More

    Cô nàng Lucille của ông hoàng nhạc blues B.B King – Kỳ 1

    Hơn nửa thế kỷ, khán giả chưa một lần nhìn thấy ông hoàng nhạc Blues B.B King rời xa Lucille của mình. Ông đã cùng với Lucille tạo nên các bản hit để đời như “The Thrill is Gone”, “Sweet Little Angel” hay như khi hợp tác với U2 làm chao đảo những người đam mê nhạc Blues tại nước Mỹ với “When Love Comes to Town”.
    Có thể nói giọng ca trầm khàn, đầy cảm xúc, đôi khi xen lẫn cả kể truyện đầy nho nhã của B.B. King hòa hợp với chất âm của Lucille đến kỳ lạ. B.B. King từng nói: “Giây phút tôi tạm ngừng hát thì cũng là lúc Lucille sẽ hát thay tôi.”, vậy Lucille là ai và cái tên ấy tới từ đâu ?

    Mùa đông năm 1949, cậu trai B.B King 24 tuổi được gọi tới đánh đàn cho 1 sàn nhảy tại Twist, Arkansas. Sàn nhảy tồi tàn tới mức phải xua đi cái giá rét bằng lò sưởi tự chế: những thùng barrel đổ lưng lưng dầu hỏa xong đốt cho cháy phừng phừng, một biện pháp sưởi ấm phổ biến ngoài trời thời đó.

    Hình ảnh này chắc quá quen thuộc trên phim ảnh rồi phải không.

    Nhưng không phải không có lí do mà cách sưởi ấm này chỉ phổ biến ngoài trời. Chút hơi men vào, 2 gã choai choai trong sàn nhảy bắt đầu xô xát và ẩu đả. Vụ đánh nhau ấy đã xô đổ 1 thùng dầu hỏa, chỉ chờ có thế, con quái vật lửa tràn ra liếm phừng phừng khắp sàn. Nhanh không tưởng, cả quán chìm trong lửa, đám đông hoảng hốt vừa gào thét vừa chạy vội ra đường.

    Khi đã thở hồng hộc ở bên kia đường, B.B King mới nhận ra mình đã bỏ quên cây đàn Gibson mua giá 30$ ở bên trong, không cam tâm và bỏ ngoài tai mọi lời cấm cản, cậu trai xối 1 xô nước lên đầu và lao vào ngọn lửa cứu cây đàn của mình. Dù khói ám đen hết quần áo và tí chết khi cả dầm trần sụp xuống, nhưng cây đàn đã an toàn.

    Hôm sau thì nghe phong phanh rằng hóa ra 2 gã choai choai kia choảng nhau vì tranh giành cô nàng tên Lucille, B.B King mới thở phào nhớ lại sao mình dại thế nhỉ, đặt luôn cái tên Lucille cho những cây đàn của mình để nhắc nhở đừng có làm những thứ dại dột như đánh nhau vì 1 cô nàng hoặc… lao vào lửa vì 1 cây đàn. May thay cây Gibson L30 không sao, và quan trọng nhất là B.B King cũng không sao.

    Dĩ nhiên sau này lớn lên gu cũng khác, B.B King mê tít mẫu đàn semi-hollow ES-335 của Gibson và bắt đầu chính thức chuyển hẳn sang dùng mẫu đàn ấy từ album “Live At The Regal.”, cũng với cái tên Lucille.

    B.B. King và cây ES-335 đầu tiên.

    Dĩ nhiên tính tò mò vọc vạch của các nghệ sĩ thì không thể tránh khỏi, King chỉnh sửa lại cây ES-335 để phù hợp với mình nhất. Gỡ bỏ đi thanh vibrato bar vì chẳng dùng bao giờ, lại nhồi đầy… giẻ lau vào trong f-holes (2 phần khoét như lỗ violin ấy) để tránh feedback âm thanh. Ông cũng đưa cây đàn tới một thợ “đỉnh” để khảm chữ Lucille lên cần đàn.

    Điệu ghê không (phiên bản làm theo của hãng Gibson năm 2004).

    Chính (những) cây Lucille ES-335 đã góp phần tạo ra hình ảnh B.B King không thể lẫn với ai khác, cây đàn gắn liền luôn với tên tuổi ông. B.B King còn viết ca khúc cùng tên “Lucille” kể về nguồn gốc cái tên và ca khúc “My Lucille” cho bộ phim “Into the night” có sự góp mặt của tài tử Jeff Goldblum. Mọi thứ đều không qua được đôi mắt tinh tường của Gibson, vậy nên đầu những năm 80, Gibson quyết định liên hệ đề nghị sản xuất riêng cho ông hoàng nhạc Blues dòng đàn của riêng mình.

    Mấy ông thính lắm Gibson ạ !

    Phiên bản ES-335 Lucille bỏ luôn 2 f-hole để B.B King khỏi phải chạy khắp nhà… tìm giẻ đút vào. Với dòng khảm Lucille sáng choang trên headstock. Dòng đàn được người chơi nhạc và nhất là người hâm mộ B.B King ủng hộ nhiệt liệt, thế nên Gibson cũng hốt bạc lớn với hàng loạt serie ăn theo.

    Phiên bản Gibson B.B King Standard, hơi “cùi” hơn chút với inlay hình chấm thay vì chữ nhật, dòng chữ Lucille chỉ là sơn lên, hardware màu chrome và switch nằm lên trên.
    Epiphone Lucille đặt các nước khác gia công chi phí thấp, với độ tỉ mỉ và chất lượng chắc chắn không bằng được model chính, nhưng vẻ ngoài rất hào nhoáng cho những ai trót nghiện hình ảnh ông hoàng nhạc blues.

    Super Lucille với chữ kí B.B King trên pickguard.
    Little Lucille, là phiên bản cải biên từ Gibson Blueshawk với vẻ ngoài nhái lại chị Lucille được ra mắt năm 1999, xong Gibson cũng khai tử serie này luôn.

    Năm 2005, để mừng thọ B.B King tròn 80 tuổi, Gibson quyết định kỉ niệm bằng cách tạo ra dòng đàn 80th Birthday Lucille tặng ông. Cây đàn tuyệt tác ấy được B.B King dùng luôn làm cây đàn chính cho tới tận lúc ông rời xa trần thế, và như mọi cây đàn đi trước, 80th Birthday Lucille cũng có câu chuyện thú vị của riêng mình mà Whammy Bar sẽ gửi tới độc giả trong phần sau !

    Hơn nửa thập kỉ cùng Lucille.

    Bài viết mới nhất

    spot_imgspot_img

    Bài viết tương tự

    spot_imgspot_img