More

    Nhìn lại sự nghiệp của chàng “Hoàng tử” Prince

    Ngày 21 tháng 4 năm 2016, cả thế giới bàng hoàng với tin như sét đánh ngang tai: Prince đã qua đời tại nhà riêng ở Minessota do quá liều Fentanyl.

    Prince Rogers Nelson, đã qua đời đột ngột mà chưa kịp làm di chúc với số tài sản hàng chục triệu USD, bao gồm cả tiền bản quyền của hơn 30 album. 40 năm trong sự nghiệp với hơn 100 triệu đĩa được bán ra trên toàn cầu. Không chỉ là ca sĩ, nhạc sĩ, Prince còn là diễn viên, nhà thiết kế với đầu óc “điên” đầy đam mê vượt xa cả những gì hoang đường nhất.

    Mỗi lần Prince bước lên sân khấu, khán giả không chỉ được thỏa mãn với giọng ca vàng mà còn mãn nhãn với gu thời trang đi trước thời đại.

    Những nốt nhạc đầu tiên

    Sinh ra trong gia đình có bố và mẹ đều là nhạc sĩ, Prince nhanh chóng bộc lộ khả năng thiên bẩm với âm nhạc từ rất nhỏ. Ca khúc đầu tiên ông sáng tác, Funk Machine, chỉ khi mới lên 7 tuổi. Thời niên thiếu của ông gắn liền với ban nhạc thành lập cùng chính anh em họ là 94EastChampagne, tuy có nhiều demo nhưng cuối cùng chẳng ra mắt 1 sản phẩm nào hoàn chỉnh cả.

    May thay, ông được dìu dắt bởi nhà quản lý Owen Husney để ra mắt album đầu tiên “For You” năm 1978. Liền 1 mạch với album “Prince” năm 1979 và 2 single “Why You Wanna Treat Me So Bad ?” và “I Wanna Be Your Lover“, 3 đĩa “Dirty Mind” (1980), “Controversy” (1981) và “1999” (1982), Prince với năng suất như một chiếc chú ong cần mẫn đã khẳng định vị thế của mình trên khắp nước Hoa Kì với ca từ mang tính gợi dục phóng khoáng định hình cả 1 thế hệ những năm 80.

    Chỉ cần 1 album đầu tay ngay lập tức vào guồng.
    Bìa album “Dirty Mind”.

    Dấn thân vào điện ảnh và tuyệt tác Purple Rain

    Năm 1984, Prince ra mắt bộ phim đầu tay tên Purple Rain cùng ban nhạc The Revolution. Bộ phim được Prince chăm chút cho hẳn 1 album nhạc nền cùng tên Purple Rain với ca khúc chủ đạo cũng… cùng tên.
    Album ấy là ví dụ sống động nhất về độ “điên” của Prince với chất nhạc thể nghiệm và những sáng tạo trên những khía cạnh không ai ngờ tới. Hàng loạt lớp guitar overdub lên nhau, tiếng synth kì diệu, sự pha trộn đa màu sắc từ pop rock tới R&B hay cả… dance. Ca từ của bài hát “Darling Nikki” còn gây sốc tới mức album bị vào hàng Parental Advisory.

    Bộ phim được đạo diễn bởi Albert Magnoli.

    Purple Rain nhận được phản hồi vô cùng tích cực từ giới phê bình âm nhac, xuất sắc chiến thắng ngay giải Oscar lần thứ 57 cho Nhạc phim xuất sắc nhất và 2 giải Grammy cho Màn trình diễn Rock xuất sắc nhất cùng Nhạc nền xuất sắc nhất cho sản phẩm truyền thông hình ảnh. Ca khúc cũng đứng đầu mọi bảng xếp hạng ở Hoa Kì, Úc, Canada, Hà Lan.v.v và top 5 ở vô số quốc gia như Đức, New Zealang, Na Uy, Thụy Điển.v.v.
    Purple Rain trở thành 1 kiệt tác kinh điển cho tới tận ngày hôm nay.

    Tính tới hôm nay, Purple Rain đã đạt 13 đĩa Bạch Kim.

    Thành công về mặt chuyên môn lần thương mại của Purple Rain đã nhanh chóng khẳng định khả năng âm nhạc của Prince, giúp ông trở thành một nhân vật tiêu biểu cho nền âm nhạc vào những năm 1980. Nó còn được nhìn nhận như là một những album vĩ đại nhất mọi thời đại bởi nhiều tổ chức và ấn phẩm âm nhạc, bao gồm vị trí thứ 76 trong danh sách 500 Album vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stones và được đề cập trong ấn phẩm “1001 Album Bạn Phải Nghe Trước Khi Chết“. Năm 2010, Purple Rain được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Grammy và được thêm vào Danh sách những bản thu âm “có vai trò quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ” của Cơ quan Đăng ký Ghi âm Quốc gia thuộc Thư viện Quốc hội hai năm sau đó.

    Năm 1986, Prince lại 1 lần nữa thử sức trong điện ảnh với vai chính trong “Under The Cherry Moon“. Bộ phim trở thành thất bại toàn tập tới mức… giật về 1 giải Mâm Xôi Vàng. Thế nhưng ca khúc “Kiss” nhạc phim do ông viết thì thành công vang dội và được ưa thích rộng rãi.

    Thôi chơi vui chút cũng được phải không ? (ảnh cắt từ phim Under The Cherry Moon)

    Trở lại chuyên tâm vào âm nhạc

    Kết thúc với điện ảnh, Prince lại điên cuồng sáng tác nhạc. Thậm chí đôi khi hãng không cho ra đĩa vì đã quá hợp đồng, ông còn đổi nghệ danh để sáng tác chui hoặc… sáng tác cho người khác. Sau “Around the World in a Day” (1985) và “Parade” (1986), The Revolution giải thể và Prince phát hành “Sign o’ the Times” (1987) dưới vai trò nghệ sĩ đơn ca. Ông ra lò thêm 3 album đơn ca nữa trước khi ra mắt nhóm The New Power Generation vào năm 1991.

    Madonna từng chia sẻ rằng ca khúc “Like a Prayer” – mấu chốt đưa bà từ ngôi sao nhạc pop lên tầm biểu tượng văn hóa – thành công phải tới 80% là nhờ tiếng đàn của Prince.

    Nữ hoàng nhạc Pop đặc biệt thân thiết trong công việc lẫn đời sống với Prince.

    Không ngừng nghỉ, ông phát hành tới 5 album chỉ trong khoảng thời gian năm 1994-1996 trước khi chấm dứt hợp đồng với người khổng lồ Warner Bros và đầu quân cho Arista Records năm 1998, để tiếp tục ra mắt 15 ALBUM NỮA dưới mái nhà Arista Records.

    Prince trong tour diễn The Ultimate Live Expreience

    Gu thời trang rất “Quái”

    Prince không ít lần gây sốc cho khán giả với nhũng bộ trang phục “đi trước thời đại” của mình. Ấy thế mà tới tận ngày nay, nhiều nhà thiết kế vẫn rạo rực cảm hứng sáng tạo khi nhìn vào những thiết kế mang tính đột phá từ những năm 80, 90 ấy.

    Màn khoe mông tí thì bị cắt khỏi Lễ trao giải MTV.
    Tại World Music Award ở Monaco năm 1994.
    Màn trình diễn bất hủ tại Super Bowl XLI năm 2007.
    Tại American Music Awards năm 2015. 

    Ngày cả thế gian chìm dưới màn mưa tím

    Prince qua đời tại tư gia kiêm phòng thu Paisley Park của ông tại Chanhassen, Minnesota, gần Minneapolis, vào ngày 21 tháng 4 năm 2016

    Nhiều nghệ sĩ và nhân vật văn hóa phản ứng đến cái chết của Prince. Tổng thống Hoa Ki lúc ấy Barack Obama chia sẻ đau buồn và Thượng viện Hoa Kỳ thông qua một nghị quyết khen ngợi những thành tựu của ông “như một nhạc sĩ, nhà phổ nhạc, người tiên phong và biểu tượng văn hóa”. Những ngôi sao bạn bè không thể nào kìm được nước mắt, người hâm mộ thẫn thờ đổ ra đường, bàng hoàng nhìn lên trời cao.

    Nhiều thành phố khắp nước Mỹ tổ chức cầu nguyện, tưởng nhớ đến ông, rọi đèn màu tím dọc các tòa nhà và cầu đường. 5 tiếng đầu tiên từ khi thông báo ông qua đời, cụm từ “Prince” dẫn đầu xu hướng trên Twitter, với 61 triệu tương tác liên quan trên cả mạng xã hội Facebook.

    Người dân bảng hoàng đổ ra phố, không tin được rằng Prince đã ra đi

    MTV dừng lịch phát sóng để trình chiếu liên tiếp các video âm nhạc của Prince và Purple Rain. AMC Theatres và Carmike Cinemas phát lại bộ phim Purple Rain trên các cụm rạp chọn lọc trong tuần kế tiếp. Saturday Night Live chiếu một tập vinh danh ông mang tên “Goodnight, Sweet Prince,” bao gồm những màn trình diễn của ông trên chương trình. Nielsen Music báo cáo lượng doanh số của ông tăng đến 42.000% sau khi qua đời. Danh mục âm nhạc của Prince bán thêm 4.41 triệu album và bài hát từ 21 đến 28 tháng 4, với 5 album liên tiếp trở lại top 10 Billboard 200, lần đầu tiên trong lịch sử của bảng xếp hạng này.

    Nhưng tất cả những điều ấy cũng không thể mang Prince quay trở lại.

    40 năm hết mình với âm nhạc, hơn 30 album, 7 giải Grammy, 1 Giải Quả Cầu Vàng, 1 giải Oscar, vô số giải thưởng lớn nhỏ khác. Người thay đổi hoàn toàn âm nhạc những năm 80, nghệ sĩ tài hoa, kẻ dám “điên” với nghệ thuật ấy đã ra đi quá sớm ở tuổi 57.

    Tuy vậy, những tác phẩm của ông sẽ sống mãi trong lòng người yêu nhạc và là phần không thể thay thế của lịch sử âm nhạc thế giới.

    Tạm biệt, Prince.

    Hy vọng ta sẽ gặp lại nhau dưới cơn mưa màu tím.

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img