Phơ ?
Phơ là gì ? Có phải là phở không ?
Thật ra Phơ là phiên âm của từ Fuzz, khi những chiếc pedal Fuzz đầu tiên theo chân các ban nhạc Mỹ diễn ở Việt Nam trong chiến tranh. Lần đầu tiên, người Việt được nghe những âm thanh xù xì, gằn lên như vậy nên đặt cho chúng cái tên “Việt” hơn thân thương là Phơ.
Ấy thế mà sau này dần dà thành tên gọi chung không chính thức cho tất cả những effect pedal tại Việt Nam, sinh ra nhiều khái niệm sai lệch dở khóc dở cười.

Vậy Fuzz là gì ?
Với người chơi đàn guitar điện, những từ ngữ chuyên môn bí hiểm overdrive, distortion và fuzz luôn là thứ được rỉ tai nhau nhiều nhất, ấy thế mà hỗn mang trong quá trình dịch thuật lại tạo ra một mê cung rối rắm “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”
Cơ mà để giải thích 1 cách đơn giản nhất, cả 3 thuật ngữ đều có thể xếp vào thành “Guitar signal distortion“, tức làm biến dạng méo mó tín hiệu từ guitar.
Thường hiện tượng distortion xảy ra khi thiết bị mà tín hiệu đi xuyên qua đạt tới ngưỡng giới hạn của amp đang sử dụng, và tín hiệu đầu ra bị biến dạng. Hình dạng của vạch tần số có thể minh họa như dưới đây.

Distortion là một dạng biến đối của sóng âm (trong lĩnh vực âm thanh) thường bị làm giảm đi tới mức tối thiểu trong thực tế. Tuy nhiên trong vài trường hợp distortion là một dạng âm thanh được khát khao tìm tòi, mà cụ thể ở đây là chúng ta đang nói tới dang Distortion cho nhạc cụ, âm thanh biểu diễn như guitar điện, bass, synth, effect ..v..v..
Và Fuzz thuộc nhóm hiệu ứng này, thậm chí còn được coi là người anh lớn.
Sao nghe như loa hỏng ý ?
Thì… đúng vậy. Thời kì khởi nguyên của những âm thanh fuzz xuất phát từ chính những chiếc amply hỏng. Từ những năm 1940, người chơi guitar nhận ra rằng nếu đẩy càng cao âm lượng thì âm thanh càng “bẩn”, trong khi các kĩ sư âm thanh thì liệt việc ấy vào dạng lỗi và cố giảm thiểu, thì các tay guitar lại càng khoái và tìm đủ cách để âm thanh trở nên “bẩn” hơn. Có thể kể đến một trong những ví dụ sớm nhất là bài hát “How Many More Years” của Howlin’ Wolf, do tay guitar Willie Johnson chơi bằng chiếc amp Fender Deluxe 1949.
Hay cả Willie Kizzard với ca khúc “Rocket 88” cùng Ike Turner, chiếc amp của Willie bị hư hại trong quá trình vận chuyển nên tiếng ra xè xè, nhưng lại vô cùng hợp với bài hát và được yêu thích khắp nơi, khởi nguồn cho 1 làn sóng các nghệ sĩ đua nhau phá loa để bắt chước cái chất âm ấy.
1 thập kỉ sau, lại 1 tai nạn nữa xảy ra với tay guitar Grady Martin khi đang biểu diễn ca khúc “Don’t Worry” cùng ca sĩ Marty Robbins, nhưng do lỗi trên bàn mixer. Tiếng guitar xù xì ấy hơi gượng tay nhưng khiến người nghe phát cuồng, và Martin chính thức là nghệ sĩ tiên phong cho kiểu âm thanh “Fuzzy“.
Người tạo ra tai nạn ấy cho Martin là 1 kĩ sư âm thanh hơi lú lẫn tên Glenn Snoddy. Không biết đang làm việc ở studio nào nhưng sau đó Glenn đã khăn gói tới trụ sở công ty Gibson và thay đổi thế giới guitar mãi mãi.
Hay thôi mình… đừng phá loa nữa ?
Việc phá 1 chiếc amp đã là lãng phí, nữa là để tìm được đúng chất âm mình mong muốn có khi phải phá tới hàng chục chiếc. Vậy nên ban nhạc The Ventures chọn cách an toàn hơn, họ nhờ người bạn tên Orvill Rhodes tạo ra một thiết bị tạo hiệu ứng fuzz, và tung ra bản nhạc tên “The 2000 Pound Bee” năm 1962. Chú ong nặng 2000 pound có vẻ là cái tên… thích hợp cho bản nhạc khi tiếng guitar được đẩy lên tới mức vò vò như tiếng ong bay vậy.

Dẫu vậy, thiết bị ấy vẫn chỉ là thí nghiệm nhỏ của những người bạn thích vọc vạch và không bao giờ được đưa ra thương mại.
Những âm thanh đồ sộ nằm gọn dưới… lòng bàn chân
Nhớ tay kĩ sư hậu đậu Glenn Snoddy chứ ? Anh đã khăn gói tới công ty Gibson và thuyết phục họ về ý tưởng “1 thiết bị tạo hiệu ứng fuzzy bé xíu khiến mọi người không cần phải phá hoại loa đài nữa”. Gibson ngần ngừ về cú đầu tư mạo hiểm này nên quyết định đẩy xuống công ty con tên Maestro và sản xuất ra mẫu đầu tiên Maestro FZ- 1 Fuzz-tone năm 1965.

FZ-1 khá thô sơ với 1 switch bật – tắt, 1 núm chỉnh volume và attack. Những chiếc FZ-1 đầu tiên vốn dành cho guitar bass và doanh số thật sự… thảm hại. Maestro cố cải thiện bằng một chiến dịch loan tin rằng không những dùng được cho bass, FZ-1 cũng có thể dùng cho guitar nữa, nhưng chưa bao giờ quảng bá FZ-1 như 1 thiết bị tạo distortion, mà ba xạo rằng nó là 1 preamp tạo hiệu ứng giả lập tiếng… kèn đồng.

Bất chấp bài quảng cáo dài dòng, doanh thu vẫn lẹt đẹt thảm hại.
Ai ngờ đâu, năm 1965 khi Keith Richards của Rolling Stones sử dụng FZ-1 trong bài “(Can’t Get No) Satisfaction“, ai cũng sững sờ trước chất âm đặc biệt ấy.

Nhưng từ đầu khi thu cả Keith và Mick Jagger (giọng hát chính) đều… không ưa nổi cái tiếng đàn đi qua FZ-1, và chỉ coi ca khúc ấy là bản nháp thôi xong sẽ thu tiếng kèn đồng thật thay thế. Ai ngờ quản lý Andrew Loog Oldham và kĩ sư âm thanh David Hassinger để tiết kiệm chi phí đã… tung ra luôn bản thu nháp ấy. Bài hát nổi như cồn và ai cũng muốn có tiếng guitar giống như Keith, không phải nói, doanh số Maestro FZ-1 lên như diều gặp gió!

Cải tiến liên tục
Nhận thấy sự phát triển tiềm tàng của fuzz pedal, ngay lập tức rất nhiều kĩ sư âm thanh và công ty nhạc cụ khác nhảy vào lĩnh vực này. Gary Hurst ngay lập tức dựa vào bảng mạch của FZ-1 mà cải tiến ra 1 pedal khác tên Tone Bender cũng cùng năm 1965.

Tone Bender được cải tiến liên tục với những phiên bản khác nhau. Như MK 1,5 chỉ có 2 bóng bán dẫn thay vì 3.

Nhiều năm liên tục, Sola Sound Tone Bender thử nghiệm đủ các cách khác nhau để ngang hàng FZ-1. 1 trong những cải tiếng lớn nhất là chạy bằng điện 9 volt thay vì 1,5 hay 3 của FZ-1. Có lẽ 9 volt là thứ quá tiêu chuẩn của ngày nay rồi, nhưng ở thời ấy, việc thay đổi nguồn điện khiến cho tiếng đàn có lực và ngân lâu hơn hẳn người tiền nhiệm.


Vậy câu chuyện về sau như thế nào nữa ? FZ-1 đã tạo tiền đề thế nào cho cả 1 thế giới effect pedal đồ sộ ngày nay ? Chúng tôi sẽ hé lộ trong phần 2, mong các bạn đón đọc !