.

    Stevie và vợ mình, Lenora.

    Sinh nhật ấy của Stevie, Lenora đã bí mật vay 7 người bạn của mình, mỗi người 50$ để mua tặng chồng cây đàn ấy chúc mừng tuổi 26. Cảm động không nói nên lời, Stevie Ray Vaughan đã thức trắng đêm, và sáng hôm sau, khi Lenora dụi mắt ra khỏi giường, Stevie đã sáng tác xong nhạc phẩm huyền thoại “Lenny” bên gạt tàn đầy ắp. Đúng thế, Lenny chính là tên thân mật của Lenora.

    Sau này, dẫu có bao nhiêu cây guitar đi chăng nữa, Stevie Ray Vaughan vẫn luôn mang theo cây Lenny theo mình tới mọi show diễn, đặc biệt là nhạc phẩm “Lenny” chỉ duy nhất trình diễn trên cây đàn ấy.

    Hồi kết… ?

    Dẫu đã ra đi trong tai nạn máy bay thương tâm, ảnh hưởng của Stevie Ray Vaughan lên âm nhạc, nhất là nhạc blues vẫn còn mãi. Hình ảnh của ông, lối chơi nhanh như điện xẹt và tiếng đàn sáng nảy vẫn là thứ mà thế hệ những người chơi guitar về sau trầm trồ ngưỡng mộ học theo, đơn cử như John Mayer chẳng hạn ?

    Cây Black1 của John Mayer được lấy cảm hứng từ chính thần tượng SRV.

    Dẫu có bao nhiêu “Cô vợ” như thế, nhưng Stevie Ray Vaughan luôn chơi nhạc với tất cả niềm đam mê và năng lượng mà mình có, dù có là cây đàn nào. Chắc bây giờ ông vẫn đang say với âm nhạc trên Thiên đường, R.I.P Stevie Ray Vaughan.

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img